Chó cắn chết em bé ở Hưng Yên: Chủ đàn chó có thể bị xử lý ra sao?

Bé trai 7 tuổi bị đàn chó cắn dẫn để tử vong ở Hưng Yên một lần nữa khiến dư luận đặt ra câu hỏi mức xử lý như thế nào đối với chủ của đàn chó?

Ngày 3.4 khi đi ngang qua sân vận động Kim Động (huyện Kim Động, Hưng Yên) bé N.V.T (7 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) bị đàn chó thả rông khoảng 10 con xông vào cắn xé. T. bị thương nặng và được đưa đi bệnh viện.

Tại thời điểm nhập viện, T. bị mất rất nhiều máu, ngưng tim, đồng tử giãn. Bệnh nhi đã được truyền 4 đơn vị máu, thực hiện ép tim, sau đó tim đập trở lại, được chuyển lên BV Việt Đức lúc 21h30 cùng ngày. Dù được cấp cứu kịp thời, song tình trạng bệnh nhi quá nặng, không thể cứu chữa nên 22h30, gia đình xin cho bệnh nhi về, tử vong tại nhà.

Đối với trường hợp em bé bị đàn chó cắn dẫn tới tử vong trách nhiệm của chủ đàn chó như thế nào?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết:

Pháp luật đã có quy định về việc chó phải rọ mõm và có người dắt khi đi ở nơi đông người. Cụ thể, tại điều 6 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về phòng chống bệnh dại ở động vật quy định Chủ nuôi chó phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh.

Chó thả rông, không rọ mõm trở thành nỗi sợ hãi của người dân. Ảnh minh họa

Chó thả rông, không rọ mõm trở thành nỗi sợ hãi của người dân. Ảnh minh họa

Mục 2 phụ lục 15 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT cũng quy định về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn cũng quy định: “Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt”.

Thế nhưng, tình trạng vi phạm quy định này vẫn diễn ra rất phổ biến, có trường hợp đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người dân vô tội”.

Chế tài xử phạt đối trong trường hợp vật nuôi làm thiệt hại tính mạng người khác, cụ thể, trong sự việc đàn chó thả rông cắn chết cháu bé 7 tuổi ở Hưng Yên, luật sư cho rằng: “Theo quy định pháp luật, chủ nuôi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y”.

Theo đó, hành vi không tiêm phòng dại cho chó, mèo và để chó, mèo cắn người, chủ nuôi sẽ bị phạt từ 1,2 -1,6 triệu đồng. Đây là mức phạt chung cho 2 hành vi: Không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường (phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng) và không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (mức phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng).

Hiện trường vụ đàn chó tấn công cháu bé dẫn đễn tử vong ở Hưng Yên. Ảnh: I.T

Theo luật sư, chủ đàn chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người” quy định tại Điều 295 bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

“Việc thả rông đàn chó để chó cắn chết cháu bé tại sân vận động có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 295 vi phạm quy định về an toàn nơi đông người làm chết người. Mức hình phạt đối với hành vi này là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Trường hợp này không thể xử lý về tội vô Ý làm chết người bởi rất khó để chứng minh được người chủ nuôi chó bắt buộc phải biết là chó sẽ cắn người. Giữa hành vi thả chó ra nơi công cộng và hậu quả chó cắn chết người không có mối quan hệ nhân quả tất yếu.

Bởi vậy, trong vụ việc này có thể Cơ quan tiến hành tố tụng có thể không khởi tố về tội vô Ý làm chết người nhưng vẫn có thể xem xét, xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về toàn nơi đông người theo quy định tại điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017” – Luật sư Cường phân tích.

“Ngoài ra, tại khoản 1 điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại gây ra cho người khác. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định” – Luật sư cho biết.

Hạ Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/cho-can-chet-em-be-o-hung-yen-chu-dan-cho-co-the-bi-xu-ly-ra-sao-969033.html