Chợ Chiều xây dựng chợ an toàn thực phẩm

Dự án Khu dịch vụ, thương mại chợ Chiều nằm trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc, do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3214/QĐ-UBND ngày 18-8-2016. Mục tiêu là xây dựng khu dịch vụ, thương mại kết hợp chợ dân sinh, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân trên địa bàn huyện Hậu Lộc và các địa phương lân cận; đồng thời tạo điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan cho thị trấn, góp phần tạo việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.

Chợ Chiều là chợ đầu tiên của huyện Hậu Lộc được công nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau khi đi vào hoạt động vào tháng 8-2017, chợ Chiều đã trở thành nơi trao đổi hàng hóa, mua bán nhộn nhịp, đáp ứng được nguyện vọng của người dân thị trấn Hậu Lộc về một khu chợ khang trang, xứng tầm. Chợ đã thu hút được 250 tiểu thương kinh doanh thường xuyên, trong đó có các tiểu thương ở các huyện lân cận như: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hà Trung. Hàng năm, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đều được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 vừa qua, doanh nghiệp là một trong những đơn vị có các biện pháp phòng chống dịch cương quyết, triệt để như: Phát găng tay, khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay đến tất cả tiểu thương và người ra vào chợ. Xung quanh khu vực chợ thường xuyên được tiến hành phun tiêu độc, khử trùng 3 ngày/lần. Rác thải tại chợ được HTX nông nghiệp thị trấn Hậu Lộc thu gom, vận chuyển và xử lý. Hệ thống nước thải cũng được xử lý theo đúng quy trình rồi mới tiến hành xả thải ra hệ thống thoát nước chung.

Cảm nhận chung của tiểu thương và người dân khi bước vào chợ Chiều là một khu chợ khang trang, sạch sẽ. Mặc dù chợ buôn bán chủ yếu là mặt hàng thủy, hải sản nhưng hầu như không có mùi hôi, không đọng nước thải trên bề mặt chợ... Cô Bùi Thị Loan, một người nội trợ thường xuyên đến chợ Chiều mua hàng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất yên tâm và hài lòng khi đến đây, vì chợ có nhiều mặt hàng đa dạng từ thực phẩm cho đến rau củ quả, nhất là mặt hàng thủy, hải sản rất tươi ngon, mà giá cả cũng phải chăng”.

Chợ Chiều là chợ đầu tiên của huyện Hậu Lộc đạt tiêu chí chợ ATTP theo TCVN 11856: 2017 do Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cấp tại Quyết định số 89/QĐ-TTKN&CN ngày 3-9-2019. Sau khi được cấp giấy chứng nhận chợ ATTP, chủ đầu tư đã nâng cấp, duy tu và duy trì để giữ vững tiêu chí chợ ATTP, như: cải tạo hệ thống thoát nước thải; hệ thống điện, nước; đầu tư xây dựng và cải tạo các quầy sạp... Việc đạt tiêu chí chợ ATTP là một phần then chốt của tiêu chí thứ 14 về xã, phường ATTP, theo Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 12-11-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành tiêu chí, trình tự thủ tục, hồ sơ công nhận, công khai xã, phường, thị trấn ATTP trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, thị trấn Hậu Lộc vẫn chưa đạt được tiêu chí xã, phường ATTP, nguyên nhân một phần là do trên địa bàn thị trấn sau khi sáp nhập các xã vẫn còn các chợ tự phát, như: Chợ Dầu, chợ Lộc Tân, chợ Thịnh Lộc... Đây cũng là nguyên nhân khiến chợ Chiều mới hoạt động được 50% công suất, do đó doanh nghiệp cũng kiến nghị với các cấp chính quyền sớm có các giải pháp phù hợp để các tiểu thương đồng lòng cùng với chính quyền phấn đấu hoàn thành tiêu chí xã, phường ATTP.

Ông Hoàng Quốc Toản, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh Hóa, cho biết: Để đồng hành cùng với chính quyền về việc sáp nhập các chợ trên địa bàn thị trấn cùng hoạt động tại chợ Chiều, doanh nghiệp đã có các chế độ, chính sách linh hoạt, cởi mở và chia sẻ cùng với các tiểu thương như: Đối với tiểu thương đã có vị trí tại chợ Chiều, được miễn toàn bộ phí vị trí kinh doanh buổi sáng. Đối với tiểu thương đã có đơn đăng ký mới vị trí kinh doanh trong chợ vào buổi sáng, được miễn 100% phí vị trí 6 tháng đầu và miễn tiếp 50% 6 tháng tiếp theo đối với tiểu thương chỉ đăng ký kinh doanh buổi sáng. Nếu tiểu thương có nhu cầu kinh doanh buổi chiều sẽ được áp dụng theo quy định. Tiểu thương chỉ phải nộp 1 lần phí hàng hóa theo thực trạng hàng hóa mang theo mỗi lượt ra/vào chợ (không áp dụng thu 2 lần như hiện nay nếu phải kinh doanh 2 chợ). Đối với những người dân thuộc thị trấn không đăng ký chỗ ngồi vào chợ bán sản phẩm do vườn nhà làm ra (buôn bán nhỏ lẻ) thì được miễn phí chỗ ngồi trong vòng 2 năm. Ngoài ra, để khuyến khích khách hàng vào chợ, doanh nghiệp miễn phí gửi và giữ xe đạp 6 tháng đầu tiên cho tất cả các đối tượng là người đi chợ và bán hàng trong buổi sáng.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/cho-chieu-xay-dung-cho-an-toan-thuc-pham/125230.htm