Chip hạt gạo của Trung Quốc nhắc nỗi đau vũ khí Mỹ

Các vũ khí quân sự được Trung Quốc cung cấp linh kiện lại gây lo ngại vì sự xuất hiện của chip gián điệp hạt gạo.

Tờ Bloomberg hồi tuần trước vừa xuất bản một phóng sự điều tra về nỗ lực cài cắm phần cứng đánh cắp thông tin của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.

Khác với những lần hack qua mạng, quy mô của sự việc này nguy hiểm hơn vì con chip gián điệp được hàn trực tiếp trên những bo mạch của máy chủ.

Con chip này có kích thước nhỏ hơn cả một hạt gạo. Ảnh: Bloomberg.

Chip gián điệp được thiết kế tương tự thành phần linh kiện trên bo mạch. Rất khó để phát hiện kể cả khi dùng các thiết bị chuyên dụng. Các chip này được điều chỉnh kích thước tùy vào sản phẩm gốc, cho thấy kẻ chủ mưu đã thực hiện qua nhiều nhà máy và các lô hàng khác nhau.

Các chuyên gia sau khi điều tra bảng mạch chủ do công ty Mỹ Supermicro sản xuất, đã phát hiện ra một con chip rất nhỏ, không bằng một hạt gạo vỡ. Ngay lập tức, vụ điều tra được chuyển về cho chính phủ Mỹ.

Quá trình điều tra đã kéo dài 3 năm, và kết quả cho thấy những con chip này giúp tạo ra một cửa hậu ở bất kỳ máy tính nào sử dụng bảng mạch.

Con chip gián điệp sẽ có khả năng điều chỉnh luồng thông tin, thêm các đoạn mã hoặc thay đổi lệnh xử lý của CPU. Từ đó, con chip có thể ra lệnh cho máy chủ kết nối tới các máy tính khác trên mạng internet, từ đó điều khiển hoàn toàn cỗ máy.

Supermicro là một trong những nhà sản xuất bo mạch cho máy chủ lớn nhất thế giới. Bên cạnh các máy chủ phổ thông, hãng này còn làm bo mạch cho các hệ thống đặc biệt, từ máy MRI tới các loại vũ khí. Hầu như mọi sản phẩm của Supermicro đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Elemental, công ty sử dụng bảng mạch nói trên, là một nhà sản xuất có hợp đồng với những cơ quan quan trọng như Bộ quốc phòng Mỹ, CIA và Hải quân Mỹ.

Bloomberg dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ: “Supermicro có thể coi như là Microsoft trong ngành phần cứng. Tấn công vào bo mạch chủ của Supermicro cũng giống như tấn công Microsoft vậy. Đây là một vụ tấn công quy mô toàn cầu”.

Đây cũng là vụ tấn công phần cứng có quy mô lớn nhất của Trung Quốc mà chính quyền Mỹ phát hiện.

Theo những nhà điều tra, mục tiêu của vụ tấn công này là bí mật có giá trị của các công ty cũng như các mạng lưới nhạy cảm của chính phủ Mỹ. Các dữ liệu của người dùng phổ thông không bị ảnh hưởng.

Mỹ ngấm đòn đau từ Trung Quốc

Các chuyên gia an ninh Mỹ từ lâu cũng đã cảnh báo chuỗi cung ứng phần cứng từ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật. Việc đánh đổi an toàn để đổi lấy lợi ích về chi phí dễ dẫn đến rủi ro trong chuỗi cung ứng phần cứng.

Đặc biệt là khi Trung Quốc cũng cung cấp các linh kiện điện tử cho thiết bị kỹ thuật quân sự của các nhà thầu quốc phòng Mỹ.

Hồi tháng 1/2017, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau khi phát hiện các linh kiện do Trung Quốc chế tạo trong máy bay chiến đấu F-35, một cuộc điều tra do Lầu Năm Góc tiến hành đã phát hiện nhiều linh kiện của Trung Quốc có trong các loại vũ khí lớn khác của Mỹ, trong đó có máy bay ném bom B-1B của tập đoàn Boeing và máy bay chiến đấu F-16 của Lockheed Martin.

F-35 là chiến đấu cơ đa nhiệm thế hệ thứ 5 do nhà thầu quốc phòng nổi tiếng Lockheed Martin sản xuất

Các chuyên gia an ninh Mỹ từ lâu cũng đã cảnh báo chuỗi cung ứng phần cứng từ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật. Việc đánh đổi an toàn để đổi lấy lợi ích về chi phí dễ dẫn đến rủi ro trong chuỗi cung ứng phần cứng.

Ủy ban quân lực thượng viện Mỹ, trong cuộc điều tra kéo dài do chủ tịch Ủy ban, Thượng Nghị sĩ Dân chủ Carl Levin, và Cố Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain khởi xướng hồi năm 2012 đã phát hiện 1.800 vụ việc liên quan tới linh kiện giả; trong đó có linh kiện của các loại máy bay vận tải hạng nặng của không quân Mỹ, các trực thăng dùng trong các chiến dịch quân sự đặc biệt và máy bay do thám của hải quân.

Số hàng giả trên bao gồm các linh kiện trong các màng lọc giao thoa điện từ (EIF) chuyên sử dụng trong các thiết bị tác chiến ban đêm và vận hành các tên lửa trên trực thăng SH-60B của hải quân Mỹ.

Ngoài ra, chúng còn bị phát hiện trong các con chip của hệ thống hiển thị trên các máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C-17 Globemaster III và C-130J, các modul phát hiện băng trên máy bay P-8A Poseidon, máy bay Boeing 737 cải tiến có khả năng "săn" tàu ngầm và tàu chiến của Hải quân Mỹ.

Linh kiện giả từng bị phát hiện đã lắp trong các con chip của hệ thống hiển thị trên các máy bay vận tải quân sự như máy bay P-8A Poseidon.

Khi các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về hoạt động gián điệp và việc xây dựng sức mạnh quân đội của Trung Quốc, Lầu Năm Góc vẫn cho phép sử dụng linh kiện Trung Quốc đối với máy bay chiến đấu F-35 bao gồm một loạt linh kiện, trong đó có những bộ nam châm giá 2 USD được sử dụng trong những hệ thống radar trên 115 chiếc máy bay chiến đấu F-35.

Những nam châm được chế tạo từ kho nguyên liệu thô của Trung Quốc cũng được phép sử dụng trên các máy bay chiến đấu F-16 và máy bay ném bom B-1B.

Ngoài những vũ khí trên trang bị linh kiện Trung Quốc, theo thông tin của hãng thông tấn Sputnik, sự cố siêu hạm Zumwalt của Hải quân Mỹ chết máy vừa qua do sử dụng linh kiện và thiết bị có nguồn gốc từ Bắc Kinh.

Thông tấn Nga cho rằng, hiện chỉ có chương trình F-35 cơ bản đã giải quyết được số linh kiện kém chất lượng nói trên, trong khi đó phần lớn số vũ khí khác dùng thiết bị từ Trung Quốc hiện Mỹ vẫn chưa thể giải quyết được triệt để.

Quế Chi (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/chip-hat-gao-cua-trung-quoc-nhac-noi-dau-vu-khi-my-3366831/