Chợ cóc tự phát vẫn tái diễn

Chợ tự phát hay chợ tạm, chợ cóc luôn là vấn đề gây khó khăn cho nhiều địa phương. Bên cạnh việc thuận tiện cho mua bán, trao đổi của người dân, những khu chợ cóc, chợ tạm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.

Những khu chợ tự phát bán đầy đủ các loại hàng hóa, kéo dài cả cây số.

Những khu chợ tự phát bán đầy đủ các loại hàng hóa, kéo dài cả cây số.

Di chuyển khắp các con phố tại Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh những dãy chợ tự phát tạm bợ chiếm gần hết lòng, lề đường. Như tại khu vực phố Trần Quốc Vượng (Hà Nội), hàng ngày khoảng 6 giờ sáng, nhiều người tập trung trên vỉa hè để bày bán rau, củ và các loại nông sản khác.

Từ lâu, người dân coi việc họp chợ tại con phố này là điều bình thường, kẻ mua, người bán “tấp nập”, hàng hóa luôn được bày bán tràn hết phần lề đường, lấn xuống cả lòng đường.

Giết mổ cá tại chợ cóc phố Trần Quốc Vượng khiến khu vực này bốc lên mùi hôi tanh, cùng với đó rác thải, túi nilon được vứt ngay tại chỗ.

Bán hoa quả ở đây được gần 1 năm, chị Hằng (35 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Trong chợ cũng có nhiều người bán hoa quả, tôi chỉ có cái xe nhỏ nhỏ giờ lại mất thêm một khoản tiền nữa để thuê mặt bằng thì chẳng được bao nhiêu”.

Theo quan sát, khu vực này là nơi tập trung nhiều trường học, gần tuyến đường chính thường xuyên có nhiều xe taxi, xe khách lưu thông. Vào giờ cao điểm như sáng sớm hoặc chiều tối, lượng người tham gia giao thông cao, cung đường này rất khó để có thể di chuyển.

Chưa kể, việc đứng lại mua hàng cũng rất dễ xảy ra va chạm với phương tiện giao thông. Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm “rình rập”, người dân vẫn thản nhiên mua bán, trả giá.

Hàng hóa bày bán ven đường đáp ứng tiêu chí nhanh gọn của người dân nhưng lại gây cản trở giao thông.

Tương tự, một chợ tự phát tồn tại phía sau chợ truyền thống Nghĩa Tân (Hà Nội). Theo những người dân ở đây, chợ tạm Nghĩa Tân đã hoạt động được một khoảng thời gian dài. Trước đây, Đội Quản lý trật tự đã nhiều lần ra quân, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, vắng mặt lực lượng chức năng hàng hóa lại được bày kín vỉa hè. Không những thế tình trạng chợ cóc tự phát còn có xu hướng lan rộng hơn.

Thêm một hình ảnh không đẹp mắt nữa tại các khu chợ tạm, vào khoảng đầu giờ chiều, khi họp chợ kết thúc, tình trạng xả rác, túi nilon, mùi hôi tanh bốc lên khiến những ai đi qua đây cũng đều cảm thấy khó chịu, bức xúc.

Mặc dù có chợ truyền thống, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên mang hàng hóa bày bán ra khu vực vỉa hè phía sau khu vực chợ Nghĩa Tân.

Bạn Mỹ Duyên, sinh viên Trường Đại học quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Tôi thường xuyên di chuyển qua con đường này, những hôm trời mát thì không sao, nhưng nắng lên thì nồng nặc mùi tanh, rất khó chịu. Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, nhưng bị chiếm dụng buôn bán kiểu này thì làm gì còn chỗ mà đi. Tôi buộc phải đi xuống lòng đường. Chưa kể việc buôn bán lộn xộn dọc khu vực này trông rất mất mỹ quan”.

Theo các chuyên gia, việc tồn tại các khu chợ tự phát phần nào đáp ứng nhu cầu mua sắm thuận tiện của người dân. Tuy nhiên về lâu dài, những khu chợ tạm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đô thị, gây mất trật tự, lấn chiếm, cản trở giao thông, làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường xung quanh…

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi họp chợ có xu hướng lan rộng hơn ra những khu vực quanh Khu tập thể Nghĩa Tân.

Như vậy, để khắc phục tình trạng này rất cần có sự vào cuộc từ phía cơ quan chức năng và các ban, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, bổ sung thêm các khu chợ tập trung nhằm giải quyết tối đa việc thiếu nơi buôn bán cho người dân.

Đồng thời, nâng cao công tác tuyên truyền đến các tiểu thương về sự cần thiết phải dẹp bỏ chợ tạm và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc mua bán đúng nơi, đúng chỗ, thường xuyên duy trì các phương án kiểm soát dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm và các điểm kinh doanh tự phát, tránh tình trạng tái diễn.

Thảo Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cho-coc-tu-phat-van-tai-dien-283409.html