Cho con du học sớm, cần chuẩn bị gì?

Hiện nay, rất nhiều gia đình chuẩn bị cho con du học sớm từ THCS, THPT thay vì đợi đến hết lớp 12 nhằm giúp con sớm thích nghi, hòa nhập.

Học sinh tìm hiểu thông tin du học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro, bất trắc nếu không chuẩn bị kỹ. Đã có nhiều học sinh bị trầm cảm hoặc phải quay về VN.

Khả năng sống độc lập

Cơ hội tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại tại các nước phát triển là lợi ích đầu tiên mà du học phổ thông mang lại cho trẻ. Thạc sĩ Phạm Thị Cúc Hà, chuyên gia giáo dục Úc, SACE College VN, nhìn nhận: “Phương pháp giảng dạy ở những hệ thống giáo dục này yêu cầu học sinh (HS) phải chủ động và có thói quen học tập độc lập mà HS VN cảm thấy rất khác biệt với phương pháp đọc chép, học thuộc lòng đã trải nghiệm từ khi còn ở bậc tiểu học, THCS, thậm chí THPT. Điều đó có nghĩa là các em phải chuẩn bị cách học mới”.

Theo bà Hà, khi du học sớm, HS phải đối mặt với việc tự lập sớm, nhiều HS chưa sẵn sàng sống xa bố mẹ ở độ tuổi này. Khi sống xa gia đình, trẻ phải tự chăm sóc bản thân, sắp xếp việc học hành và sinh hoạt cá nhân, thậm chí cả chi phí sinh hoạt. “Do được bố mẹ chăm từ bữa cơm đến việc học khi còn ở nhà, nhiều HS không thể quản lý được thời gian và điều chỉnh cuộc sống của mình, dẫn đến bị mất kiểm soát. Ngoài ra, khi mới bước chân vào môi trường học tập ở nước ngoài, nhiều HS phải vất vả vật lộn để thích nghi với phương pháp học tập mới, đòi hỏi những kỹ năng như độc lập nghiên cứu, phản biện, viết bài luận và trình bày, làm việc nhóm mà không phải một sớm một chiều có thể học được. Kết quả, nhiều HS bị trầm cảm, phải nghỉ hoặc tạm dừng học để hồi phục sức khỏe, tinh thần”.

Bà Hà kể, có một số HS coi việc du học là thời gian tự do, không ai quản lý và “tự tung tự tác”, dành chủ yếu thời gian để chơi điện tử.

Cần quá trình chuẩn bị lâu dài

Chị Nguyễn Thu Loan (nhà Q.12, TP.HCM), có con năm nay học lớp 11 Trường trung học Marshall (Mỹ), cho biết: “Chắc chắn sẽ có những rủi ro nếu cha mẹ không tìm hiểu kỹ môi trường học tập cũng như cuộc sống xứ người, nơi con mình sẽ theo học. Điều quan trọng nữa là nếu có ý định cho con du học từ lứa tuổi trung học, phải tích lũy vốn sống, kỹ năng cho con từ nhỏ. Chẳng hạn, con gái mình cấp 1, 2 học trường quốc tế song ngữ. Ba của bé cũng dạy nhiều bài học về tự lập, tính kỷ luật, kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch, sắp xếp cuộc sống...”.

Trước khi cho con du học, gia đình chị Loan đã cùng con du lịch tại Mỹ 2 tuần. Có sự chuẩn bị khá kỹ càng nhưng ngày đầu tiên đến trường, con chị đã bị sốc về cách học và dạy, thời gian, ăn uống, bạn bè đến từ nhiều chủng tộc. “Tuy nhiên, nếu mình không chuẩn bị tốt cho bé trước đó về tâm lý, kiến thức, kỹ năng, chắc chắn bé sẽ không thể hòa nhập. Con mình mất 1 tuần để thích nghi - khoảng thời gian tương đối nhanh. Tiếng Anh phải thực sự tốt thì mới nên du học những nước nói tiếng Anh, nếu không sẽ sốc ngôn ngữ. Ngoài ra, tin học cũng phải giỏi vì bên đó toàn sử dụng công nghệ”, chị Loan chia sẻ.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hành trình du học sớm của con là trải nghiệm đáng nhớ và thành công, mặc dù rất khó khăn và thách thức? Bà Cúc Hà cho rằng phải có sự chuẩn bị lâu dài và toàn diện, bao gồm ngôn ngữ, tài chính, tinh thần, kỹ năng học tập và kỹ năng sống cho HS. Điều này có nghĩa là những chứng chỉ như IELTS, TOEFL, SAT… chưa đủ mà còn đòi hỏi một một nền tảng kiến thức, kỹ năng chắc chắn để thích nghi với cuộc sống và phương pháp học tập độc lập khi du học. Xem xét vấn đề tài chính để quyết định khi nào bắt đầu hành trình du học hoặc lựa chọn trường phù hợp cũng là yếu tố rất quan trọng.

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/cho-con-du-hoc-som-can-chuan-bi-gi-997654.html