Chợ Cồn - Ký ức đô thị Đà Nẵng - Bài 1: Thăng trầm lịch sử

Nằm tại vị trí trung tâm thành phố, chợ Cồn hiện là khu chợ rộng lớn, đông đúc, sôi động nhất tại thành phố Đà Nẵng. Không chỉ nổi tiếng với hàng ngàn gian hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, khu chợ này còn là một công trình mang đậm ký ức đô thị Đà Nẵng, là điểm đến của du khách khi ghé thăm thành phố biển.

Chợ Cồn nằm ở vị trí trung tâm thành phố Đà Nẵng, thuận tiện cho khách đến mua bán, tham quan, ăn uống.

Chợ Cồn nằm ở vị trí trung tâm thành phố Đà Nẵng, thuận tiện cho khách đến mua bán, tham quan, ăn uống.

Từ chợ tạm trên cồn đất

Tại Đà Nẵng, nếu như chợ Hàn (nằm sát Sông Hàn) là ngôi chợ đầu tiên, lâu đời nhất, chợ Cồn lại được biết đến như chợ đầu mối lớn nhất, là nơi buôn bán tấp nập nhất Đà thành.

Hiện nay chưa có bất cứ tài liệu, văn bản sử sách nào nêu chính xác thời điểm chợ Cồn được thành lập. Nhiều người Đà Nẵng tin rằng chợ Cồn được nhóm họp từ những năm 1940, nằm trên một cồn đất cao nên người dân đặt là chợ Cồn. Cũng có ý kiến cho rằng chợ được hình thành muộn hơn, từ giữa những năm 1950, để “giảm tải” cho chợ Hàn, khi đó đã quá tải.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho biết: Căn cứ vào tình hình phân bố dân cư của thành phố Tourane (Đà Nẵng thời kỳ Pháp thuộc) đương thời, có thể chấp nhận ý kiến cho rằng thời điểm hình thành chợ Cồn là vào thập niên 1940. Trong bối cảnh khu vực này, đường phố ở phía Nam (nay là Hùng Vương và đường Lý Thái Tổ), đường phố và Kho Đạn ở phía Tây (nay là đường Ông Ích Khiêm) đã được hình thành, dẫn đến dân cư đông đúc hơn trước, sinh hoạt sầm uất hẳn lên.

“Khác với nhiều người cho rằng, chợ Cồn được lập ra để giảm tải cho chợ Hàn, theo tôi chợ Cồn ra đời đơn giản vì dân số khu vực này đã lớn tới mức cần thành lập chợ để thông thương, buôn bán”- Ông Bùi Văn Tiếng nhận định.

Khi mới được thành lập, dù chỉ với những lều bạt dựng tạm bợ, nhưng chợ Cồn luôn tấp nập, nhộn nhịp. Khi đó, Tourane còn khá nhỏ nên chợ Cồn nằm ở phía Tây, ngoài rìa thành phố (Sau này, thành phố Đà Nẵng phát triển rộng về phía Tây nên chợ trở thành trung tâm như hiện tại). Vị trí ngoài rìa thành phố thuận tiện cho thương lái các tỉnh lân cận mang nông sản về cung cấp cho người dân thành phố, hàng hóa chủ yếu là rau xanh và các loại gia súc, gia cầm.

Là người đã xuất bản 4 cuốn sách về lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng - nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh cũng có những ký ức khó phai đối với chợ Cồn. Sinh năm 1958, tại một ngôi nhà trên phố Lê Duẩn, từ nhỏ, ông đã thường xuyên đến đây chơi. Thậm chí khoảng 7, 8 tuổi, ông đã có 1 năm sống cùng người bố nuôi ngay tại ga chợ Cồn.

Nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh cho rằng, thời điểm chợ Cồn được nhóm họp là trong thập niên 1940, khi dân cư từ các vùng quê có xu hướng tập trung lại các vùng đô thị. Theo ông, sở dĩ chợ Cồn từ một chợ tạm, trở thành một chợ bán sỉ tấp nập như hiện nay vì có tuyến đường sắt đi qua nên lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt rất lớn.

Ông cho biết, trong thời kỳ Pháp thuộc, chỉ chợ Hàn mới có ga đường sắt chứ chợ Cồn chưa có. Các cuộc trao đổi hàng hóa giữa tàu hỏa với tàu biển diễn ra tấp nập tại chợ Hàn. Nhưng không rõ vì lý do gì, đến khoảng những năm 1960, ga Chợ Hàn không còn hoạt động, trung tâm hàng hóa chuyển về ga chợ Cồn.

Từ năm 1960 đến 1975, hàng hóa từ các tỉnh thành lân cận tấp nập theo tàu hỏa nhập về chợ Cồn, nhiều nhất vẫn là lương thực - thực phẩm: Gạo, mía, tôm cá khô, gia súc, gia cầm... Từ đó, các tiểu thương chợ Cồn vừa bán sỉ vừa bán lẻ, cung cấp cho các hàng quán trong toàn thành phố, chợ Cồn trở thành chợ đầu mối lớn nhất Đà Nẵng.

Nhà nghiên cứu Phạm Ngô Minh nhớ lại ký ức những năm 1965 tại chợ Cồn: “Tàu đi từ Huế, dừng ở ga chợ Cồn khoảng 45 phút để lên xuống hàng hóa, sau đó mới đi tiếp về ga Đà Nẵng để đón trả hành khách. Tiếng tàu hú, tiếng bánh xe dập trên đường ray, tiếng các tiểu thương, cửu vạn lại hô hào nhau khuân vác, vận chuyển hàng hóa rất nhộn nhịp. Đặc biệt, do tàu chạy bằng hơi nước nên nhiều người dân mang đồ đựng ra xin nước sôi về dùng, khung cảnh rất thú vị. Ngày nay, nhà ga và tuyến đường sắt đều đã không còn, nhưng phía đường Phạm Ngũ Lão vẫn còn dấu tích của đường ray xưa.”

Đến trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng

Bà Trần Thị Thơm (sinh năm 1954) là một trong những tiểu thương gắn bó nhiều năm với chợ Cồn. Từ năm 1971, bà Thơm theo gia đình từ Huế vào Đà Nẵng sinh sống, rồi mở sạp tạp hóa, đồ khô, bánh kẹo tại chợ và bán đến tận bây giờ.

Nhớ lại những ngày Đà Nẵng thuộc chế độ cũ trước năm 1975, bà Trần Thị Thơm cho biết, các chị em tiểu thương chợ Cồn thường ngầm giúp đỡ chính quyền Cách mạng. Thời đó các mật vụ, an ninh Ngụy kiểm soát rất gắt gao, nhưng các tiểu thương vẫn âm thầm cung cấp thuốc men, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các vùng kháng chiến. Những đồ này được ngụy trang trong các thùng bánh kẹo, hàng hóa để vận chuyển khỏi thành phố.

Các tiểu thương tại chợ Cồn ngày nay vẫn lưu truyền về những hoạt động bí mật của Hội Phụ nữ Cách mạng chợ Cồn ngày trước. Hiện nay, cổng chính của chợ Cồn (Ngã tư Hùng Vương – Ông Ích Khiêm) có một tấm bia đá ghi lại một chiến tích lịch sử tại khu vực này như sau: 13 giờ ngày 9/2/1971, chiếc xe Jeep chở tên Trưởng ban mật vụ Nha Cảnh sát vùng I chiến thuật cùng hai sĩ quan an ninh Ngụy đã bị nổ tung tại ngã tư chợ Cồn - thành phố Đà Nẵng. Chiến công diệt ác này do đồng chí Hồ Thị Phương, chiến sĩ Ban An ninh, quận III thành phố Đà Nẵng mưu trí tiếp cận gài chất nổ dưới gầm xe của chúng.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, cùng với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, chợ Cồn ngày càng sầm uất, đông đúc, trở thành trung tâm mua sắm chính của thành phố.

Năm 1985, để kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, chợ Cồn được phá dỡ, xây mới hoàn toàn. Công trình được thực hiện “thần tốc” trong 100 ngày, khánh thành đúng vào Ngày Giải phóng Đà Nẵng 29/3/1985. Sau khi khánh thành, công trình được đổi tên thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, gồm tòa nhà chính 3 tầng ở giữa, các dãy sạp hàng phía sau, với tổng diện tích khoảng 14.000 m2. Hiện nay, kiến trúc này vẫn còn được giữ gần như nguyên trạng.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, ngày khánh thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng, có người quá hào hứng vì dáng vẻ hoành tráng của công trình đã thốt lên: “Chủ nghĩa xã hội là đây rồi chứ còn ở đâu nữa”. Câu nói này chứng tỏ Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng từng mang lại cho người dân nơi đây sự hưng phấn tâm lý về một diện mạo đô thị mới. Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng năm 1985 chính là sự kết hợp giữa chợ truyền thống với hình thức trung tâm thương mại hiện đại, đạt được thành công đến tận ngày nay.

Nhưng dù đã được đổi tên, người dân Đà Nẵng vẫn giữ thói quen, gọi công trình này với cái tên thân thương “chợ Cồn”. Đến năm 2012, chính quyền thành phố đã chính thức trả lại tên cũ cho chợ Cồn, tiếp tục phát triển thành khu chợ sỉ, lẻ lớn nhất thành phố. Sau 35 năm xây dựng, công trình này đã bộc lộ một số hạn chế, cần được “thổi làn gió mới” để phù hợp hơn với hình ảnh thành phố du lịch nổi tiếng Đà Nẵng.

Bài cuối: Gìn giữ cho tương lai

Bài và ảnh: Quốc Dũng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/cho-con-ky-uc-do-thi-da-nang-bai-1-thang-tram-lich-su-20200513073443885.htm