'Chỗ chơi' nơi đô thị

'Tuổi thọ một người không được tính bằng số năm, mà bằng mức độ cảm thụ cuộc sống của anh ta'(1), triết gia người Pháp lừng danh Jean Jacques Rousseau đã từng chiêm nghiệm cách thức mà chúng ta nên sống trên đời. Sống không chỉ để mưu sinh qua ngày tháng, mà còn phải biết kết hợp giữa nghệ thuật sống, làm việc với vui chơi, trải nghiệm để cuộc sống thêm ý nghĩa, hạnh phúc

“Làm hết sức, chơi hết mình” luôn được cổ vũ trong thời hiện đại, bởi suy cho cùng đây là hai hoạt động cơ bản của đời sống, bên cạnh các nhu cầu sinh học khác. Nhịp sống càng hối hả, công việc càng áp lực thì nhu cầu tìm nơi chốn để “chơi hết mình” trong đô thị càng cao, đặc biệt là với đối tượng trẻ em, lứa tuổi không thể thiếu hoạt động vui chơi an toàn, lành mạnh.

Thế nhưng, khi thực hiện nghiên cứu và tham quan các hoạt động vui chơi nơi đô thị ở cả hai vùng đất Paris (Pháp) và TP.HCM (Việt Nam), tôi vừa thú vị trước những tương đồng lẫn khác biệt trong quy hoạch không gian công cộng (KGCC) cho trẻ em ở cả hai nơi, đồng thời vừa có những băn khoăn, trăn trở.

Rạp phim hình cầu trong công viên khoa học - văn hóa La Villette, Paris, Pháp.

Dễ nhận ra KGCC ở Việt Nam thường chú trọng vào các nhu cầu vui chơi giải trí đơn thuần, trong khi Pháp lại thiên về sự lồng ghép vào trò chơi những bài học phát triển kiến thức và kỹ năng cho mọi người.

Vậy bản chất của những điểm khác biệt và đâu là khởi điểm để dẫn dắt những giới chuyên môn tìm câu trả lời cho vấn đề “Không gian vui chơi nơi đô thị nói chung và cho trẻ em nói riêng cần có cấu trúc thế nào, diện mạo và hình thái hoạt động ra sao”.

Một bức tranh còn nhiều xám hơn xanh

Thông qua tổng hợp tư liệu và khảo sát thực nghiệm, sẽ dễ nhận ra TP.HCM thiếu KGCC cả về số lượng và chất lượng. Toàn TP.HCM hiện nay có 535ha diện tích công viên, vườn hoa, chiếm 0,7 m2/người (tiêu chuẩn cần có là 4-5m2/người) và giảm gần 50% diện tích so với năm 1998 do quá trình đô thị hóa(2). Những không gian hiện tại hoặc là công viên có quy mô lớn, hoặc xen vào các KGCC trong các khu chung cư.

Có thể các KGCC này đảm bảo về mặt quy mô khi được nhìn nhận trong bối cảnh các dự án phát triển dân cư(3), nhưng thiếu về mặt quy hoạch phân bổ hợp lý. Cụ thể như sự thiên lệch về tỷ lệ giữa các khu đô thị mới kiểu Phú Mỹ Hưng và các khu cư dân cũ (4).

Ngay trong các khu đô thị “ kiểu mẫu” thì công viên dù đảm bảo về diện tích và mảng xanh, nhưng lại thiếu tính phong phú trong xử lý chức năng vui chơi, từ đó gây “sức ép” quá tải khi cần tổ chức loại hình hoạt động cho các đối tượng sử dụng khác nhau, đặc biệt là với trẻ em. Sự vừa thiếu vừa thừa này dẫn đến việc tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ ít thu hút, KGCC nhiều xám hơn xanh, khó tương tác với môi trường và cộng đồng.

Quảng trường - hội chợ nghệ thuật tổ chức hàng tháng ở Brussels, Bỉ.

Quảng trường - hội chợ nghệ thuật tổ chức hàng tháng ở Brussels, Bỉ.

Một buổi diễu hành ngựa cho trẻ trong sân lâu đài Vincennes.

Quảng trường Tây Ban Nha (Spanish Steps) ở Roma, nơi mọi người có thể nghỉ ngơi thư giãn mà không có tiếng ồn hay giao thông cơ giới cắt ngang.

Hoạt động xiếc ở đây rất đa dạng, từ Đông (Le nouveau cirque du VietNam, Satoshi Miyagi…) sang Tây (Cirque de Plume, Cirque du Soleil, CNAC, La Muse…)

Căn nguyên thực trạng trên đến từ nhiều phía, do khan hiếm quỹ đất công cộng trong quá trình phát triển đô thị không đồng đều, hoặc bởi đặc thù môi trường và khí hậu (nắng nóng, mưa nhiều, ô nhiễm…) khiến cư dân ít tham gia hoạt động ngoài trời.

Ngoài ra, các yếu tố xã hội như trẻ em hiện đại chịu nhiều áp lực học hành thi cử, phụ huynh và nhà trường không dành thời gian nhiều cho giáo dục thể chất, hoạt động ngoại khóa, vui chơi, dã ngoại… cũng như thiếu xác lập vai trò tầm quan trọng của vui chơi với phát triển tư duy và thể chất trẻ, dẫn đến việc cho trẻ chủ yếu “chơi” với điện thoại, máy tính… để rồi dần lệ thuộc vào máy móc, sa sút trí tuệ, thiếu giao tiếp và thể lực.

Một nguyên nhân chủ quan khác thuộc về giới chuyên môn, khi đa số nghiên cứu ở tầm vĩ mô lẫn vi mô… đều ít chú ý vào các nhu cầu thiết yếu của trẻ em ở nhiều lứa tuổi khác nhau, dẫn đến công tác quy hoạch, thiết kế KGCC cho trẻ em ít liên hệ với sự phát triển của xã hội. Một số phụ huynh từng đưa con đi các khu vui chơi giải trí nổi tiếng ở nước ngoài, dù không muốn so sánh cũng phải than thở “Xứ mình nếu đưa trẻ ra công viên cũng không biết chơi cái gì, thôi ở nhà cho khỏe”.

Thử dạo La Villette đến công viên Anne Frank

Cũng phải nói rõ, ở các nước tiên tiến bên Âu - Mỹ, dù phụ huynh cũng rất đau đầu trong việc “giành lại con từ máy móc và internet”, nhưng họ luôn có rất nhiều lựa chọn. Sự phong phú đó đến từ các sáng tạo trong hoạch định chiến lược, thực thi quy hoạch và thiết kế cụ thể, như “kiềng ba chân” để xây dựng hệ thống KGCC hiệu quả và bền vững.

Khi đối chiếu giữa cấu trúc đô thị Paris với Sài Gòn - TP.HCM, ta có thể sẽ thu nhận bức tranh toàn cảnh hơn ở hai vùng đất trong việc tổ chức loại hình KGCC đặc thù này.

Có thể khởi đầu từ khu phức hợp văn hóa Cité Sciences de la Villette. Đây là một công viên văn hóa rộng 35ha với 3.000m2 là mảng xanh sinh thái, được xem là lớn nhất Paris. Sở hữu quy mô nhỏ hơn công viên văn hóa Đầm Sen (50ha với 40ha là cảnh quan), tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở cách phân bổ các loại hình công trình, và hoạt động bên trong nhắm đúng đối tượng phục vụ.

Khu chăn nuôi xưa được giữ lại để nuôi cừu như một cách thức bảo tồn di sản độc đáo ở La Villette.

Các khu trò chơi khoa học cho trẻ em ngoài trời khu Cité Sciences de la Villette. Khu chăn nuôi xưa được giữ lại để nuôi cừu như một cách thức bảo tồn di sản độc đáo ở La Villette.

Sự tương tác cởi mở giữa các bậc phụ huynh, giữa họ với những đứa trẻ và những đứa trẻ với nhau trên nền tự nhiên của cỏ cây và sân đất cỏ.

Khu vui chơi trẻ em đặt thẳng góc với cửa vào, có khối tích dành riêng cho trẻ và được phủ xanh bởi cỏ cây.

Khu vui chơi cho trẻ ở Chapelle St. Thérèse. Khách xếp hàng buổi tối để vào khu vực biểu diễn xiếc, được đặt cạnh bên Cité Sciences et l’Industrie

Khu phức hợp cải tạo từ khu nhà máy cũ này sở hữu hệ thống các công trình văn hóa, khoa học kết hợp với chuỗi KGCC hoạt động đa dạng và liên tục quanh năm. Có thể kể đến La Philharmonie, nơi diễn ra các buổi hòa nhạc trong nhà và ngoài trời; hay Grande Halle de la Villette, vốn vừa là nông trại, chợ và lò giết mổ gia súc, nay được cải tạo lại thành khu tổ chức sự kiện văn hóa.

Đặc biệt, khu Cité Sciences et l’Industrie (Bảo tàng Khoa học công nghiệp) là “thỏi nam châm” thu hút trẻ em và các gia đình nhiều nhất. Ngoài vai trò trưng bày vật phẩm khoa học công nghiệp, các không gian xưởng ở đây cho phép trẻ em được thoải mái trải nghiệm hoạt động xây dựng, khoa học… như xây dựng công trình nhỏ, chơi với công nghệ thực tế ảo.

Quanh công trình có hàng loạt chỗ để trẻ vừa chơi vừa học ngoài trời. Điểm hấp dẫn nữa là công viên luôn có các gánh xiếc nổi tiếng biểu diễn quanh năm cùng nhiều hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, sinh học… khá thú vị.

Những hoạt động kể trên cho thấy mô hình tổ chức không gian “chơi mà học” trong phức hợp văn hóa cho giới trẻ phương Tây rất đa dạng, đầy ắp trí tưởng tượng, mang dấu ấn nghệ thuật và khả năng đầu tư về khoa học - công nghệ khá chỉn chu giúp cho mọi người, trong đó trẻ em là đối tượng chính, được sử dụng nhiều không gian trải nghiệm văn hóa thực thụ. Cùng với môi trường học tập thiên về ứng dụng, loại hình khu vui chơi này đã góp phần vào quá trình hình thành tư duy vừa bài bản vừa thực tiễn cho trẻ về sau.

Tuy nhiên, cũng như mọi đô thị lớn khác trên thế giới, Paris không thể làm nhiều khu phức hợp như vậy, nên phải xuất hiện yếu tố “xen cài” các không gian vui chơi cạnh bên một số công trình công cộng, thậm chí là công trình tôn giáo tín ngưỡng. Do thiếu quỹ đất, một số nhà thờ có khuôn viên đủ rộng sẽ tổ chức không gian vui chơi nhỏ cho trẻ. Đây là nơi giao lưu rất tốt giữa trẻ em cũng như các gia đình có cùng một chí hướng, niềm tin tôn giáo.

Ví dụ Chapelle Saint Thérèse bố trí một khu vui chơi cho trẻ sau các buổi lễ, hoặc không gian biểu diễn, diễu hành lễ hội của thiếu nhi trong lâu đài Vincennes…

Tổng thể công viên La Villette.

Mặt bằng công viên Anne Frank cho thấy sự khép kín của công viên, nhất là khu vui chơi trẻ em với khối tích nhỏ nhất và ở lớp sâu nhất của công trình.

Trường hợp Jardin Anne Frank lại nói lên khía cạnh tổ chức không gian văn hóa tinh tế, mà không cần hoành tráng. Đây là công viên tưởng niệm khoảng 4.000m2 nằm cuối một con hẻm cụt, bao quanh bởi khu văn phòng và nhà ở, khá yên tĩnh như tách biệt khỏi các hoạt động sôi nổi ngay gần Centre Pompidou ở Paris.

Trên mặt bằng hình thang, công viên được chia thành ba khu rõ rệt: khu tưởng niệm Anne Frank, khu sưởi nắng, và khu chơi cho trẻ. Khu trẻ em nằm sâu nhất trong công viên tuy không rộng nhưng chất lượng sử dụng không gian rất hiệu quả. Trẻ nhỏ được thoải mái nghịch ngợm trên nền đất tự nhiên, chạy đùa khắp nơi một cách an toàn. Phụ huynh thư giãn trên những băng ghế rợp mát cây xanh và thỉnh thoảng các gia đình tụ họp để giao lưu, chia sẻ.

Họ ở đó cả ngày cùng nhau và biến góc vườn nhỏ xinh trở thành không gian thực sự sống động. Tính an toàn và sự yên tĩnh ở đây nhờ những mảng tường đóng mà mở phủ đầy cây xanh khiến Jardin Anne Frank trở thành “sân nhà” của mọi người, điều mà các công viên ở TP.HCM chưa thể làm được chính là bởi các tác động xấu của môi trường và sự thiếu an toàn luôn hiện diện trong đa số các công viên, vườn hoa.

Những đánh giá cơ bản trên cho thấy, các hoạt động và không gian dành cho trẻ em ở Paris rất được chú trọng, đầu tư toàn diện và không “mặc đồng phục” giống nhau, từ quy mô lớn như quy hoạch tới quy mô vừa như kiến trúc và quy mô nhỏ như chi tiết các trò chơi đều được tính toán gắn bó với thể chất, tinh thần và phát triển các kỹ năng chuyên ngành dành cho trẻ em.

Khi nhiệm vụ thiết kế chuẩn xác, đối tượng sử dụng rõ ràng và đặc trưng văn hóa, yếu tố địa điểm được đề cao, giải pháp cho bài toán không gian cho trẻ vui chơi sẽ rõ ràng và phong phú hơn.

Bài: KTS Lê Khánh Vân, Master 2 d’École Nationale Supérieur d’Architecture (ENSA) Paris.

Ảnh: Vân Lê, Huân Tú và tư liệu

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cho-choi-noi-do-thi-23952.html