Cho con học trường quốc tế: Lại như 'canh bạc'

Trường Quốc tế Việt Úc tại TPHCM cắt xén suất ăn của học sinh, và trước đó, trường mang danh quốc tế Gateway tại Hà Nội bỏ quên học sinh trên xe gây tử vong… Đây chỉ là hai vụ việc mới nhất trong vô số vụ lùm xùm mang tên 'trường quốc tế'.

Những ngôi trường có mức học phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng, với chất lượng giáo dục tự xưng vượt khỏi tầm quốc gia, đang khiến phụ huynh ngày càng hoang mang khi gây tắc trách, mất uy tín nghiêm trọng. Đã đến lúc phụ huynh thật sự tỉnh táo khi lựa chọn nơi học cho con mình.

Trường Quốc tế Việt Úc

Trường Quốc tế Việt Úc

Lời xin lỗi muộn màng

Xuất phát từ một buổi kiểm tra đột ngột của phụ huynh có con học ở trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Sala, quận 2, TP.HCM) và phát hiện suất cơm của con quá nghèo nàn về lượng lẫn dinh dưỡng, trong khi mức tiền ăn mà phụ huynh đóng cho con lên đến 143.000đ/ ngày với HS tiểu học; 174.000đ/ngày với HS từ lớp 6 - 11 và 310.000 đồng/ngày đối với HS khối 12. Quá đau lòng khi nhìn đĩa cơm vào bữa trưa ngày 18/9 chỉ với 2 miếng gà kho, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít su su xào, canh bắp cải và miếng dưa hấu. Đóng tiền cao, nhưng nhận được suất ăn không khác cơm bình dân tại trường đang khiến dư luận vô cùng bức xúc. Và mặc dù nhà trường đã xin lỗi phụ huynh bằng thông cáo, cùng lời giải thích mang tính “đổ lỗi” cho nhà cung cấp, rất nhiều phụ huynh cảm thấy như mình bị lừa khi trót cho con vào học tại ngôi trường mang danh quốc tế này.

An toàn vệ sinh thực phẩm, hay an toàn trường học – vốn là hai vấn đề được cha mẹ lưu tâm và đặt niềm tin vào nhất khi lựa chọn trường cho con, thì dường như lại nảy sinh nhiều tồn tại nhất. Không lạ khi điểm lại hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, ôi thiu tồn tại ngang nhiên tại các bếp ăn thuộc những trường tư thục, quốc tế có mức học phí cao. Không dừng lại ở đó, vấn đề an toàn cho chính tính mạng HS đang bị đe dọa hơn bao giờ hết, từ bạo lực, xâm hại, nhà trường tắc trách... Tất cả đang khiến các bậc làm cha làm mẹ lo lắng, hoang mang khi niềm tin của mình dành cho những ngôi trường có tiếng là “chuẩn quốc tế” đang ngày càng bị lung lay.

Suất cơm của trường quốc tế Việt Úc (TPHCM)

Trước những hoạt động lộn xộn, tắc trách của nhiều trường học danh quốc tế, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã phải rà soát lại những trường quốc tế và những trường có yếu tố nước ngoài nhưng tự xưng là quốc tế, lập lờ “đánh lừa” túi tiền của phụ huynh. Và qua rà soát, thông tin từ phía Sở GD&ĐT Hà Nội khiến nhiều phụ huynh bất ngờ: trong quyết định cho phép thành lập không có chữ “quốc tế” mà trường tự thêm vào là thực hiện sai quy định.

Danh sách do Sở GD&ĐT công bố vào tháng 8/2019 là toàn thành phố chỉ có 14 trường mầm non và 11 trường phổ thông có 100% vốn nước ngoài đã đăng kí hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội, có 3 trường mầm non có vốn đầu tư Việt Nam và nước ngoài. Còn lại với những trường đang lập lờ tự dán mác quốc tế thì đây là những trường thuộc diện tư thục, có giảng dạy bằng chương trình nước ngoài. Còn tại TP.HCM, cả thành phố hiện chỉ có 21 trường có yếu tố nước ngoài - thường được hiểu là trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM, cảnh báo, hiện nay nhiều phụ huynh hiểu nhầm trường tư thục là trường có yếu tố nước ngoài.

Tỉnh táo khi lựa chọn trường phù hợp cho con

Với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, chỉ có từ 1 - 2 con thì nhu cầu cho con được học ở những ngôi trường tốt nhất, uy tín nhất, là điều dễ hiểu. Chị Ngô Thúy Nga (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mong muốn của chị khi cho con học ở trường quốc tế là chương trình học phong phú, không nặng nề lý thuyết mà mở rộng phần kỹ năng, các con được học đầy đủ cơ sở vật chất, được ăn ngon và được an toàn. “Thế nhưng, sau hàng loạt vụ việc xảy ra, suy nghĩ này của tôi đã thay đổi, không phải cứ trường tư thục hay quốc tế thì mọi tiêu chí mình đặt ra đều được như ý, thậm chí những vụ việc trục lợi xảy ra rõ như ban ngày như vậy, khiến tôi hoang mang không biết mình nên dựa và đâu để đánh giá và lựa chọn một ngôi trường thực sự an toàn, có những giáo viên có tâm dành cho con?”, chị Nga chia sẻ.

Bản thân chị qua trải nghiệm ở trường con mình đang học đã thấy rằng, chỉ khi nào phụ huynh sát sao vào các hoạt động của con ở trường, từ bữa ăn đến việc đưa đón, khi đó nhà trường mới tỏ sự sốt sắng để chứng minh cho phụ huynh thấy họ đang làm tốt. “Đây không phải là cách làm mang tính bền vững. Tôi biết có nhiều trường ở Hà Nội dù học phí không cao nhưng với cái tâm dành cho nghề, họ làm rất đàng hoàng và họ tạo được niềm tin cho phụ huynh, học sinh. Thế mới thấy, không phải cứ thật nhiều tiền thì chất lượng song hành” - nữ phụ huynh này cho hay.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, phần lớn kỳ vọng của phụ huynh khi cho con học ở trường quốc tế là con mình sẽ có đầy đủ những cơ sở vững chắc nhất về kiến thức, kỹ năng để có thể sánh ngang tầm với bạn bè quốc tế cũng như vững vàng bước vào cuộc sống toàn cầu... Tuy nhiên, vẫn có một vài phụ huynh muốn có “mác”, có “nhãn” nhưng theo ông, số này không nhiều. “Không phải nên hay không khi học trường quốc tế mà vấn đề quan trọng là chọn trường cho con cũng như chọn chương trình phù hợp với trẻ. Điều này đòi hỏi các trường quốc tế phải xây dựng hoặc hiệu đính một cách nghiêm túc chương trình học. Mặt khác, việc tạo dựng niềm tin cho phụ huynh một cách lâu dài không chỉ thực hiện bằng những chương trình tôn vinh hình ảnh mà thật sự phải chú trọng đến chất lượng của chương trình giáo dục. Đầu tư cho giáo dục phải đầu tư lâu dài là vậy”, ông Sơn nhìn nhận.

Phúc Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/cho-con-hoc-truong-quoc-te-lai-nhu-canh-bac-post64894.html