'Cho con bú mặc kệ ai khen chê'

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và cho con bú mẹ ít nhất tới 24 tháng tuổi là điều được Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến khích. Tuy nhiên, nhiều người mẹ trẻ cho hay họ phải trải qua một 'cuộc chiến' để làm được điều đó.

Hạnh phúc khi được nuôi con bằng sữa mẹ - Ảnh: Jell Thương

"Cuộc chiến" nuôi con bằng sữa mẹ

Chị Đỗ Thị Ngọc Oanh, 32 tuổi, trú đường Lê Quang Kim, quận 8, TP.HCM, kể lại hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của mình: “Từ khi con tôi 7 tháng, mỗi lần nhìn thấy tôi cho con bú mẹ chồng lại nói 'giờ này mà còn cho con bú, bú cái vú da không à?. Bây giờ sữa mẹ làm gì còn chất gì nữa, nó khác nào nước lã đâu', rồi hùa thêm mấy người hàng xóm vào, mỗi người góp một câu. Lúc đầu tôi còn giải thích với mọi người, những gì mọi người đang nói là hiểu sai, về sau tôi thấy không cần thiết phải tranh luận nữa. Tôi vẫn cho con bú sữa mẹ song song với các đồ ăn dặm khác...”.

Các mẹ sữa khoe thành tích vắt sữa, trữ vào tủ đông để cho con hoặc tặng cho các bạn trẻ khác - Ảnh: Jell Thương

.

Số liệu nuôi con bằng sữa mẹ của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh là 76,2%; tỷ lệ trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi là 19,6%.

Trong khi đó, chị Đàm Thu Giang, 27 tuổi, trú ở chung cư Vinhomes Riverside, đường Nguyễn Hữu Cảnh,Q.Bình Thạnh kể, để con gái đến nay 24 tháng của mình vẫn bú mẹ, chị đã “chai mặt” trước những lời dèm pha, chê trách đủ điều của mẹ chồng, chị dâu và nhiều người thân bên gia đình chồng.

Chị Giang kể: “Khi con mới đẻ ra, con đang bú mẹ, mẹ chồng tôi cứ mang đến bình sữa bò và bảo phải cho con bú dặm thêm, thế mới đủ no và đủ chất, sữa mẹ thì đủ làm sao được. Tôi kiên quyết không đồng ý, vậy là mẹ chồng giận. Khi con gần 1 tuổi, bé biếng ăn, mẹ chồng tôi nhiều lần nói tôi phải cai sữa ngay cho con bé thì nó mới chịu khó ăn cơm và uống sữa bò, rồi mới mập mạp. Mỗi lần tôi mang các tài liệu về sữa mẹ nói cho mẹ nghe, mẹ lại nổi giận và bảo 'bây giờ các chị hiện đại rồi, nuôi con khoa học, tôi quê mùa, thôi thì mặc các chị'".

Cho con bú là khoảnh khắc tuyệt vời

Chị Lê Ngọc Anh, 38 tuổi, nhân viên làm nail, sống ở San Jose, California, Mỹ ngạc nhiên khi một lần vào bệnh viện ở TP.HCM thăm người thân mới sinh em bé. Thay vì hướng dẫn cho sản phụ cách để kích cho sữa và em bé ngậm đúng khớp trên ti mẹ chính xác, nhiều y tá nói các bà mẹ pha sữa công thức và đút cho em bé ăn. Khi em bé khóc, họ đều cho là em bé đói và lại tiếp tục pha sữa công thức mà không nghĩ rằng trẻ sơ sinh cần được ôm ấp, vỗ về, da tiếp da.

Một em bé được 'câu sữa' tại một bệnh viện tại California, Mỹ - Ảnh: Ngọc Anh

“Tôi sinh cả hai người con của mình tại California, những giờ đầu mới sinh, em bé được da tiếp da kề trên người mẹ. Sau đó, em bé sẽ ngậm ti mẹ, để bú được những dòng sữa non đầu tiên. Tại đây, các bác sĩ có cách 'câu sữa', lắp một cái dây dẫn sữa mẹ từ xi lanh chảy qua ngón tay mẹ, em bé mút ngón tay và thấy sữa vào miệng. Nhiều người ở Việt Nam thường cho rằng trẻ con ở Mỹ và nhiều nước châu Âu ăn sữa bò từ khi đẻ ra nên mới cao lớn, to béo. Đây là sai lầm. Chúng tôi cho con của mình bú mẹ đến 2 tuổi, 6 tháng đầu tiên thì con chỉ bú mẹ mà thôi. Cho con bú là khoảnh khắc tuyệt vời”, chị Ngọc Anh nói.

Anh Huỳnh Tấn Lộc, 32 tuổi, người chồng có vợ bị xuất huyết não khi mang bầu mà Thanh Niên từng đăng tải, trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho hay bây giờ bé gái Coca 13 tháng tuổi của vợ chồng anh sẽ không thể khỏe mạnh, lanh lợi như bây giờ nếu không có những bịch sữa mẹ quý giá mà bạn bè, những người thân thiết khắp nơi gửi về tặng từ lúc con chào đời. Anh xúc động “Mẹ hôn mê sâu, mới chào đời, Coca không được mẹ ôm, dù không được bú mẹ trực tiếp nhưng con được uống sữa của các bà mẹ khác, điều đó khiến con có sức đề kháng rất tốt, dù sinh non, khi mới sinh chỉ nặng 2,3 kg nhưng bây giờ con không kém gì các bạn cùng trang lứa...”.

Bú sữa mẹ mang lại lợi ích cho cả mẹ và con

Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết trẻ sinh non, trẻ sơ sinh bệnh lý không có sữa mẹ tại bệnh viện sẽ được Ngân hàng sữa mẹ bệnh viện này (dự kiến hoạt động đầu năm 2019) cung cấp miễn phí sữa an toàn, chất lượng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng khoa sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, khi mang thai các sản phụ cần tham gia các lớp tiền sản, tham khảo các thông tin chính thống để có các kiến thức khoa học về nuôi con bằng sữa mẹ, đồng thời cần chia sẻ những kiến thức này cho các thành viên trong gia đình để có được sự ủng hộ và hỗ trợ. Sau khi sinh, nếu gặp khó khăn về nuôi con bằng sữa mẹ các bà mẹ cần yêu cầu sự hỗ trợ và tư vấn của nhân viên y tế. Nên kiên trì, không vội vàng "đầu hàng". Vạn sự khởi đầu nan. Trẻ được bú sữa mẹ mang lại lợi ích cho cả con và mẹ. Với con thì sẽ ít bị các bệnh nhiễm trùng, ít bị tiêu chảy, viêm phổi, ít bị béo phì, khi trưởng thành giảm nguy cơ bị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp. Lợi ích cho mẹ khi cho con bú sẽ giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng...

Cũng theo bác sĩ Từ Anh, cho trẻ bú sớm ngay sau sinh càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Để có sữa mẹ nhiều, cho bé nằm trên người mẹ liên tục trong vòng 48 giờ đầu sau sinh để kích thích sữa mẹ mau về. Cho bú ngay cả khi chưa cảm thấy có sữa về, cho bú mỗi khi bé đòi bú hay ít nhất là mỗi 3 giờ một lần.

Duy Tính

Thúy Hằng

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/cho-con-bu-mac-ke-ai-khen-che-1027242.html