Chịu đòn 'thầy trừ tà chăn vịt', chị em gái nhập viện cấp cứu

“Đuổi ma” chị, đánh luôn em

Bác sĩ Vũ Dzuy, Phó khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết bệnh viện này đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị tổn thương nặng vì lý do hi hữu: Bị “pháp sư” dùng roi dâu đánh vào người để trừ tà! Hai bệnh nhân này là chị em ruột - N.T.T. (47 tuổi) và N.T.N. (44 tuổi) - đều ngụ tỉnh Bình Dương.

Cả hai nhập viện trong tình trạng cơ thể có nhiều vết thương bầm tím. Bệnh nhân N. được chẩn đoán suy thận cấp. Hiện nay, chị N. đã tỉnh và đang được theo dõi tại khoa Thận cấp. Trong khi đó, chị T. vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ cho biết, chị T. đang nằm tại khoa Cấp cứu của bệnh viện để được theo dõi trong tình trạng suy hô hấp, máu tụ ở cổ, đa chấn thương.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, chồng bệnh nhân T. cho biết, thời gian gần đây, vợ anh có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường. Đặc biệt, chị T. thường gọi tên ông bà tổ tiên trong lúc mê sảng. Do quen biết một “pháp sư” tên Việt, “chuyên trừ tà ma” ở tỉnh Đắk Lắk, anh này đã mời về nhà “đuổi ma” cho vợ. Theo chồng chị T., ông Việt khẳng định chỉ “trừ tà làm phước, không lấy tiền công”.

Người chồng chị T. kể lại, sáng 14/11, khi bắt đầu trừ tà, “thầy” Việt yêu cầu mọi người tránh ra xa vì “đông người con ma sẽ không ra”. Sau đó ông này lấy cành dâu đánh chị T. xối xả. Đang trong cơn mê hoảng, chị T. tỉnh lại, đau quá nên đánh lại “thầy”. Bị đánh trả, “thầy” càng quật chị T. tợn hơn, cho đến lúc nạn nhân ngất xỉu.

Bệnh nhân T. đang được điều trị tại bệnh viện.

Thấy chị gái bất động, chị N. bèn van xin “con ma” hãy nhập vào người mình để cứu chị. Nghe chị N. van lơn, “thầy” Việt liền chuyển sang... đánh chị N..

Sau 90 phút liên tục bị “thầy” Việt đánh, chị T. và N. chỉ còn thoi thóp thở. Lúc này, người nhà mới chuyển 2 chị em đến bệnh viện Bình Dương cấp cứu. Thấy vết thương của 2 người quá nặng, các bác sĩ bệnh viện Bình Dương yêu cầu chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Anh Nguyễn Ngọc C., chồng chị N., kể lại với PV: “Việc xảy ra khiến tôi rất bất ngờ. Hôm đó tôi đang đi làm thì nghe mọi người gọi nên tức tốc về nhà. Đến lúc đấy thì vợ tôi đã được chuyển lên bệnh viện cấp cứu. Vợ tôi vốn hoàn toàn khỏe mạnh. Chúng tôi cùng quê Thanh Hóa vào miền Nam lập nghiệp cả chục năm nay, đang sống yên lành thì xảy ra chuyện như vậy”.

“Tôi vốn không mê tín dị đoan. Gần đây, tôi có nghe người nhà nói chị vợ có biểu hiện bất thường, nghi do “ma làm” - song tôi cũng không để tâm. Nào ngờ chính vợ mình lại là nạn nhân của trò mê tín”, anh C. chua chát nói.

Cũng theo anh C., hiện chị N. đã tỉnh táo, ăn uống bình thường và nói chuyện với người nhà. “Những ngày này, người nhà liên tục gọi điện vào hỏi thăm, thực sự tôi cũng chẳng biết giải thích như thế nào. Tôi khẳng định, vợ chồng tôi là những người có kiến thức, không mê tín dị đoan. Việc vợ tôi xin “ma nhập” chỉ là do quá thương chị và cũng không ngờ bị đánh dã man đến vậy”, anh C. nhấn mạnh.

Nạn nhân từ tâm, “thủ phạm” thoát tội?

Theo lời kể của người thân, chị T. thường xuyên làm việc thiện nguyện tại địa phương. Trong dòng họ hay xóm giềng nghèo khổ, bệnh tật đều được chị T. nhiệt tình giúp đỡ. Từng buôn bán đồ ăn, rồi kinh doanh phòng trọ, mua đi bán lại nhà đất nên kinh tế gia đình chị T. dư dả. Các con chị T. cũng đã khôn lớn, trưởng thành.

Gần một tháng nay, chị T. có biểu hiện lạ, thường xuyên “độc thoại”. Người nhà đoán chị có vấn đề sức khỏe tâm thần nên đưa lên một bệnh viện hiện đại bậc nhất tại TP.HCM để thăm khám. Song tại đây, chị được các bác sĩ kết luận chị vẫn bình thường. Chụp MR cũng cho thấy não chị bình thường. Không phát hiện sự “bất thường” bằng các biện pháp khoa học, người nhà mới đặt giả thiết... chị bị tà ma nhập. Họ lo lắng vì chị T. trong cơn “độc thoại” thường gọi tên những người thân đã mất.

Được người quen giới thiệu “thầy” Việt ở tỉnh Đắk Lắk chuyên “trừ tà giúp dân, không mất phí”, đặc biệt lại cùng quê Thanh Hóa nên chồng chị T. mới năn nỉ “thầy” xuống Bình Dương giúp vợ. Được biết, “thầy” Việt có vợ và 5 con tại Đắk Lắk, nghề chính là... chăn nuôi vịt!

Theo tìm hiểu của PV, sau khi làm 2 chị em phải nhập viện cấp cứu, “thầy” Việt đã điện thoại muốn tới bệnh viện thăm hỏi. Tuy nhiên, người nhà chưa đồng ý, vì để tập trung chữa bệnh cho các nạn nhân trước, sau đó mới tính tiếp.

Một người thân trong gia đình cho biết: “Chúng tôi không mong gì ngoài sức khỏe của chị T., em N. nhanh chóng hồi phục. Thực sự, “thầy” cũng muốn cứu người chứ không hề lợi dụng sự tin tưởng của chúng tôi để kiếm tiền. Thế nên, gia đình chúng tôi không hề có khiếu nại tố cáo gì”.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Nhật Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định: “Theo điều 107 của Bộ luật Hình sự, ông Việt sẽ phải chịu trách nhiệm trước hành vi gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của người khác. Ở đây còn có tình tiết tăng nặng là ông Việt hành nghề mê tín dị đoan. Đây là điều mà pháp luật cấm. Vì thế mức xử lý sẽ tùy thuộc vào đơn tố cáo, tỷ lệ thương tật từng nạn nhân”.

Chưa thấy ai nhập viện cấp cứu vì trừ tà ma bằng roi dâu

Bác sĩ Vũ Dzuy, Phó khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thêm, từ trước đến nay, bệnh viện thường tiếp nhận cấp cứu là những bệnh nhân nguy kịch do trừ tà bằng uống mật cá trắm, uống bùa ngải trừ tà. Còn những bệnh nhân chịu đánh để trừ tà bằng roi dâu dẫn tới nguy kịch tính mạng thì đây là lần đầu tiên.

Xuất viện trong vài ngày tới

Chị Nguyễn Thị Ng., người nhà bệnh nhân cho biết: Hiện tình trạng cả hai bệnh nhân đều đã khỏe. Đặc biệt, người em gái đã ăn uống bình thường, nói chuyện tỉnh táo, người chị thì đã ổn nhiều, lúc nhập viện mười phần thì nay đã ổn khoảng 7 phần, nên gia đình cũng yên tâm hơn. Những thông tin về vụ việc, chúng tôi không hỏi lại, vì chị em họ đã quá “sốc” khi phải nằm viện. Điều đáng mừng là hai chị em họ có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chiu-don-thay-tru-ta-chan-vit-chi-em-gai-nhap-vien-cap-cuu-a347721.html