Chờ cú đánh cực mạnh vào tham nhũng

Mười năm trước, tại Hội nghị lần thứ 5, Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW với nhận định: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành,... gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Khi đó, Trung ương Đảng đã thông qua một quyết định quan trọng: "Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban... Ở địa phương, không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng". Quyết định này đáp ứng rất kịp thời và trúng đích đòi hỏi của nhân dân. Đó là: chống tham nhũng hiệu quả phải từ trong ra, từ trên xuống!

Đảng ta lãnh đạo đất nước; bộ phận lãnh đạo cao nhất ở các ngành, các cấp, các tổ chức đều là đảng viên, vì vậy chống tham nhũng trước hết từ trong Đảng. Và phải chống tham nhũng từ trên, từ cấp cao xuống. Hai đòi hỏi này, cùng với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" đã trở thành phương thức chủ đạo của công cuộc phòng chống tham nhũng, nhờ đó đã đạt được những thành tích quan trọng. Trong 10 năm qua, hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 7.390 cá nhân bị kỷ luật vì tham nhũng. Trong số này có hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý; 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; một số ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Nhân dân cảm thấy đau xót khi thấy đứng trước vành móng ngựa là những người từng là lãnh đạo cấp cao. Nhưng nỗi đau ấy cũng làm gia tăng niềm tin vào quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước không để "nhà dột từ nóc", không để tham nhũng lũng đoạn trong những cơ quan chống tham nhũng, không để "người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng" như công luận từng lên tiếng.

Tuy nhiên, qua những vụ án lớn đã và đang diễn ra, nhân dân lại thấy nạn tham nhũng - và đan xen với nó là nạn suy thoái đạo đức và lãng phí của công, vẫn còn nghiêm trọng, ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Nạn tham nhũng lớn nhỏ hằng ngày vẫn với muôn hình vạn trạng, thủ đoạn tinh vi, cả trong khu vực công và khu vực tư. Cho dù đã bị đánh trí mạng, "bầy sâu" tham nhũng vẫn còn đó, tiếp tục gặm nhấm nguồn lực quốc gia, làm gia tăng nạn nghèo đói, hủy hoại môi trường sống và làm suy yếu khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước.

Hôm nay, 30-6, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo báo chí, đây là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay của Đảng với hơn 4.100 điểm cầu kết nối trực tuyến với Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có những chỉ đạo quan trọng, quyết liệt hơn nữa đối với công tác này.

Thông tin về cuộc họp này đang dấy lên kỳ vọng của nhân dân về một bước đột phá mới đủ mạnh, đủ sâu, đủ rộng để tận diệt nạn tham nhũng. Một khi đã tin, người dân sẽ không ngại hy sinh để góp phần chống tham nhũng, cũng như đã từng không tiếc máu xương trong kháng chiến giành độc lập. Bởi vì, chừng nào nạn tham nhũng còn gây hại trong Đảng, chính quyền và xã hội thì mọi khát vọng về một đất nước thịnh vượng, hùng cường, dân chủ, văn minh sẽ chỉ là khát vọng mà thôi.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/cho-cu-danh-cuc-manh-vao-tham-nhung-20220629223716933.htm