Cho con uống thuốc hạ sốt tại nhà, không phải cha mẹ nào cũng biết cách đúng

Nguyên tắc đầu tiên của dùng thuốc hạ sốt cho trẻ là phải dựa vào cân nặng, không chỉ dựa theo tuổi.

Theo các bác sĩ Bệnh viện 108, sốt cao sẽ làm rối loạn sinh lý của nhiều cơ quan, hệ thống, phải dùng thuốc hạ sốt. Đó là các yêu cầu cấp bách trong các tình huống gia đình. Đây là thuốc bắt buộc dùng theo đơn nhưng chúng ta cần phải biết những lưu ý dưới đây khi dùng thuốc, nhất là cho trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Đối với trẻ nhỏ, liều lượng thuốc hạ sốt được tính tùy theo cân nặng, không phải trẻ nào cũng giống trẻ nào.

Các dạng thuốc paracetamol cho trẻ trên thị trường hiện nay

Thuốc hạ sốt trên thị trường rất nhiều loại với các dạng khác nhau. Trong các tình huống thông thường là paracetamol (còn gọi là acetaminophen). Trên thị trường còn một loại thuốc hạ sốt nữa là aspirin hoặc ibuprofen nhưng loại này khó dùng hơn và có một số đối tượng chống chỉ định. Vì thế, bạn nhất định cần hỏi ý kiến bác sỹ về loại thuốc phù hợp trước khi sử dụng.

Trẻ sốt trên 38.5 độ C cần được uống thuốc hạ sốt.

Trẻ sốt trên 38.5 độ C cần được uống thuốc hạ sốt.

Dạng gói bột: Dạng này thường có mùi hương thơm của các loại trái cây như cam, chanh, dâu... có vị ngọt rất hợp với sở thích của trẻ, trẻ sẽ không sợ khi sử dụng, được sử dụng rất tiện lợi, khi trẻ sốt chỉ cần pha thuốc với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống, hiệu quả hạ sốt nhanh vì dược chất paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau khi uống khoảng 15 phút – 30 phút. Dạng gói được bào chế dưới những hàm lượng thông thường là 80mg, 150mg và 250mg. Lựa chọn hàm lượng tùy thuộc vào cân nặng của trẻ

Dạng sirô: Dễ sử dụng cho trẻ, hàm lượng thông dụng là paracetamol 80mg/5ml, 150mg/5ml hoặc 250mg/5ml. Dạng này có nhiều mùi vị khác nhau, giúp trẻ uống thuốc được thuận lợi hơn và hiệu quả hạ sốt cũng tương tự như với loại hạ sốt dạng gói bột.

Lưu ý, thuốc dùng cho trẻ em lúc này dùng theo dạng hàm lượng chi tiết cụ thể. Dạng 80mg gói bột dùng cho trẻ em có cân nặng từ 5-12kg, dạng 250mg dùng cho trẻ từ 13-50kg.

Dạng viên đạn được bào chế với 3 hàm lượng: 80mg, 150mg và 300mg. Dạng 80mg dùng cho trẻ từ 4-6kg; dạng 150mg dùng cho trẻ có cân nặng từ 7-12kg; dạng viên đạn 300mg dùng cho trẻ từ 13-24kg.

Dạng viên đạn (viên hạ sốt đút hậu môn): Loại này thường được sử dụng trong trường hợp trẻ sốt kèm theo nôn nhiều không uống được, sốt cao co giật hay khi trẻ ngủ bố mẹ không muốn đánh thức. Dạng này được bào chế với 3 hàm lượng thông thường là 80mg, 150mg và 300mg.

Khi nào nên dùng thuốc hạ sốt, dùng sao cho đúng tại nhà?

Với trẻ em khi sốt trên 38,5 độ C, bạn nên hỏi ý kiến bác sỹ dùng thuốc hạ sốt ngay vì tốc độ sốt của trẻ đến 39 độ C, 40 độ C là rất nhanh. Đây là hai ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm.

Nên dùng dạng uống hay siro khi trẻ có thể uống được, nếu trẻ sốt kèm theo nôn nhiều không uống được, sốt cao co giật hay khi trẻ ngủ bố mẹ không muốn đánh thức thì dùng dạng viên đặt hậu môn. Liều dùng 10-15mg/kg/lần, liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày.

Điều này có nghĩa là với một đứa trẻ chỉ 10-11kg, mỗi lần nên uống liều 100-150mg, không quá 600mg/ngày. Với trẻ nhỏ, liều độc được xác định là 200mg/kg cân nặng/lần. Thời gian giữa 2 lần dùng thuốc đối với trẻ sơ sinh là từ 6-8 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt trên 38,5 độ C.

Trẻ lớn hơn nếu trẻ vẫn còn sốt thì thời gian dùng thuốc cách nhau từ 4-6 giờ.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ em

- Không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ, nhất là dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Liều lượng thuốc hạ sốt cần dựa trên cân nặng thực tế của trẻ, chứ không phải theo tuổi. Nếu dùng paracetamol quá liều có thể gây cạn kiệt glutathion của gan dẫn đến tiêu hủy tế bào gan.

- Không nên sốt ruột khi uống thuốc mà trẻ chưa hạ sốt ngay, cần tuân thủ khoảng cách an toàn giữa 2 lần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để phòng ngừa tình trạng quá liều.

- Thuốc hạ sốt dùng phải còn hạn sử dụng rõ ràng.

- Tuyệt đối không phối hợp sử dụng thuốc paracetamol và thuốc ibuprofen. Nếu dùng kết hợp sẽ làm tăng tác dụng độc tính của thuốc. Dù là dạng thuốc nào viên đặt, siro hay dạng gói bột thì thành phần cũng như nhau, không nên nghĩ dùng 2 dạng thuốc khác nhau thì không cần tuân thủ thời gian giữa 2 lần sử dụng.

Lưu ý ngoài việc dùng thuốc bố mẹ nên lau người cho bé bằng nước ấm, mặc đồ thoáng mát, cho trẻ bú hay uống nước nhiều hơn. Trường hợp trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt hay xuất hiện các triệu chứng nặng như nôn ói nhiều, trẻ li bì khó đánh thức hay vật vã kích thích... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Quỳnh An

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/cho-con-uong-thuoc-ha-sot-tai-nha-khong-phai-cha-me-nao-cung-biet-cach-dung-20190815150159598.htm