Cho các cháu đi cho biết

Những ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè đám trẻ con trong bản cứ chiều xuống là kéo nhau đến chơi ở chỗ đất trống ngay đầu bản. Chúng hay chơi cù, chơi con quay, nhưng cũng có lúc chơi “đua xe” bằng tre, gỗ tự chế, và thi thoảng đứa bé được cho ngồi lên bẹ chuối, tàu cau để đứa lớn kéo. Cũng có đứa mượn được điện thoại của bố mẹ thì mon men đến gần những nơi có sóng wifi để “lướt mạng”, nhưng những thú vui sang chảnh này không nhiều.

Trẻ em Kỳ Sơn chơi trò đua xe tự chế. Ảnh tư liệu: Minh Quân

Chơi mãi một chỗ cũng chán, đám trẻ thường rủ nhau ra khe, xuống suối. Ở đó vui hơn. Lúc nóng nực thì nhảy ùm một cái xuống dòng nước mát lạnh, lại có thể rủ nhau mò cua cá, nhặt rêu về làm món ăn. Nghỉ hè, lũ trẻ nít miền núi giúp bố mẹ được rất nhiều việc, từ vào rừng lấy măng, lấy rau, lên rẫy đốt rẫy tra hạt… nhưng việc xuống khe, suối thì chúng chủ yếu chơi đùa thỏa thích là chính.

Mùa hè ở khu vực miền núi cũng là mùa mưa. Nước trên các dòng sông, ngọn suối thường dâng lên rất nhanh. Đó là chưa kể những đợt lũ ống, lũ quét ầm ầm tràn từ trên thượng nguồn về. Và điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn đối với trẻ nhỏ. Dẫu vậy, thường thì phụ huynh trên các bản làng vùng sâu, vùng xa thật khó để tách đám trẻ ra khỏi môi trường nguy hại đe dọa đến sức khỏe của chúng. Nhiều bản, thậm chí chỉ cần một đợt mưa là bị dòng nước cô lập, trở thành ốc đảo. Nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước, bị nước lũ cuốn khi đi đến trường.

So với cách đây dăm năm, cuộc sống ở bản mình hiện nay đã đỡ hơn rất nhiều. Bản vẫn còn hộ thiếu đói nhưng không nhiều như trước. Sự quan tâm nuôi dạy lũ trẻ của bà con cũng khác lắm, tiến bộ hơn trước rất nhiều. Bởi vậy, dân bản muốn có nơi cho bọn trẻ vui chơi trong ngày hè cũng rất khó. Gia đình nào có điều kiện lắm, “sang” lắm thì ngày hè cho đi chơi thành phố Vinh, biển Cửa Lò vài bữa. Thế thôi. Lại về với rừng núi, sông, suối.

Các em nhỏ cùng bố mẹ về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Bà con trong bản mong vào ngày hè, các cán bộ, anh chị thanh niên cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đến bản dạy thêm các cháu kỹ năng sinh tồn với môi trường; tạo điều kiện, giúp các cháu nhỏ ở bản xa đi tham quan, học tập một vài nơi. Qua đó, nâng cao hiểu biết, động viên các cháu học tập. Vẫn biết, hằng năm các em học sinh giỏi, các cháu ngoan đều được nhà trường tổ chức cho đi tham quan, nhưng số này rất ít. Còn nếu khó khăn quá thì bà con sẵn sàng góp thêm chút kinh phí.

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/cho-cac-chau-di-cho-biet-post254012.html