Chỗ đáng để đau xót

Rất thường khi chúng ta được nghe từ cửa miệng của một số lãnh đạo ở nhiều cấp khác nhau thốt lên mấy từ 'đau xót', 'rất đau xót', khi đề cập tới những cán bộ ở các cấp khác nhau bị kỷ luật Đảng hay phải ra tòa đối diện với công lý và lãnh án vì những việc làm vi phạm pháp luật.

Một mặt, có thể hiểu được sự “đau xót” ấy (nếu đó là đau xót thật chứ không phải là những lời giả dối để che đậy một điều gì khác) khi người phát biểu “đau xót” và người bị kỷ luật, bị lãnh án cùng thuộc một tổ chức, vì như vậy tổ chức đã mất đi một hoặc một số người cùng chí hướng, “cùng hội cùng thuyền”, làm suy yếu sức mạnh của tổ chức. Cũng có thể hiểu được sự đau xót ấy nếu những người bị kỷ luật, lãnh án phải chịu oan ức. Nhưng những vụ cán bộ, kể cả cao cấp, bị kỷ luật, lãnh án vừa qua dường như ít nghe thấy có oan sai.

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: CTV

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: CTV

Lấy thí dụ mới nhất: vụ cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị truy tố vì chịu trách nhiệm về việc làm cho Nhà nước bị thất thoát 2.700 tỉ đồng do biến khu đất vàng thuộc sở hữu doanh nghiệp nhà nước ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM trở thành sở hữu doanh nghiệp tư nhân; và cựu phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị ra tòa với án phạt 8 năm tù vì tội gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 200 tỷ đồng liên quan đến vụ giao khu đất số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1. Nếu những người cùng tổ chức với họ có cảm thấy “đau xót” vì sự trừng phạt của pháp luật dành cho họ (cho đến nay chưa thấy vị lãnh đạo nào lên tiếng tỏ ra “đau xót” cho hai cán bộ cao cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước nói trên) thì tuy điều đó là hiểu được nhưng có lẽ họ cũng cần nhìn xa hơn.

Với không ít trường hợp tương tự trước đây, ta thường nghe ai đó thốt lên trước công chúng, trước người dân hai từ “đau xót”. Có vẻ như hai từ đó đã được nói ra không thật đúng chỗ. Người phát biểu có lẽ chỉ đứng về phía nội bộ tổ chức mà nói chứ không đứng từ vị trí người dân là người đang gánh chịu hậu quả của những việc làm sai trái, phạm pháp của những quan chức được đề cập. Nếu những từ ấy được nói ra trong nội bộ tổ chức để rút kinh nghiệm, làm bài học cho những người cùng trong tổ chức thì, như trên đã nói, là có thể hiểu được. Nhưng khi phát biểu với toàn thể người dân thì đừng quên rằng những quan chức vi phạm pháp luật, phải lãnh án là những người đã được Nhà nước trao một nhiệm vụ công và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như trước nhân dân khi họ làm việc phạm pháp.

Nếu phải đau xót thì đứng từ phía người dân và sự mưu cầu cuộc sống, ấm no, tự do, hạnh phúc của họ, có biết bao nhiêu thứ để phải đau xót và đáng để đau xót hơn.

Người dân chỉ biết, chỉ cần biết đó là những người đã được trao trách nhiệm phục vụ lợi ích công, và khi phạm pháp, xâm phạm lợi ích công thì họ đương nhiên phải bị pháp luật trừng phạt. Một nhà nước pháp trị, một nhà nước luôn kêu gọi “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” cũng chỉ cần thế. Và chỉ có thế thì những lời kêu gọi xây dựng một bộ máy nhà nước hoạt động “hiệu lực, hiệu quả” mới có cơ trở thành hiện thực.

Mặt khác, nếu phải đau xót thì đứng từ phía người dân và sự mưu cầu cuộc sống, ấm no, tự do, hạnh phúc của họ, có biết bao nhiêu thứ để phải đau xót và đáng để đau xót hơn. Chẳng hạn, chỉ để nêu vài ví dụ, lẽ nào không xót trước những công trình, dự án ngàn tỉ, chục ngàn tỉ đồng đắp chiếu năm này qua năm khác như 12 đại dự án ngành công nghiệp gây biết bao thiệt hại cho ngân sách và kéo lùi sự phát triển kinh tế của đất nước; hay trước dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, qua 12 năm thi công, hơn 11 lần dời thời điểm đưa vào vận hành, đội vốn tới 10.000 tỉ đồng mà vẫn chưa biết khi nào có thể bắt đầu khai thác, giống như khúc xương nuốt không vào, nhổ không ra.

Những ai phải chịu trách nhiệm về những thua lỗ, mất mát đó? Hoặc lẽ nào không đau trước tình trạng quá tải từ năm này qua năm khác của hệ thống bệnh viện khiến người dân khốn khổ mỗi khi phải vào bệnh viện thăm khám, chữa bệnh; hay trước sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của môi trường sống và hệ sinh thái khi rừng bị hủy diệt không thương tiếc, ô nhiễm từ các dự án công nghiệp, nhiệt điện ngày càng tăng…

Hoặc không đau trước sự xuống cấp về nhiều mặt của giáo dục, văn hóa, đạo đức và các giá trị xã hội…

Nhưng đáng đau xót hơn cả, xốn xang hơn cả là bi kịch của những phận người bị gạt ra bên lề, bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Như những nông dân vì không muốn mất đất mà bị đẩy đến chỗ phải phạm tội để bảo vệ nguồn sống duy nhất của mình; như những công dân thấp cổ bé họng bị kết án tử hình oan, sau nhiều năm tù mới được minh oan; những công dân bị đẩy đến chỗ tìm đến cái chết vì cho rằng mình bị xử oan ức (trường hợp anh Lương Hữu Phước ở Bình Phước mới đây); hay như những phụ nữ nông dân cùng đường phải dùng mạng sống của mình để đổi lấy cái chứng nhận hộ nghèo cho con cái được tiếp tục đi học (trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở Cà Mau năm nào). Đó chỉ là một số trường hợp được phản ánh trên báo chí, còn bao nhiêu trường hợp chết đi mà không ai hay biết?

Đau xót vì vậy, nếu đứng từ góc độ người dân, nên được dành trước hết cho bao nhiêu số phận bị thiệt thòi trong xã hội thay vì cho những người được giao trọng trách nhưng lại lợi dụng vị trí của mình để trục lợi và làm hại cho xã hội. Đó mới là sự đau xót đúng chỗ.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cho-dang-de-dau-xot-25503.html