Chợ đầu mối: Chuẩn theo tiêu chí mới cần có lộ trình dài hơi

Với việc 'chuẩn hóa' cho chợ đầu mối trên địa bàn cả nước phải đạt các tiêu chí theo tiêu chuẩn đặt ra là chủ trương phù hợp với xu hướng để quản lý tốt việc kinh doanh, buôn bán của tiểu thương.

Thế nhưng, để làm tốt việc quy hoạch cũng như sự cần thiết phải áp dụng các tiêu chí đạt chuẩn về chợ đầu mối trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đang loay hoay với việc giải quyết các tồn đọng do lịch sử để lại.

Khó về nguồn vốn cho quy hoạch

Theo Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản chính thức có hiệu lực từ 1/4/2019 thì tất cả các chợ đầu mối trên địa bàn cả nước phải đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm, quy hoạch mỗi điểm kinh doanh trong chợ phải đạt tối thiểu 3m2 trở lên, đường đi lại trong chợ rộng từ 1,5m2 trở lên; Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán; Tổ chức quản lý chợ phải có quy định kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; lưu trữ hồ sơ quản lý an toàn thực phẩm tại chợ, thời gian lưu trữ tối thiểu là 2 năm…

Với các tiêu chí mà Thông tư 11 đặt ra nhằm mục tiêu “chuẩn hóa” các chợ đầu mối nông lâm thủy hải sản…theo hướng hiện đại, an toàn. Và, Thông tư 11 cũng là cơ sở để các địa phương áp dụng vào việc phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng các chợ đầu mối hiện nay.

Để chợ đầu mối hiện nay đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư 11 thì công tác quy hoạch, nâng cấp đang trở thành vấn đề nan giải đối với các địa phương

Để chợ đầu mối hiện nay đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư 11 thì công tác quy hoạch, nâng cấp đang trở thành vấn đề nan giải đối với các địa phương

Dư luận cũng đồng tình với việc Bộ NN&PTNT áp dụng các quy định được xem là động thái tích cực, kịp thời trong việc nâng cao chất lượng quản lý các mặt hàng nông lâm thủy hải sản tại các chợ đầu mối để tránh tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, buôn bán gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Quản lý tốt chợ đầu mối theo Thông tư 11 là giải pháp căn cơ để các cơ quan chức năng làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Mặt khác, với các yêu cầu về tiêu chí diện tích tối đa, không gian tối thiểu cho chợ đầu mối sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các điểm kinh doanh, buôn bán trong chợ.

Tuy nhiên, thực trạng chợ đầu mối hiện nay muốn đảm bảo được các tiêu chí theo Thông tư 11 do Bộ NN&PTNT đặt ra thì quy định trên văn bản cho tới thực tiễn đang đang là khoảng cách khá xa. Bởi, về mặt quy hoạch cũng như kiến trúc các chợ đầu mối đã có lịch sử hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay.

Chính vì vậy, muốn chợ đầu mối hiện hữu đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư 11 thì chỉ còn cách phá dỡ chợ cũ xây lại chợ mới. Vấn đề này sẽ khiến nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc do lịch sử để lại cũng như nguồn vốn nào để huy động phá dỡ chợ cũ để xây dựng theo quy hoạch và tiêu chí mới?

Xây mới, có nới được cũ?

Theo khoản 3, điều 2, Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ thì quy định chợ đầu mối là chợ có vai trò chủ yếu thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế hoặc của ngành hàng để tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác.

Thực tế hiện nay cho thấy, tại nhiều chợ đầu mối của nhiều tỉnh, thành trên địa bàn cả nước đều có lịch sử hình thành và phát triển hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Đây chính là các chợ tập trung các nguồn, ngành hàng để phân phối sỉ, lẻ cho các chợ vệ tinh của mỗi địa phương.

Muốn chợ đầu mối hiện hữu đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư 11 thì chỉ còn cách phá dỡ chợ cũ xây lại chợ mới?

Đơn cử, tại chợ Vinh hiện nay với quy mô hàng chục nghìn m2, được xem là trung tâm đầu mối phân phối hàng hóa lớn nhất Bắc Trung Bộ. Chợ Vinh có lịch sử hình thành gần 300 năm nay, đến năm 2005, tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương xây dựng mới đình chợ Vinh và đình phụ 2 bên với diện tích hàng chục nghìn m2. Chỉ tính riêng hạng mục đình chính chợ Vinh được thiết kế xây dựng gồm 3 tầng nổi, một tầng hầm, tổng diện tích sàn của 4 tầng là 33.000m2, tọa lạc trên diện tích gần 12.000m2 đất, chiếm 1/2 diện tích của toàn bộ chợ Vinh. Kể từ đó, chợ Vinh với sự có mặt của hàng nghìn hộ kinh doanh đã trở nên sầm uất, tấp nập ngày đêm.

Thế nhưng, việc quy hoạch các điểm kinh doanh, buôn bán, đường giao thông đi lại trong chợ lại quá khiêm tốn và không thể đáp ứng được các tiêu chí theo Thông tư 11 đã đặt ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy cơ cháy nổ tại chợ Vinh vẫn xảy ra trong thời gian qua.

Được biết, trước khi Thông tư 11 có hiệu lực, UBND TP Vinh cũng đã có động thái lập quy hoạch chi tiết để tiến tới xây dựng mới trên nền đất đình phụ 2 bên đình chính chợ Vinh bây giờ. Và, theo quy hoạch mới, chợ Vinh sẽ được nâng cấp, xây dựng sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về xây dựng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng hiện đại, văn minh.

Ông Tô Thành Nhân – Trưởng Ban quản lý Chợ Vinh cho rằng, nếu theo quy định mới tại Thông tư 11 thì công tác quản lý cũng như giám sát nguồn vào, nguồn ra hàng hóa sẽ chặt chẽ hơn.

Thế nhưng, qua tìm hiểu thì các tiểu thương cho rằng, do lịch sử để lại và thói quen kinh doanh, buôn bán từ lâu đời nên để chợ đầu mối như ở Nghệ An hiện nay đáp ứng được tiêu chí như Thông tư 11 đặt ra thì phải quy hoạch lại toàn bộ. Vì vậy, để có thể xóa bỏ được các hạng mục mà chợ đầu mối cũ để xây mới nhằm đạt chuẩn theo các tiêu chí mà Bộ NN&PTNT đưa ra cần phải có lộ trình dài hơi.

Ngọc Thái

Bạn đang đọc bài viết Chợ đầu mối: Chuẩn theo tiêu chí mới cần có lộ trình dài hơi tại chuyên mục Pháp luật của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/noi-lo-cho-cho-dau-moi-148300.html