Chợ cóc, chợ tạm ở Hải Phòng: Mặt trái đô thị hiện đại

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020, thành phố Hải Phòng dự kiến có 151 chợ, trong đó có 9 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2, 117 chợ hạng 3 và 5 chợ đầu mối. Tuy nhiên, tình trạng chợ cóc, chợ tạm mọc lên nhan nhản tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi chợ hiện đại lại thưa thớt người kinh doanh, mua bán.

Chợ cóc tại đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm. Ảnh: T.G

Nhan nhản chợ cóc, chợ tạm

Dải phân cách, vỉa hè, lòng đường phố Đông Hải, phường Đông Hải 2 (quận Hải An) biến thành khu chợ tự phát của người dân quanh khu vực. Trước tình trạng mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, người dân phường Đông Hải 2 nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.

Chợ cóc ở phường Đông Hải họp vào khoảng 15 giờ hàng ngày. Mỗi buổi chiều, một đoạn phố Đông Hải - khu vực giáp ranh giữa phường Đông Hải 2 và phường Đằng Hải (quận Hải An) nhộn nhịp hơn bởi tiếng nói cười, trả giá của người mua kẻ bán. Hàng hóa ở đây chủ yếu là thực phẩm tươi sống như: Rau, củ, quả, cá, hải sản, thịt lợn… Điều đáng nói, các tiểu thương tận dụng cả dải phân cách giữa lòng đường để tiện việc buôn bán. Khu vực bán đồ tươi sống gây mất vệ sinh môi trường khi nước thải, rác thải từ việc sơ chế thực phẩm tại chỗ đổ lênh láng xuống lòng đường, chất đống trên vỉa hè.

Chợ họp trên vỉa hè, đôi khi tràn xuống lòng đường nên vào giờ tan tầm, giao thông khu vực này luôn ách tắc. Người bán hàng đỗ xe tùy tiện, khách mua hàng tiện đâu đỗ đó tạo nên một bức tranh giao thông hỗn độn. Anh Nguyễn Hữu Hà, phường Đông Hải 2 cho biết: Mỗi buổi chiều đi làm về qua khu vực này là nỗi ám ảnh của tôi. Hàng hóa đủ loại, chín có, sống có bày tràn lan trên vỉa hè. Giao thông ách tắc, môi trường ô nhiễm.

Không riêng phường Đông Hải 2, chợ cóc tại đường Thiên Lôi phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) cũng tồn tại nhiều năm nay. Trước đây, do nhu cầu sinh hoạt của người dân, chợcóc mọc lên với đủ loại thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Chợ họp từ 16 giờ chiều các ngày. Tiểu thương buôn bán ở chợ chủ yếu là người dân từ khu vực Tiên Lãng, An Dương, An Lão. Chợ mọc lên bất đắc dĩ nên những hộ dân sống quanh khu vực bị ảnh hưởng. Hàng ngày, một lượng lớn rác thải, nước thải đổ ra lòng đường ngấm xuống nền đường bốc mùi hôi thối, khó chịu.

Khó giải tỏa

Tại huyện An Dương (TP Hải Phòng) có 9 chợ trong quy hoạch. Tuy nhiên, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn huyện còn rất nhiều như: Minh Kha, Bạch Mai (xã Đồng Thái); Bắc Hà (xã Bắc Sơn); Hạ Đỗ (xã Hồng Phong), chợ rau An Hòa (xã An Hòa)… Ở khu vực nông thôn, chợ họp theo phong tục tập quán của người dân. Nhiều chợ chỉ họp đêm như chợ chân cầu Rế (thị trấn An Dương), chợ rau xã An Hòa. Vì vậy, việc dẹp bỏ những chợ cóc, chợ tạm này chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn.

Hàng năm, Sở Công Thương đều ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chợ. Nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng họp chợ dưới lòng đường, vỉa hè, gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông. Có giải pháp xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm không trong quy hoạch trên địa bàn. Tuy nhiên, do tâm lý người tiêu dùng tiện đâu mua đấy, chợ cóc không những mất đi mà còn xuất hiện ở nhiều nơi.

Để khắc phục tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát sinh tràn lan cũng như thúc đẩy kinh doanh thương mại theo mô hình chợ truyền thống phát triển, nhiều biện pháp quản lý đã được đưa ra, trong đó có chuyển đổi mô hình chợ sang tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý.

Hải Phòng hiện có 12 chợ do doanh nghiệp đầu tư, xây dựng như chợ đầu mối rau quả do Công ty TNHH Phương Nghĩa làm chủ đầu tư, chợ Quán Toan do Công ty Cổ phần Long Sơn làm chủ đầu tư, chợ Cầu Vồng do Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng Thịnh đầu tư xây dựng….Tuy nhiên, việc chuyển đổi các chợ trên địa bàn thành phố vẫn còn chậm, không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đầu tư chợ cũng đang vấp phải khó khăn.

Chủ tịch UBND phường Đông Hải 2, Nguyễn Văn Quân cho biết: UBND phường thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để người dân không buôn bán tại khu vực chợ cóc, trả lại lòng đường, vỉa hè cho giao thông. Thời gian tới, UBND phường tiếp tục phối hợp với UBND phường Đằng Hải vận động, yêu cầu mọi người vào kinh doanh tại chợ Đông Hải 2.

Điển hình như phường Đông Hải 2 có quy hoạch chợ trên diện tích 5.000m2 với 300 kiot. Năm 2015, công ty CP đầu tư phát triển Hướng Minh đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng. Nhưng đến nay, do chưa hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục cần thiết nên chợ vẫn chưa đưa vào hoạt động.

Cũng như phường Đông Hải 2, biện pháp chuyển đổi mô hình chợ sang tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý để khắc phục tình trạng chợ cóc, chợ tạm phát sinh tràn lan tại phường Vĩnh Niệm đã thực hiện.Tại tổ 22 phường Vĩnh Niệm, khu chợ tư nhân do Công ty CP Thương mại Hòa Bình làm chủ đầu tư đã được xây dựng từ năm 2015. Đến nay, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ nhưng khi chính quyền cùng doanh nghiệp vận động tiểu thương dọn vào chợ kinh doanh thì họ lại không mặn mà. Lý do được đưa ra, khu vực họp chợ không thuận tiện giao thông, dân cư ít nên khó buôn bán trong khi vào chợ phải đóng phí cao.

Linh Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cho-coc-cho-tam-o-hai-phong-mat-trai-do-thi-hien-dai-4036659-b.html