Chớ có chủ quan!

Hơn một tháng qua, khi dịch Covid-19 đã tạm lắng xuống và chúng ta kiểm soát dịch tương đối tốt thì cũng là lúc các địa phương rục rịch 'lên lịch' tổ chức bắn pháo hoa để chào mừng Ngày thống nhất đất nước 30/4.

Thế nhưng, nhìn sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào, đặc biệt là Thái Lan, số người bị dịch Covid-19 tấn công tăng từng ngày nên nhiều địa phương quyết định dừng bắn pháo hoa. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đã quyết định dừng hẳn chứ không như một số tỉnh khác là “để xem tình hình thế nào đã” rồi mới quyết định.

Việc dừng bắn pháo hoa là một quyết định hợp thời lúc này. Không thể vui với việc bắn pháo hoa để rồi phải trả giá đắt. Ấn Độ cứ tưởng là đã khống chế được dịch, được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao, nào ngờ, chỉ qua một lễ hội chủ quan trong phòng chống dịch là đã xuất hiện hàng trăm nghìn ca bệnh mỗi ngày, khiến hàng nghìn người phải ra đi.

Nhìn cảnh thiêu xác số người bị chết do Covid-19 diễn ra hằng ngày trên các điểm hỏa táng ngoài trời ở Ấn Độ đủ thấy mức độ nghiêm trọng của việc lơ là phòng dịch như thế nào rồi.

Dù chưa phát hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng từ hơn một tháng qua nhưng tình hình dịch Covid-19 đang đặt đất nước ta trước nguy cơ dịch quay trở lại hơn bao giờ hết. Thông tin về dịch Covid-19 cứ nóng lên từng ngày từ các nước láng giềng nhưng các trang báo cũng nóng không kém về tình hình đi lại của người dân nhân dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới.

Các hãng lữ hành cho biết, khách sạn ở các điểm du lịch nổi tiếng trong nước, hiện đã kín phòng! Vé máy bay và tàu hỏa đột ngột tăng giá nhưng vẫn không còn để bán cho hành khách có nhu cầu đi lại dịp 30/4 này.

Điều đó nói lên rằng, dù nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn rình rập, song việc hạn chế đi lại và tụ tập đông người như khuyến cáo của ngành y tế và chính quyền các địa phương là không mang nhiều ý nghĩa. Nhìn cảnh chen chúc xô đẩy nhau trong Lễ hội Đền Hùng vừa qua đủ để biết sự chủ quan của người dân như thế nào.

Ngoại trừ ở sân bay, ngành hàng không bắt buộc hành khách phải chấp hành đeo khẩu trang, còn các điểm đông người khác ở các lễ hội, ý thức về việc đeo khẩu trang của du khách là vô cùng kém.

Dừng bắn pháo hoa chỉ là một động thái rất nhỏ trong việc phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Không tụ tập để xem bắn pháo hoa thì sẽ có những cuộc tụ tập ở các lễ hội khác nhân dịp kì nghỉ lễ sắp tới.

Và như vậy, nguy cơ về việc lây lan dịch Covid-19 là vô cùng lớn, nhất là khi mỗi ngày, có hàng trăm người từ Campuchia vẫn thậm thụt ở biên giới, chuẩn bị nhập cảnh trái phép vào nước ta. Không có gì đảm bảo là số người này không dương tính với Covid-19 cả.

Cả nước đã căng mình ra để chống dịch và đã thành công bước đầu. Vì vậy, không nên vì mấy ngày vui nhân dịp lễ mà để xảy ra dịch bệnh lần nữa. Mỗi người chúng ta tự ý thức thì mới mong đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh chứ các biện pháp hành chính trong chống dịch của ngành chức năng chỉ là phần phụ mà thôi.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/cho-co-chu-quan-jle3709MR.html