Cho cuộc sống được nối dài

Thông tin anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, ở TP Ninh Bình) không may mắc bệnh hiểm nghèo quyết định hiến tạng cứu được năm người thật sự gây xúc động cho nhiều người. Giờ đây, việc đăng ký hiến tạng sau khi chết ngày càng được nhiều người tham gia với mong muốn để cho cuộc sống được nối dài...

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức thực hiện ca phẫu thuật lấy-ghép đa tạng.

Hồi sinh

Anh Quý được phát hiện bị mắc bệnh phình mạch não vào tháng 11-2018. Nhiều ngày điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng không kết quả, khi mạch cứ vỡ ra không nút lại được, nút chỗ này lại phình chỗ khác. Biết bệnh trạng của mình, anh đã nói với vợ con, gia đình là sẽ hiến tạng nếu không may qua đời, anh mong muốn cái chết của mình trở nên có ý nghĩa vì sẽ cứu nhiều người bệnh khác. Khi rơi vào hôn mê sâu và được các bác sĩ tiên lượng không qua khỏi, vợ anh là chị Hoàng Thanh Phương và cả gia đình đã liên hệ các đơn vị liên quan như Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia để ý nguyện được hiến tạng của anh thành hiện thực.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia phối hợp Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức triển khai các biện pháp đưa người bệnh về Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức để thực hiện các ca phẫu thuật lấy - ghép tạng. Các bác sĩ đã nhận sáu tạng (tim, gan, thận, phổi) để ghép cho năm người bệnh, trong đó bốn người bệnh được ghép ngay tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức và một ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh.

Nhớ lại giây phút cuối cùng của anh Quý, một cán bộ của Trung tâm Ðiều phối ghép tạng quốc gia kể: Khi đó, chị Hoàng Thanh Phương cúi xuống bên anh Quý, cầm tay anh thật chặt, vì chị biết đã đến giờ phút anh - chị chia ly. Trước lúc lâm chung, anh đã dặn muốn dành tim, gan của mình cho những người bệnh ở lại. Chị sợ mất anh, vẫn hy vọng điều đó không xảy ra... nên chị không đồng ý. Nhưng rồi anh không qua khỏi, chị liên hệ với chúng tôi để muốn anh còn tiếp tục được sống theo một cách khác.

Dường như không phụ lòng tốt của người hiến, sau hai tuần, đến nay những người nhận tạng đều đã tỉnh táo và ổn định, đang tiếp tục điều trị sau ghép. Ðây thật sự là món quà vô giá mà anh Dương Hồng Quý và gia đình đã trao cho mà họ sẽ mang theo trong suốt cuộc đời còn lại… Năm người được cứu sẽ sống tiếp cuộc đời gồm cả phần đời của anh Dương Hồng Quý. Và anh cũng được sống hai cuộc đời.

Dấu ấn ngành y

Từ các tạng anh Quý hiến, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã lấy và ghép hai lá phổi cho anh N.V.Ð. (17 tuổi) mắc bệnh mô bào ở phổi (một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt, không có giải pháp điều trị triệt để) giai đoạn cuối, tiên lượng tử vong rất cao trong một vài tháng, giải pháp điều trị duy nhất trên thế giới là phẫu thuật ghép hai lá phổi mới; ghép quả tim cho một người bệnh nam (60 tuổi) bị bệnh cơ tim giãn nở giai đoạn cuối; ghép gan cho một người bệnh nữ (63 tuổi) bị mắc bệnh u gan; một quả thận của anh dành cho một người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối và một quả thận còn lại được điều phối "xuyên Việt" vào TP Hồ Chí Minh ghép cho một bệnh nhi bị suy thận giai đoạn cuối.

Ca lấy sáu tạng, ghép thành công cho năm người hết sức đặc biệt này đã được bình chọn là một trong chín sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2018. Không chỉ về khía cạnh nhân đạo, theo GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, đây là lần đầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức thực hiện thành công kỹ thuật ghép hai phổi từ người cho chết não, với kíp mổ hoàn toàn là các thầy thuốc của bệnh viện. Ðáng chú ý, đây cũng là lần đầu Việt Nam thực hiện lấy đồng thời sáu tạng để ghép từ cùng một người cho chết não. Và cũng lần đầu ở Việt Nam, các bác sĩ một bệnh viện đã tiến hành ghép năm tạng vào cùng thời điểm cho bốn người bệnh và kết hợp điều phối chuyển một quả thận vào TP Hồ Chí Minh ghép cho một bệnh nhi.

Trong bốn ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, ca ghép phổi là vất vả và khó nhất. Sau 14 giờ thực hiện theo đúng quy trình chuyên môn với các thì mổ chính như: Triển khai các phương tiện gây mê và hồi sức; lắp đặt hệ thống ECMO hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn trong mổ; phẫu thuật gỡ dính - cắt bỏ hai phổi bệnh lý; chuẩn bị các cuống phổi ghép; chuẩn bị phổi ghép: rửa mạch máu phổi, chuẩn bị cuống phổi, chia tách hai phổi, cắt giảm thể tích phổi (trọng lượng người nhận chỉ bằng 50% người cho phổi); ghép phổi bên phải (kèm đánh giá hiệu quả ghép phổi phải); ghép phổi bên trái (đánh giá hiệu quả ghép hai phổi); hồi sức tích cực, hiệu chỉnh các thông số phổi ghép; chuyển người bệnh về đơn vị hồi sức đặc biệt sau ghép phổi...

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức), người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật đánh giá: Ðây là một ca hiến - ghép tạng thành công, bởi hiếm khi người hiến và người ghép có các chỉ số hòa hợp nhiều đến như vậy. Ca ghép phổi thành công đã góp phần hoàn chỉnh kỹ thuật ghép phổi, sớm đưa kỹ thuật này trở thành thường quy. Tuy nhiên, chăm sóc sau ghép phổi phức tạp hơn nhiều so với các ca ghép tạng khác, nổi cộm ở mấy vấn đề: nguy cơ nhiễm trùng tạng ghép rất cao, phải nội soi - đánh giá - vệ sinh phế quản hằng ngày, hầu hết phải chăm sóc phổi ghép qua mở khí quản, thời gian hậu phẫu thường kéo dài hai, ba tháng thì người bệnh mới có thể xuất viện.

Tính đến cuối tháng 12-2018, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, một ca ghép tim và thận, một ca ghép tim và phổi, ba ca ghép phổi.

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/38762402-cho-cuoc-song-duoc-noi-dai.html