Chịu thua 'ngáo đá'?

Khi 'ngáo đá', các đối tượng có thể giết người, đập phá gây ra nguy hiểm nhưng chế tài xử phạt hành vi do họ gây ra lại rất nhẹ

Mới đây, tại chùa An Phú (quận 8, TP HCM), gần 50 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC TP HCM và nhiều lực lượng đã phải phối hợp giải cứu Võ Thanh Hoài (25 tuổi; quê Kiên Giang) đang biểu hiện "ngáo đá" (phê ma túy "đá").

Như người điên

Theo lời kể của người dân, lúc 3 giờ ngày 16-11, mọi người nghe tiếng kêu la của Hoài trên nóc chùa. Người này sau đó trèo lên tháp chuông. Do địa thế nguy hiểm, ít độ bám nên lực lượng chức năng không chọn phương án giải cứu ngay mà dùng dây thừng bao quanh hiện trường.

Mất gần 10 giờ liên tục, lực lượng chức năng mới khống chế được Hoài để đưa xuống đất. Trong quá trình đó, có lúc Hoài đạp chiến sĩ cứu nạn và giãy giụa ở độ cao 30 m.

Ngày hôm sau, khi cơn "ngáo đá" qua, xem lại những hình ảnh gây náo động ở chùa An Phú, Hoài không tin đó là mình. Hoài kể từ Kiên Giang lên TP HCM tới nhà bạn và sử dụng ma túy tổng hợp để vui chơi. Lúc 3 giờ, Hoài ra khỏi nhà trọ và tìm đến nhiều nhà dân xin ngủ nhờ nhưng không ai cho. Sau đó, Hoài trèo lên đỉnh tháp chùa để nhảy múa, la hét.

Hoài nói: "Lúc đó, nhìn mọi vật xung quanh không rõ ràng, ảo giác. Việc trèo lên cao là để đầu óc thoải mái, nhìn xuống thấy xe cộ trông rất ghê sợ như ma quỷ".

Vụ việc do Hoài gây ra lúc đó đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình giao thông khu vực cầu Nguyễn Tri Phương và gây thương tích cho 10 cán bộ, chiến sĩ.

Liên quan đến "ngáo đá", mới đây, người dân lưu thông trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng hoảng hốt khi thấy Nguyễn Đình Long (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) vừa chạy vừa cầm mã tấu chém nhiều kính chiếu hậu của ô tô. Do thấy Long có biểu hiện bị kích động nên nhiều chủ của những ô tô bị đập kính không dám phản ứng.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công an quận Bình Thạnh đã tạm giữ Long. Tại trụ sở công an, Long vẫn biểu hiện "ngáo đá", miệng lẩm bẩm và lấy lý do bản thân nghèo khổ, thất nghiệp trong khi nhiều người đi ô tô nên ganh ghét. Nhận thấy hậu quả từ hành động của Long để lại nghiêm trọng nên Công an quận Bình Thạnh khởi tố vụ án để điều tra.

Tại quận Bình Thạnh từng xảy ra vụ án mạng thương tâm vào tháng 11-2016. Cụ thể, Nguyễn Nhật Linh (23 tuổi) sử dụng ma túy tổng hợp, sau đó dùng dao đâm người hàng xóm tên Trần Hồng Phong tử vong. Trước đó, Linh rất nhiều lần có biểu hiện ảo giác, đánh ông Phong và nhiều người trong dãy trọ ở cùng hẻm.

Lực lượng chức năng phải khống chế Võ Thanh Hoài khi người này “ngáo đá” trèo lên nóc chùa An Phú

Chưa đủ sức răn đe

Vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ án mạng, quấy rối do người trong tình trạng "ngáo đá" gây ra. Câu hỏi đặt ra là xử lý thế nào để hạn chế hành vi phạm tội? Một cán bộ điều tra Công an quận Bình Thạnh cho biết thường các đối tượng "ngáo đá" để lại hậu quả nghiêm trọng mới xử lý hình sự. Ví dụ gây thương tích cho người khác, đập phá tài sản với số tiền lớn… Còn việc phát hiện người này dùng ma túy đá nhưng chỉ nhảy múa, chạy ngoài đường thì khó xử lý hoặc chỉ phạt hành chính. Từ đó dẫn đến việc các đối tượng không sợ và tình trạng "ngáo đá" không thuyên giảm.

Công an quận 8 (TP HCM) cho biết đối với vụ việc của Võ Thanh Hoài, cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính hành vi gây rối trật tự nơi công cộng bởi không để lại hậu quả gì nghiêm trọng. Hoài cũng đã được đưa đến trung tâm cai nghiện.

Trao đổi về hiện tượng này, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết tỉ lệ người "ngáo đá" ngày càng tăng và hay thích trèo lên cao. Mỗi lần như vậy, lực lượng chức năng rất vất vả để giải cứu.

Người "ngáo đá" dễ bị kích động nên không thể nào khống chế ngay" - ông Bửu nhận định và cho biết việc giải cứu những trường hợp này vừa tốn kém vừa tốn sức.

Khống chế để test ma túy

Theo thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), những người sử dụng ma túy đá rồi lên cơn thường không kiểm soát được bản thân nên xảy ra một số sự việc gây náo loạn. Thông thường, khi nhận được tin báo, lực lượng công an sẽ phối hợp các lực lượng chức năng khác tổ chức vận động, khống chế người "ngáo đá", đưa về trụ sở để test ma túy. Nếu người này có nơi ở ổn định thì lập hồ sơ, bàn giao chính quyền địa phương nơi họ cư trú để quản lý. Nếu giáo dục không được thì chính quyền địa phương sẽ làm hồ sơ chuyển tòa án ban hành quyết định đưa đi cai nghiện.

Đối với những người sống lang thang, công an sẽ đưa họ vào trung tâm cai nghiện để cắt cơn, sau đó lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Ph.Dũng

Bài và ảnh: LÊ PHONG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/chiu-thua-ngao-da-20171121211614165.htm