Chợ đầu mối Hà Vỹ phòng, chống dịch cúm gia cầm

Những ngày này, công tác phòng, chống dịch cúm ở chợ đầu mối Hà Vỹ, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội) đang được các ngành chức năng tích cực triển khai. Tần suất vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại chợ cũng như lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện vi-rút cúm được nâng lên.

Từ 16 giờ đến 23 giờ hằng ngày, chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ lại tấp nập người bán, người mua. Có mặt tại chợ, chúng tôi chứng kiến những chiếc xe tải mang biển kiểm soát ở các địa phương, chủ yếu từ các tỉnh phía bắc nườm nượp chở gia cầm đến bán tại chợ. Để được vào chợ, mỗi chiếc xe đều phải qua chốt kiểm dịch và chứng minh được gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, kiểm dịch đầy đủ... Trạm phó Trạm Thú y huyện Thường Tín Nguyễn Lê Ngà cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 17 nghìn đến 20 nghìn con gia cầm (tương đương 35 đến 40 tấn) được vận chuyển vào chợ. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch cúm gia cầm, lực lượng thú y huyện Thường Tín đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gia cầm vào chợ; tăng cường tuyên truyền cho bà con kinh doanh về tình hình dịch bệnh hằng ngày và các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời khuyến cáo người dân khi mua phải lựa chọn gia cầm rõ nguồn gốc, xuất xứ, có kiểm định để phòng, tránh dịch bệnh.

Hiện, công tác phòng, chống dịch tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ đang được thực hiện nghiêm ngặt. Trong đó, khoảng 20 người là lực lượng thú y huyện và cán bộ Công an, Quân đội, được chia làm ba ca thường xuyên túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát, kiểm dịch những gia cầm vận chuyển vào chợ. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ Hà Vỹ cũng đã tăng tần suất vệ sinh và thu gom rác thải trong chợ, trước một lần/ngày thì nay tăng lên hai lần/ngày. Đặc biệt, việc lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sự lưu hành của vi-rút được cán bộ thú y huyện làm thường xuyên, mỗi tuần một lần (so với trước đây là mỗi tháng một lần) với 50 mẫu tại bất kỳ ki-ốt nào bán trong chợ, để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chị Lê Thị Yến, chủ ki-ốt khu C1 chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh buôn bán gia cầm tại chợ nhiều năm nay. Mỗi ngày gia đình tôi nhập khoảng 1.000 con gia cầm từ các trang trại ở huyện Đông Anh về bán. Để có gia cầm an toàn dịch bệnh, chất lượng tốt, gia đình tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ với các trang trại ở Đông Anh nhằm bảo đảm nguồn gốc xuất xứ. Hơn nữa, khi các trang trại giao gia cầm cho tôi cũng phải bảo đảm có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, gia cầm phải khỏe mạnh mới nhập. Hiện, lực lượng thú y và Ban quản lý chợ đang tích cực tổ chức vệ sinh tiêu độc, giám sát việc vận chuyển ra vào chợ để đề phòng dịch. Vì vậy, chúng tôi rất yên tâm vì công tác phòng, chống dịch tại chợ được lực lượng thú y thực hiện bài bản và rất chủ động”.

Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh chia sẻ, để công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, UBND huyện Thường Tín yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm, ý thức về phòng, chống dịch bệnh gia cầm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống; sẵn sàng các phương án, nhân lực, vật tư để chủ động xử lý các dịch bệnh nguy hiểm ở động vật; ứng phó kịp thời, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh mới xuất hiện có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Ngoài ra, các lực lượng chức năng và các xã, thị trấn cũng chủ động kiểm soát hoạt động vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn huyện; kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và chưa qua kiểm dịch; khi có dịch cần giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng; tuyên truyền, khuyến cáo và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia cầm đầu tư cơ sở, trang thiết bị hạ tầng, mặt bằng, con giống... bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/32342302-cho-dau-moi-ha-vy-phong-chong-dich-cum-gia-cam.html