Chớ để rượu bia trở thành 'ma dẫn lối, quỷ đưa đường'...

Nẻo đời nào, tầng đời nào có lẽ đều có sự can dự của rượu bia. Rượu bia được coi như một phần tất yếu của cuộc sống, mặc nhiên là thế rồi. Nhân loại làm ra rượu bia dẫn tới những thăng giáng cõi trần, là chất uống xứng đáng được quan tâm hàng đầu.

Càn khôn bao la hơn cả bao la chứa muôn vàn bí ẩn đôi khi cũng được nhìn qua giọt say trong vắt và dẫn dụ vào những cung bậc tình cảm của cảnh chia ly, đoàn tụ, hạnh phúc hay ngược lại, cả luật sinh tử nữa... cũng liên đới tới thứ chất lỏng được sản xuất ra bởi quy trình lên men, chế lọc thô sơ hay hiện đại từ ngũ cốc, trái quả. Rượu, bia tuy là chất lỏng nhưng được ví như lửa, như gió nhân tạo vậy. Xưa nay, cuộc sống chẳng bao giờ thiếu rượu bia, không bao giờ vắng bia rượu, phải chăng đó cũng là một đòi hỏi, một nhu cầu bình thường của con người ta.

Thi ca dân gian và thi ca bác học đều dành cho rượu nhiều ý tứ, liên tưởng, tiết điệu. Trước hết, rượu gắn với cuộc sống con người trong nhiều bối cảnh, trạng thái, tình huống... Ca dao Việt Nam có không ít câu thấm thía về rượu, chứng tỏ các bậc tiền bối của chúng ta đã biết thưởng ngẫm một cách minh triết và đa cảm về thức uống lừng danh này. Đây nhé: Còn trời còn nước còn non/ Còn cô bán rượu anh còn say sưa, hay Chung nhau mấy chén rượu đầy/ Không say men rượu lại say men tình... Rượu đưa đẩy, đò đưa đến táo bạo, đôi khi bất chấp mọi ngáng trở, thác ghềnh của cõi trần: Rượu ngon cái cặn cũng ngon/ Thương em chẳng luận chồng con mấy đời... Rượu không thể không có trong những cuộc hội hè từ làng xã chân quê tới cung đình tôn nghiêm lộng lẫy, trong lễ nghĩa của người Việt: Rượu lưu ly chân quỳ tay rót/ Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh... Thiên hạ hào hứng xác định, trai không rượu như cờ không gió nhưng cũng tỉnh táo khuyên răn: Ai ơi đừng uống rượu say/ Bỏ ruộng ai cấy, bỏ cày ai coi...

Biếm họa của MẠNH TIẾN.

Biếm họa của MẠNH TIẾN.

Tôi cũng biết tới một câu châm ngôn, đại ý: Chén thứ nhất người uống rượu; chén thứ hai rượu uống rượu, chén thứ ba rượu uống người. Chưa ai nhắc tới chén thứ tư, thứ năm, thứ... chín, thứ... mười. Các thi nhân, thi hào, thi bá trong và ngoài nước nhắc tới rượu nhiều lắm. “Bầu rượu túi thơ” là hình ảnh quen thuộc gắn với thi nhân. Tất nhiên, không phải ai uống rượu cũng có thể làm thơ được và có thơ hay chẳng phải do nguyên nhân uống được nhiều rượu đâu. Nhưng rượu như tiếp thêm hứng cảm cho người làm thơ, có những thăng hoa trỗi bật và trí tuệ lóe sáng sau khi nâng chén ngang mày. Nguyễn Trãi từng viết: Công danh lỡ đường vô sự/ Non nước ghê chốn hữu tình/ Nào của cởi buồn trong thuở ấy/ Có thơ đầy túi, rượu đầy bình (Tự thán, bài 16). Nguyễn Bỉnh Khiêm thì: Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp/ Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao (Cảnh nhàn). Nguyễn Công Trứ say sưa cả rượu và thơ: Dở duyên với rượu không từ chén/ Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời. Đại thi hào Nguyễn Du đã 28 lần nhắc đến rượu trong "Truyện Kiều" bất hủ, câu nào cũng hay, trong đó không thể không kể tới: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình, mình lại thương mình xót xa và: Chén đưa nhớ buổi hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau... Hồ Xuân Hương, “bà Chúa thơ Nôm” cũng có câu hay về rượu: Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. Thi sĩ Tản Đà cũng từng bùi ngùi cảm thán: Công danh hai chữ mùi men nhạt/ Sự nghiệp trăm năm nét mực mờ...

Rượu kết nối cảnh với người, người với người trong nhiều trạng thái tình cảm, trong những khép mở tâm hồn, có hân hoan vui sướng, có buồn khổ đớn đau, có ngậm ngùi tiếc nuối, có dằng dặc nhớ thương, có tan hợp, được mất, đủ cả. Nước láng giềng phía Bắc của ta cũng có các bậc thi nhân để lại cho đời sau những câu thơ tuyệt vời về rượu, như Lý Bạch: Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân (Nâng chén mời trăng, với bóng thành ba người đối ẩm); như Đỗ Phủ: Tửu trái tầm thường hành xứ hữu/ Nhân sinh thất thập cổ lai hi (Dân nợ rượu tầm tầm thì có khắp hàng xứ; câu sau hiểu theo nghĩa trực tiếp là người thọ bảy mươi xưa nay hiếm và cũng có thể hiểu theo nghĩa bóng sâu hơn là người đạt đẳng thánh hiền thì xưa nay vắng vẻ); như Đỗ Mục: Tá vấn tửu gia hà xứ hữu/ Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn (Hỏi xem quán rượu ở nơi đâu/ Mục đồng chỉ Hạnh Hoa thôn ở xa xa)...

Đôi chút điểm qua như thế để thấy rằng rượu là một dạng văn hóa vật thể cũng là văn hóa phi vật thể của con người. Không phải tự nhiên mà có Thần rượu ở một số nước châu Âu như Hy Lạp, La Mã... Thỉnh thoảng được đi đây đi đó trong nước hay nước ngoài, tôi thường chọn mua một loại rượu của xứ đó mang về trưng bày trong nhà với ý nghĩ rượu là tinh túy, tinh hoa của thiên nhiên, con người vùng đất ấy. Tôi nghĩ, dùng rượu bia như thế nào để có văn hóa là một điều đáng bàn, cần bàn. Khi uống rượu, tính cách của con người có cơ hội bộc lộ rõ ràng, nhiều khi không đỡ nổi. Có người uống rượu bia vào thì thăng hoa, sâu sắc và cởi mở. Cũng có người càng uống càng trầm tư, im lặng. Lại có kẻ mượn rượu để buông câu thị phi với người vắng mặt hay gây sự với ai đó trong mâm. Thế là sinh chuyện không hay, không tốt, rượu bia trở thành “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” con người vào những suy nghĩ và hành vi tăm tối. Cái sảy nảy cái ung, nhiều chuyện đau lòng xảy ra từ con “ma men” hai mặt. Chưa kể tới chuyện sau khi uống rượu bia nhiều, la đà say, ngất ngưởng say mà điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì rất dễ xảy ra, gây ra tai nạn nghiêm trọng. Đôi khi con người ta vô tình làm việc ác, vướng vào vòng lao lý là như thế.

Tôi nghĩ, đa số đàn ông nước ta thích rượu bia. Nghe đâu, số lượng rượu bia tiêu thụ hằng năm ở nước ta thuộc hàng cao trong khu vực và thế giới. Cứ nhìn vào các quán nhậu từ nông thôn đến thành thị, từ vùng cao đến đồng bằng thì hình dung được phần nào điều tôi vừa nói. Có rất nhiều lý do để người ta rủ nhau đến quán rượu bia. Vui. Buồn. May. Rủi. Đủ cả. Thậm chí, chẳng có lý do gì cả, nhớ nhau, hứng lên là gọi nhau ra đâu đó, uống một cơ số bia rượu nào đấy. Chẳng sao cả nhưng nên nhớ điều chừng mực, đừng để bia rượu uống mình, đừng để biển chỉ sâu ngang đến đầu gối. Rượu bia trở thành chất xúc tác số một của cuộc sống, từ tỉnh đến say, từ say đến rất say chỉ là vấn đề sớm muộn. Những hệ lụy không hay gắn với rượu bia không hề ít.

Có lẽ đã đến lúc, phải có những quy định mang tính pháp luật về sản xuất, quảng cáo và sử dụng rượu bia thật chặt chẽ, có tính khả thi cao. Phải làm sao cho rượu bia không trở thành mối lo, nỗi buồn của xã hội. Rượu bia phải thực sự là những hàng hóa gắn với văn hóa, văn minh xã hội, mang đến cho con người sự kết nối, xúc tác vui vẻ, thân thiện. Đừng bao giờ quá chén để mất vui, nên uống cùng nhau trong sự giao hòa chân thành, trong sáng, sau chén rượu cốc bia là tình thân ấm áp. Chén đưa, chén mừng đều đong đầy yêu thương. Uống rượu bia cũng cần phải đẹp, cái đẹp ẩm thực chẳng bao giờ vô vị trong cuộc sống hôm nay.

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/dien-dan-van-hoa-ruou-bia/cho-de-ruou-bia-tro-thanh-ma-dan-loi-quy-dua-duong-639975