Chợ ảo - cơ hội của nông dân Ấn Độ

Rau quả bị bỏ thối rữa trên cánh đồng và có nguy cơ phá hủy sinh kế của nông dân Ấn Độ. Cái khó ló cái khôn, nhiều sáng kiến từ cộng đồng nảy sinh nhằm kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng giúp giảm bớt lãng phí và nâng cao thu nhập.

Rau quả bị bỏ thối rữa trên cánh đồng và có nguy cơ phá hủy sinh kế của nông dân Ấn Độ. Cái khó ló cái khôn, nhiều sáng kiến từ cộng đồng nảy sinh nhằm kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng giúp giảm bớt lãng phí và nâng cao thu nhập.

App di động bán rau quả

Cuộc điện thoại cuối cùng cũng tới, cô Silme Marak, 39 tuổi nghe được tin mừng đầu tiên trong hàng tháng trời: Một đơn đặt hàng 600 quả dứa từ vụ thu hoạch mới đây mà cô sợ rằng sẽ phải đổ bỏ. Cô Marak sống ở thị trấn Tura, Meghalaya, một bang miền đồi núi ở đông bắc Ấn Độ mà tên của nó có nghĩa là “nơi mây cư ngụ”. Cô nằm trong số hàng triệu nông dân ở đất nước mà nông nghiệp đóng góp gần 1/7 GDP quốc gia, tuyệt vọng khi nhìn thấy nông sản bị hỏng khi toàn bộ đất nước phong tỏa suốt ba tuần tháng 3 do đại dịch Covid-19. Hiệp hội trồng rau Ấn Độ ước tính tới 30% cây trồng đến thời kỳ thu hoạch bị bỏ phí trong thời gian này, so với mức thông thường chỉ chừng 5-10% theo số liệu của Sudha Narayanan, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu phát triển Indira Gandhi. Theo báo cáo của Credit Suiss, chỉ riêng nông dân trồng rau đã mất tới 20.000 crore Rs.

Công nghệ trở thành công cụ trợ giúp hữu ích cho nhiều nông dân ở một đất nước có thế mạnh phần lớn doanh nhân am hiểu công nghệ. Cô cho biết: “Người bán sỉ ở địa phương đang chào giá thấp và rau quả có nguy cơ bị thối. Đó là khi tôi nhận được cuộc gọi từ A-Bani gợi ý rằng tôi nên tiếp thị sản phẩm của mình trên mạng”. A-Bani là một app (ứng dụng trên di động) mới ra đời vài tuần trước đó bởi một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Anant Foundation nhằm kết nối nông dân Meghalaya với người mua quan tâm đến sản phẩm organic chất lượng cao như nghệ, dứa, mít và đào lộn hột.

“Tôi kiếm được thêm tới 70% trên một kg”, cô vui mừng nói Marak nói, tự hào vì đây là lần đầu tiên nông sản của cô được bán ra ngoài Meghalaya, thành công đáng ghi nhận đối với một nông dân ở bang biên giới. Việc một vài bang nới lỏng các quy định cho phép nông dân bán trực tiếp cho người tiêu dùng bất cứ nơi đâu ở đất nước này là sự hỗ trợ kịp thời cho người dân đang gặp khó khăn trong đại dịch.

Ứng dụng này chỉ là một trong hàng chục chợ ảo đã được mở trong suốt thời kỳ đất nước phong tỏa ngay khi các khu chợ đường phố bị đóng cửa. Rất nhiều trong số đó là các sáng kiến nông nghiệp cộng đồng, sử dụng internet kết nối nông dân và người mua.

Tiện lợi, hiệu quả nhờ mạng xã hội

Anh Dhanunjaya KC đã phát hiện một chợ ảo như thế khi lệnh phong tỏa buộc anh từ trường kỹ thuật ở Bengaluru trở về vườn nho hai héc-ta của gia đình ở Gudahalli. Một tìm kiếm trên Google “làm thế nào để bán sản phẩm nông nghiệp trực tuyến ở Ấn Độ” đưa anh tới tài khoản Twitter Havesting Farmer Network (HFN). Anh đã kết nối với họ và những thông tin về trái cây của gia đình được đưa lên Twitter. “Điện thoại của tôi không ngừng reo từ đó. Tôi đã bán được tới một nửa số trái cây cho người mua ở Bengaluru và một số cho thương lái địa phương”- anh nói. Phấn khởi nhất là chúng có giá 25 Rs một kg trong khi thương lái chỉ trả 8-10 Rs một kg.

HFN là một mạng lưới ảo kết nối nông dân trực tiếp với người mua trên khắp đất nước do Ruchit Garg điều hành. Là người sáng lập một công ty công nghệ nông nghiệp ở Thung lũng Silicon, Garg bắt tay vào công việc này khi thấy cảnh nông dân đang vứt bông cải xanh vừa thu hoạch cho bò ăn bởi chẳng có người mua. Trên mỗi Tweet đều có tên và số liên lạc của nông dân, loại rau quả, số lượng và vị trí. “Trong vòng hai tháng, chúng tôi bán được 20.000 tấn rau quả, từ bơ Nilgiris tới đu đủ Chattisgarh” - anh nói, nhóm của anh cũng hỗ trợ trong việc đóng gói và phân phối sản phẩm. Hiện mạng lưới trải rộng khắp 22 bang ở Ấn Độ với hơn một triệu nông dân tham gia. Anh cũng đã mở một website nhằm đưa HFN vượt ra khỏi Twitter.

Chandra Gowda trồng nho ở vùng ngoại ô phía bắc Bengaluru cũng có một vụ mùa bội thu nhưng chỉ bán được bằng 1/6 giá thường. Thậm chí 10 tấn nho đen phải bỏ làm phân do không có người thu hái. Cố gắng cứu phần còn lại, Gowda đưa thông tin lên trang Facebook có tên Farm to Fork Bangalore. Một tuần sau anh bán được 400 kg bằng cách thuê xe tải đưa tới những người mua ở thành phố. Có được giá tốt nhờ bán hàng trực tiếp, anh vui vẻ nói: “Tôi thu được tiền ngay khi bán với giá cao hơn, nếu bán cho trung gian, có thể mất tới hai tháng mới lấy được tiền”.

Có những dấu hiệu tích cực cho thấy việc bán hàng trực tiếp có thể tạo ra tác động lâu dài lên một vấn đề nan giải: việc lãng phí thực phẩm. “Người mua ngày càng hiểu rõ hơn về các vấn đề mà nông dân phải đối mặt và nỗ lực để trồng cây lương thực. Với nhận thức tốt, họ sẽ cẩn trọng hơn với việc lãng phí thực phẩm và nhìn nông sản dưới ánh sáng khác”, Ruchit Garg nói.

Vụ xoài cuối tháng 5 ở Ấn Độ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid.

Nông dân phải được hưởng lợi nhiều hơn

Tweet hay đưa lên Facebook các loại rau quả để bán hàng có thể không phải là giải pháp lâu dài, nhưng với một số chương trình bán hàng trực tiếp được tổ chức và xây dựng nhờ các trang web phi lợi nhuận, hình mẫu này có lẽ vẫn dược duy trì song song với cách bán hàng truyền thống cho thương lái và chợ bán buôn nhờ sự tiện lợi và hữu ích của nó.

Tuy vậy vẫn còn rất nhiều khó khăn cho nông dân. Hình ảnh nông sản bị thối rữa trên cánh đồng, đổ bỏ hay cho gia súc ăn đầy rẫy trên báo chí thời gian qua chứng tỏ một thực tế, không phải ai cũng tận dụng được lợi thế công nghệ, hay đơn giản là bán hàng trực tiếp cho người mua là điều không phải ai cũng làm được, đặc biệt là do vị trí nơi ở của họ. Nhà kinh tế Narayanan nói: “Với nông dân, các trung tâm đô thị có sức hút như thỏi nam châm vậy bởi người mua sẵn sàng trả giá cao hơn. Nhưng không phải tất cả mọi người có thể bắt lấy cơ hội này. Họ cần ở gần thành phố và có phương tiện vận chuyển”.

Cánh đồng bắp cải của Kannaiyan Subramaniam nằm ở giáp ranh giữa bang Karnataka và Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ cách trung tâm đô thị gần nhất 100 km. Ảnh hưởng của đại dịch khiến thương lái chỉ mua non nửa trong số 100 tấn thu hoạch được với giá chỉ bằng nửa giá thường. Anh quyết định bán lẻ 15 tấn rau bằng cách đưa lên Twitter và 10 tấn khác cho một startup để có được giá tốt hơn và giảm rác thải lương thực. Khoảng 1/4 còn lại bị vứt bỏ trên cánh đồng. Trải nghiệm này khiến anh nghĩ nhiều về dây chuyền cung ứng. “Tôi không phải là một doanh nhân, nhưng tôi không muốn chỉ tập trung vào sản xuất rau quả nữa mà còn chú ý việc quảng bá nông sản. Tôi đã gặp gỡ và bàn bạc với một số bạn bè nhằm tạo ra một hình thức hợp tác xã nhỏ để chúng tôi có thể kết nối với những công ty hiện đang lấy hàng từ nông dân và bán trực tiếp cho người mua. Tôi muốn bảo vệ nông dân khỏi bị bóc lột tại thị trường truyền thống, với vô số tầng lớp trung gian”.

Đồng ý tưởng này, anh Ruchit Garg cho biết, ở thị trường truyền thống rau quả sẽ qua ít nhất từ năm tới sáu tầng trung gian trước khi tới tay khách hàng và ở mỗi tầng như vậy giá lại đội lên, nhưng nông dân không được hưởng lợi thêm gì. Chẳng hạn người tiêu dùng mua rau quả khoảng 100 Rs một kg, thì nông dân chỉ nhận chưa tới 15 Rs, phần lớn lãi thuộc về tầng nấc trung gian. Hệ thống này đã tồn tại rất lâu rồi. Muốn thay đổi nông dân cũng cần chủ động và độc lập hơn tìm đầu ra, như trong thời gian qua. Anh cho rằng nếu nông sản bán được 100 Rs một kg thì người nông dân nên được nhận 70-75 Rs. Để thực hiện điều này, anh dự dịnh tương lai sẽ mua rau quả tươi trực tiếp từ nông dân và bán cho khách hàng với giá phải chăng và trả lại phần lớn lợi nhuận cho nông dân. “Để xây dựng, duy trì và phát triển nền tảng này, chúng tôi dự định sẽ thu một khoản phí rất nhỏ cho mỗi giao dịch, nhưng chỉ các giao dịch mà chúng tôi nắm giữ”.

Song Anh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-quoc-te/cho-ao-co-hoi-cua-nong-dan-an-do-617883/