Cho chữ đầu năm chỉ là văn hóa bịa?

Những ngày cuối năm, trên từng cành hoa đào đang he hé nụ, mưa xuân vấn vương từng chùm lấp lánh. Chỉ cần lặng ngắm ánh mắt trong ngần của trẻ thơ đang háo hức đợi Tết cũng cảm thấy đất trời thêm tình tứ thân thương. Người ta bắt đầu nói với nhau nhiều hơn về văn hóa, phong tục ngày Tết. Điều đó đã khiến tôi tìm gặp Trịnh Tuấn - một ông đồ 8X tài hoa chỉ mải mê đi tìm và gìn giữ nét đẹp của nghệ thuật thư pháp.

Nói về Trịnh Tuấn những người trong giới thư pháp đều biết đến anh với sự tài hoa qua các bút hiệu như Chu Giang Phong, Ái Châu Thư Sĩ, Ngọa Sơn… Anh cũng chính là tác giả của Bộ tác phẩm Truyện Kiều bằng thư pháp dài 300m hay Bộ thư phápTuyên ngôn Độc Lập trên gỗ nặng 400 kg khiến nhiều người thán phục!

Không chỉ có thế khi gặp Chu Giang Phong rồi, thì ta mới thấy được hết cái hồn hậu của người tâm lành và cả cái lơ ngơ của gã đàn ông trung niên không màng thế sự! Chỉ có hai điều khiến anh luôn bận tâm và dành thời gian nhiều hơn cả đó là bốc thuốc và thư pháp.

Ngày nay, hầu hết các dạng chữ viết trên thế giới đã đạt đến độ ổn định cao về hình thể. Trải qua các hình thức biến đổi mà nó trở nên hoàn thiện hơn, hoàn mỹ hơn. Chính trong quá trình ấy mà nghệ thuật viết chữ được “thai nghén” và hình thành.

Phải thật tinh tế ta mới thấy được mỗi một thời, nghệ thuật thư pháp đều mang một sắc thái riêng biệt, ngoài sự kế thừa còn có cả tính đột phá và thể hiện dấu ấn riêng của thời đại đó. Tưởng như nghệ thuật thư pháp là chiếc gạch nối giữa triết học, nghệ thuật với tâm thức của con người. Nét đẹp sâu xa ẩn chứa trong đó đã tạo nên sự cuốn hút cho biết bao thế hệ tao nhân mặc khách. Người ta từng nói: Thư tâm họa dã, hiểu một cách nôm na thì viết chữ chính là vẽ tâm mình, nên con người ta mới dày công nghiên cứu, mong muốn sưu tầm và say mê luyện tập là bởi vậy!

Một thư pháp gia phải là một người tinh thông nhiều thể chữ, am tường lịch sử thư pháp nói riêng cũng như lịch sử văn tự nói chung. Chưa kể người ấy còn phải có kiến thức về văn hóa thật rộng, đồng thời cũng phải có yếu tố về thân phận trí thức thì mới có đủ thời gian và tâm sức lâm tập lâu dài.

Với người xưa việc luyện chữ hằng ngày còn là cách để tu rèn tâm tính, hàm dưỡng đạo đức và hun đúc trí tuệ từ kinh văn. Mỗi khi hạ bút, tâm hồn như hòa cùng với thanh sơn lục thủy, tâm tưởng như đang trò chuyện với chư vị thánh hiền. “Ba mươi tuổi vào thư pháp, bảy mươi tuổi còn bản nháp, suốt một đời bản nháp dồn cơn thác”.

Nhìn lại lịch sử các danh gia thư pháp, ta nhận ra một điều rằng nghệ thuật thư pháp là “Nghệ thuật của thư phòng”, là “Ngón chơi của dân trí thức”, là một “Loại hình nghệ thuật hàn lâm”... Nói một cách khó ưa, đó là “Món nghệ thuật bất cận nhân tình”. Nghệ thuật này đòi hỏi một công phu luyện tập khắc nghiệt và một quá trình đầu tư tốn kém cả về thời gian, tiền bạc, công sức.

Tựu chung lại thì môn nghệ thuật ấy không hề dễ, cũng không hề rẻ! Nên dân gian mới truyền nhau rằng: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” để phản ảnh đúng cái tầm và giá trị của nó là vậy.

Cuộc sống ngày nay ngày một vội vàng hơn với những phù hoa ưa sự hào nhoáng, thế nên nét đẹp văn tự của một thời quá vãng không còn thu hút được sự chú ý nhiều nữa. Có chăng, sức sống mãnh liệt của mảng văn hóa ấy chỉ còn trong tâm tưởng ít người.

 Thư pháp của Chu Giang Phong. Ảnh: Hải Nguyễn

Thư pháp của Chu Giang Phong. Ảnh: Hải Nguyễn

Trải lòng về việc “xin chữ” đầu năm, về hình ảnh của những ông Đồ với mực Tàu giấy đỏ trên hè phố, thư pháp gia Chu Giang Phong trăn trở với bao nỗi niềm: “Cho chữ là một khái niệm chưa chuẩn và chỉ mới xuất hiện gần đây, chứ không phải từ xa xưa gì! Thật đáng tiếc, chữ bây giờ người ta có thể đem cho, lại còn “bịa” cho nó một thứ văn hóa là “văn hóa cho chữ đầu năm” - một thứ văn hóa chưa và không bao giờ từng có trên thế giới này, ở Việt Nam lại càng không…”

Tới đây, có lẽ sẽ không ít độc giả bất giác nhớ tới bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên được viết năm 1936. Ông đồ Trịnh Tuấn cho rằng: “Có lẽ khi ấy hình ảnh một vài ông Đồ ngồi mẫn thế trước thời cuộc chính là nét đẹp tinh anh của ngàn năm Nho học bị thất sủng còn sót lại. Cái đẹp ấy đã cảm thán lòng của nhà thơ Vũ Đình Liên khiến ông viết lên bài ông Đồ và hậu nhân sau này cứ nhầm tưởng văn hóa đó có từ xưa”.

Với Chu Giang Phong chữ không phải thứ để xin, càng không phải thứ để cho, nên không có cái gọi là cho chữ, chữ phải được thỉnh, được cầu thì nó mới quý! Xưa kia ông Đồ vốn là những học trò nghèo hoặc bậc túc nho sau khi làm quan thì về quê bốc thuốc, dạy học. Bởi sự tinh thông uyên bác mà họ trở thành những điển hình về văn hóa và cốt cách đạo đức. Trước tài đức ấy mà bà con xung quanh mới tới để thỉnh chữ của họ về, khi thì là hoành phi lúc lại là câu đối… Câu chuyện ấy được ghi lại trong câu thơ: “Sắm một cơi trầu sang biếu cụ/ Thỉnh đôi câu đối về thờ cha”. Với người nông dân cơi trầu là một cái lễ lớn mang đậm màu sắc của sự tôn trọng cầu thị.

Giờ đây, phần lớn người ta đến với môn nghệ thuật này như một thứ để trình hiện, thậm chí là thi thố, dự mình vào những cuộc danh lợi vỉa hè, hạ thấp nhân phẩm của thư sĩ hơn là hoằng dương những nét đẹp văn tự. Âu cũng là tâm thức thời đại!

Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó thì việc tổ chức những phố ông Đồ ở thời điểm này cũng là một cách để cho những người muốn tìm hiểu cốt cách tinh hoa của nét đẹp văn tự, có cơ hội được ngồi lại cùng nhau để giao lưu học hỏi. Đó cũng là một phần của quá trình lâm tập trên hành trình đi tìm và gìn giữ nét đẹp văn tự muôn đời!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/cho-chu-dau-nam-chi-la-van-hoa-bia-4057952-v.html