Cho con sống cuộc đời của con

Con cái là phải nghe lời, phải tuân theo ý muốn của bố mẹ, phải học ngành này, chọn lấy người kia… Những quan điểm tưởng chừng cổ hủ, cũ kỹ nhưng vẫn luôn tồn tại trong xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở bất cứ nơi nào.

Con cái được hạnh phúc là ước muốn cao nhất của mỗi bậc phụ huynh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Con cái được hạnh phúc là ước muốn cao nhất của mỗi bậc phụ huynh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mong manh giữa hủy hoại và dựng xây

Trong tuần qua, có 2 sự kiện có phần không liên quan đến nhau nhưng lại mang nhiều ý nghĩa với các bậc phụ huynh trên thế giới. Đầu tiên là câu chuyện Olivia Jade, cô con gái lớn của diễn viên Lori Loughlin và nhà thiết kế Mossimo Giannulli, công khai bày tỏ sự tức giận với bố mẹ vì đã “hủy hoại cuộc đời cô”. Trước đó, Olivia Jade là cô gái nhận được lượng theo dõi lớn trên YouTube với các clip cá nhân nhiều chủ đề khác nhau, từ cuộc sống đến dạy làm đẹp. Và thậm chí cô gái trẻ còn bắt đầu thành công với việc sáng tạo ra một thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình. Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ khi người ta phát hiện ra bố mẹ cô, 2 người nổi tiếng và giàu có đã từng chi ra đến nửa triệu USD để xin cho cô vào một trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Sau một đêm, tất cả đều tan biến, các video clip trên YouTube của cô bị tẩy chay, thương hiệu mỹ phẩm bị loại khỏi cửa hàng, mọi cánh cửa đều đóng sập lại với cô.

Trước đó một thời gian, anh Allen Jones (sống ở New Jersey, Mỹ) đã được tạp chí Fatherly, một tạp chí chuyên dành cho các ông bố, trao danh hiệu “Người đàn ông của năm 2018”. Giải thích cho danh hiệu này, các chuyên gia của Fatherly cho rằng, Allen Jones trở thành hình mẫu người cha lý tưởng là nhờ cả chặng đường anh cùng con trải nghiệm, ở bên cạnh, sẻ chia và không áp đặt bất cứ định kiến nào cho con - cậu bé Cameron Jones. Một trong những câu chuyện được nhắc đến là cậu bé Cameron Jones luôn tràn đầy năng lượng mỗi khi âm nhạc cất lên và thích đắm mình trong những vũ điệu tự do. Nhưng giáo viên ở trường học mẫu giáo của Cameron đã bảo cậu bé rằng nhảy múa là việc của con gái. Cậu bé kể lại với cha, anh Allen bình tĩnh lắng nghe và từ tốn nói với con trai: “Đừng cho phép bất cứ ai nói với con rằng con không phù hợp với việc gì, nếu đó là điều con cảm thấy hứng thú và điều đó quan trọng với con”.

Hai câu chuyện trên được chia sẻ rất nhiều những ngày qua ở Việt Nam bởi tuy diễn ra ở rất xa về khoảng cách địa lý nhưng lại rất gần gũi, quen thuộc. Ngay trên sóng truyền hình quốc gia VTV, một sinh viên đã kể lại câu chuyện của mình khi bị cha mẹ ép phải theo học bác sĩ, một ngành học mà anh tuyệt đối không thích, đó là chưa kể, anh hiểu rõ trình độ của mình khó lòng mà thi đậu và học tập sau đó. Thế nhưng, bằng nhiều biện pháp, rốt cục anh cũng đậu ngành y. Trong niềm hồ hởi của bố mẹ là nỗi sợ hãi của anh, sợ phải đi học, sợ không theo kịp bạn bè, sợ phải đối diện với những điều mà mình vốn dĩ trước nay luôn sợ hãi. Cầm cự được đến năm thứ 3, khi bắt đầu học đến phần thực tế thì anh bỏ học, biến mình trở thành một đứa con nổi loạn, bị nhiều người phê phán “sướng mà không biết hưởng”. Như anh tâm sự, chưa bao giờ muốn trở thành “kẻ nổi loạn”, cũng chẳng phải thuộc dạng “thích tự do” như nhiều người gán ghép. Chỉ đơn giản là muốn sống thật sự mà thôi, và 3 năm học đầy tốn kém đó trở thành một sự tiếc nuối về thời gian, công sức và vật chất bỏ ra. Giờ anh đang học một ngành mà mình yêu thích, dù vất vả hơn vì bố mẹ vẫn giận, không chu cấp, nhưng với anh, sự vất vả chẳng là gì so với sự thoải mái khi đi theo con đường mà mình mong muốn.

Định hướng thay cho sự ép buộc

Làm cha mẹ ai cũng mong muốn con cái mình là người tài giỏi, có một công việc, vị thế thật tốt trong xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ năng lực của con mình. Chính vì ảo tưởng về năng lực của con, nhiều bậc phụ huynh đã sai lầm khi tạo ra cho con những áp lực trong cuộc đời.

Thực tế xã hội từ lâu cho thấy, chỉ có rất ít các bậc phụ huynh để quyền tự quyết định con đường tương lai cho con hay chỉ tham khảo, thảo luận và góp ý để con sáng suốt chọn đúng hướng đi mình đam mê yêu thích. Còn lại thì đại đa số các bậc cha mẹ đều muốn con theo học ngành nghề theo ý của họ đã chọn. Nghĩa là con bắt buộc phải đi theo định hướng từ cha mẹ, mà cha mẹ không cần biết con có thích, hoặc có đủ năng lực để đi con đường đó hay không. Nhiều cha mẹ thậm chí ra “chỉ thị” bắt con “phải trở thành thế này thế kia”, hay “nhìn người ta thế này thế kia kìa”...

Vẫn biết rằng, suy nghĩ và định hướng của cha mẹ đối với tương lai cho con cái là không sai, khi luôn muốn con có cuộc sống tốt hơn... Nhưng làm như vậy sẽ là áp đặt một cách cứng nhắc và vô hình trung nó trở thành sự ức chế đối với con cái, nếu như chúng không thích, hay không muốn hướng tới cái cuộc sống như thế.

Có một điểm đặc thù ở Việt Nam khác với ở các nước là có nhiều trường hợp chính con cái cũng không biết mình muốn gì, thích gì. Trường hợp chị Thanh Hương (nhà ở quận 3, TPHCM) là một ví dụ, con chị đạt điểm khá cao và có thể lựa chọn vào những trường ở tốp trên. Tuy nhiên, chị khá bất ngờ khi con trai chị nói: “Con cũng không biết sẽ học trường nào? Thôi tùy vào sự lựa chọn của bố mẹ”. Chồng chị làm kinh doanh, bèn đề nghị con học kinh tế để công việc sau này thoáng hơn… Tuy nhiên, chăm con từ bé đến lớn, chị biết con có một sở trường là thích lắp ráp, giỏi sửa chữa những thiết bị kỹ thuật, chị bèn động viên con chọn con đường kỹ thuật, theo học Đại học Bách khoa dù cả nhà không có ai đi con đường đó trước đây. Giờ chàng trai ngày nào đã trở thành một kỹ sư, dù cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng chưa bao giờ con trai chị hối hận về lựa chọn ngày đó.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, chỉ ra một điều mà các bậc phụ huynh đã quên khi ép con mình đi con đường mà họ muốn. Các bậc phụ huynh chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng, danh vọng hay vật chất, mà không thấy rằng con đường mà họ định ra sẽ đi cùng với đứa con trong suốt phần đời sau này của chúng. Liệu chúng có thể chịu đựng nổi khi phải làm một công việc không yêu thích như thế ngày này qua ngày nọ. Ngay cả đó là công việc yêu thích, áp lực còn có thể làm cho chúng ta mệt mỏi, huống gì đó là công việc chán ghét, phải gượng gạo làm.

HỒNG ANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cho-con-song-cuoc-doi-cua-con-581455.html