Chịu 6 năm oan trái, cô giáo Đắk Lăk cầu cứu Báo Giáo dục Việt Nam

'Ai sẽ bảo vệ người lao động yếu thế khi họ dám đấu tranh với những điều sai trái?' được đặt ra nhiều lần nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Cô giáo Nguyễn Thị Tân (1973) hiện là giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Buôn Ma Thuột – 110 Nơ Trang Gưh thành phố Buôn Ma Thuột Tỉnh Đắk Lăk đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn được bảo vệ vì cô bị trù dập 6 năm tại trường bởi dám đấu tranh chống tiêu cực.

Lá đơn có đoạn viết “Tôi là một độc giả của Báo từ rất lâu và thường xuyên theo dõi các tin bài qua nhiều năm.

Đơn của cô giáo Tân Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Buôn Ma Thuột gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (cô giáo Tân cung cấp)

Đơn của cô giáo Tân Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Buôn Ma Thuột gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (cô giáo Tân cung cấp)

Nay, tôi muốn được quý Báo giúp đỡ vì 6 năm học liên tục tôi bị cắt thi đua Lao động Tiên Tiến chỉ vì nguyên nhân xuất phát từ việc điều động giáo viên sai quy trình, sai phương án của Phòng giáo dục thành phố Buôn Ma Thuột.

Từ đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng ra sức lấy cớ trù dập tôi nhiều năm nhưng ngay cả Công đoàn cơ sở và Liên đoàn Lao động thành phố cũng bao che không dám lên tiếng bảo vệ người lao động.

Bất mãn trước hệ thống giáo dục của thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 6/6/2018, tôi có làm đơn xin ra khỏi tổ chức công đoàn nhưng sau đó Liên đoàn Lao động thành phố cũng thờ ơ.

Ngày 13/9/2018, Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lăk có buổi làm việc với Trường Tiểu học Lý Tự Trọng nhưng đến nay cũng im lặng.

Giáo viên ở Đắk Lăk kêu cứu vì bị điều động một cách chưa trong sáng

Sự việc của tôi kéo dài gây bức xúc dư luận cả thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lăk nhưng không được thành phố chuyển trả tôi về Trường Phan Chu Trinh.

Năm học 2018-2019, thành phố Buôn Ma Thuột và Phòng giáo dục lại đưa giáo viên khác về mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lăk và Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã ra các quyết định oan sai và cũng đã hủy bỏ từ tháng 11/2017.

Được biết, cô giáo Nguyễn Thị Tân đã giảng dạy tại vùng khó khăn 16 năm mới chuyển về Tiểu học Phan Chu Trinh được 8 tháng lại có quyết định chuyển đi trường khác (cũng thuộc vùng khó khăn).

Cô Tân cho biết, trong quyết định thuyên chuyển của thành phố lại ghi "Chuyển từ trường thừa sang trường thiếu.

Trong phương án điều chuyển của thành phố cũng nhấn mạnh “Thực hiện việc điều chuyển giáo viên là tạo điều kiện cho giáo viên thay đổi môi trường công tác, đảm bảo cho nhà giáo thuận tiện cho cuộc sống gia đình”.

Trong đợt điều chuyển này, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh chỉ thừa 2 giáo viên nhưng lại điều chuyển đi 4 người. Trong đó, cô Tân là giáo viên vừa phục vụ từ vùng khó 16 năm mới chuyển về 8 tháng vẫn bị chuyển đi.

Sao lại áp dụng Luật hình sự cho việc xử lý vi phạm hành chính trong giáo dục?

Bất bình vì việc luân chuyển bất hợp lý, cô Tân đã có đơn kiến nghị gửi các cấp nhưng vẫn không được xem xét, giải quyết.

Đơn kêu cứu của cô đã được Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy tỉnh Đắk Lăk về làm việc và có kết luận trong thông báo số 33 ngày 13/4/2016 “Điều chuyển giáo viên đi sai phương án”.

Thế nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lăk và Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột vẫn không rút lại quyết định điều chuyển sai của mình.

Đã thế, nhiều năm nay, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã lấy lý do “khiếu kiện vượt cấp” để không xếp thi đua cho cô giáo Tân hoặc xếp loại yếu. Mặc dù bản thân cô Tân là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố hàng chục năm trời.

6 năm ròng rã khởi kiện là 6 năm cô giáo Tân phải nhận biết bao uất ức, tủi nhục từ sự trù dập của chính hiệu trưởng nhà trường, sự làm ngơ của công đoàn các cấp, sự dửng dưng vô tình của cấp có thẩm quyền.

Và câu hỏi "Ai sẽ bảo vệ người lao động yếu thế khi họ dám đấu tranh với những điều sai trái?" được đặt ra nhiều lần nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Đây không phải trường hợp duy nhất giáo viên ở thành phố Buôn Ma Thuộc kêu cứu tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vì bị thuyên chuyển sai đề án đưa ra của thành phố.

Trước đó, tòa soạn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận được đơn kêu cứu của cô giáo Hoa Anh Trường tiểu học Võ Thị Sáu thành phố Buôn Ma Thuột về việc thuyên chuyển bất hợp lý.

Dù tòa soạn đã có hàng loạt bài phản ánh về việc thuyên chuyển giáo viên bất hợp lý của thành phố Buôn Ma Thuột nhưng vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền nơi đây giải quyết thấu đáo.

Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền của thành phố Buôn Ma Thuột nhanh chóng làm rõ sự việc và trả lời cho công luận về những khiếu kiện của giáo viên để thầy cô ổn định cuộc sống và yên tâm giảng dạy.

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chiu-6-nam-oan-trai-co-giao-dak-lak-cau-cuu-bao-giao-duc-viet-nam-post195227.gd