Chịu mắng xây mộng tưởng tiếng Anh: Tôi thấy lạ!

Chấp nhận những điều xâm phạm đến quyền con người của mình, đó là tư tưởng nô lệ, không nên có ở giới trẻ.

Vụ việc cô giáo nói học sinh là "con lợn" vừa qua khiến cho dư luận nhớ lại trường hợp của "cô giáo bọ cạp" khiến dư luận xôn xao. Điều đáng nói là, đã có một sự thỏa thuận ngầm hoặc công khai bằng nội quy trung tâm như trường hợp vừa rồi rằng, giáo viên có quyền mắng mỏ, xúc phạm tới học sinh, miễn là kết quả học tập tốt.

Thế nhưng, PGS.TS Phạm Tất Dong - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam rất bất ngờ trước thực trạng trên.

Ông cho biết: "Dưới góc độ một giáo viên lâu năm, tôi không tán thành các tác phong, hành vi không đúng với chuẩn mực của nhà giáo, dù học sinh hỗn láo đến đâu thì vẫn có các hình thức để xử lý, chứ nhất định không được nói năng thô lỗ.

Đặc biệt, không được quyền xúc phạm đến nhân phẩm của học viên bằng những lời lẽ không có văn hóa, phải làm sao xử lý để học viên nhận ra lỗi sai và sửa chữa.

Một nhà giáo là phải thể hiện đức độ, phong thái, tác phong chững chạc từ lời ăn tiếng nói, tôi thấy xem clip bản thân tôi còn thấy khó chịu.

Tôi còn nhớ Solomon ibn Gabirol, triết gia người Do Thái thế kỷ XI đã từng nói: "Để thử thách kỹ năng đối nhân xử thế của một người, hãy xem xem anh ta có thể kiên nhẫn trước lối cư xử tệ hại hay không?".

Giáo viên tiếng Anh chửi học sinh "óc lợn"

Giáo viên tiếng Anh chửi học sinh "óc lợn"

Khi mất kiểm soát về hành vi của chính mình, một người sẽ không thể kiểm soát được môi trường xung quanh, khi bị học sinh gọi là lừa đảo, cô giáo trên đã cả giận mất khôn đánh mất hình ảnh sư phạm của mình với những lời lẽ xuồng xã chợ búa.

Được biết, cô cũng có thói quen nói năng cộc cằn và nghiêm khắc với học sinh từ lâu. Tôi chỉ lạ là vì sao các học viên tại đây lại chấp nhận việc bị chửi, trong khi bỏ tiền ra để học, thậm chí họ đồng ý vào bản cam kết giữa hai bên, mặc nhiên đưa mình vào thế khó".

Trong khi đó, theo ông Dong, bản cam kết nộp phạt nếu vi phạm một số quy định với học viên do bên trung tâm đưa ra, rồi hai bên ký kết là hợp đồng dân sự theo kiểu lệ làng. Về phía học viên, họ chịu nộp phạt vì nghĩ môi trường khắt khe sẽ tốt cho bản thân, giúp bản thân tiến bộ hơn, có kết quả học tiếng Anh tốt hơn các nơi khác. Ngay như Hà Nội có những món bún chửi, để được ăn bát bún các vị khách phải sẵn sàng lắng nghe chửi. Tại sao lại phải chấp nhận bị xúc phạm danh dự như vậy?

"Theo tôi chấp nhận những điều xâm phạm đến quyền con người của mình, đó là tư tưởng nô lệ. Đúng là trong xã hội hiện đại, tiếng Anh rất quan trọng, họ bất chấp bằng mọi cách để học tiếng Anh vì lo ngại thất nghiệp, đi đâu tuyển dụng yêu cầu cũng phải tiếng Anh, thấp thì cũng trình độ A, cao thì phải trình B. Đó là chưa kể các gia đình mong ước cho con đi du học.

Nhưng cái quan trọng là học ở trung tâm chỉ là môi trường giúp cho việc học có mục đích, còn kết quả tốt hay không thì lại phụ thuộc vào việc ý thức học tại nhà.

Bản thân tôi biết rất nhiều tiếng như tiếng Nga, tiếng Anh nhưng toàn do tự học trong sách vở, tự nghiên cứu, chứ không qua trường lớp nào. Và chắc chắn để giỏi tiếng Anh yếu tố tự học, tự rèn luyện là quan trọng nhất, nên đừng ôm mộng tưởng vào trung tâm là sẽ giỏi ngay.

Những lời quảng cáo tràn lan như "Cam kết đạt 6.5 IELTS sau 3 tháng" của nhiều trung tâm tiếng Anh đã khiến cho nhiều người có quan niệm sai lầm rằng chỉ cần đăng ký, đóng một cục tiền rồi đi học vài ba tiếng mỗi tuần trong một thời gian ngắn là sẽ sử dụng được tiếng Anh. Đây là một suy nghĩ cực kỳ sai lầm, vì học bất kỳ thứ gì đều cần phải có sự khổ luyện.

Đặc biệt, ngôn ngữ là môn học cần đến cả kiến thức, trí nhớ và phản xạ nhanh, nên việc tự mài giũa ngoài giờ càng quan trọng", ông Dong chỉ rõ.

Theo vị chuyên gia, điều quan trọng là mỗi người hãy giữ lấy danh dự của mình, tôn trọng bản thân. Không tôn trọng mình thì làm sao tôn trọng được người khác. Nếu coi sự mắng mỏ là điều hiển nhiên thì không giữ thể diện, quá thụ động. Khi biết phản kháng trước cái sai, biết nhục trước cái kém, thì mới mong thế hệ sau này đưa đất nước ngang lên đất nước khác.

"Tiếng Anh là hội nhập quốc tế nhưng kiểu sống chấp nhận thì sẽ không làm được việc lớn" - ông Dong chua xót.

Liên tưởng tới sự việc nhiều lớp học đặt tên con bằng tiếng Anh cho giỏi giao tiếp, hay việc khuyến khích chỉ cần biết tiếng Anh, không cần giỏi tiếng Việt ở nhiều gia đình hiện nay, PGS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, dù gì đây cũng chỉ là phương tiện để giúp hội nhập nhưng chủ trương của chúng ta vẫn phải giữ bản sắc. Tên của mình do cha mẹ đặt và phải tự hào về cái tên đó. Mời vào lớp 1 mà sử dụng cái tên Marry, Peter là không phù hợp với môi trường giáo dục tiểu học.

"Tôi đã đọc những tác phẩm viết về có những đất nước họ nói công dân cần học suốt đời, không những công dân nước mình còn là công dân toàn cầu, nhưng không được quay lưng lại với quá khứ dân tộc", ông Dong chia sẻ.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/chiu-mang-xay-mong-tuong-tieng-anh-toi-thay-la-3357807/