Chip gắn trên thẻ căn cước công dân không được định vị

Đại diện Bộ Công an cho biết, thẻ căn cước được gắn chip sẽ chống được tình trạng làm giả, cài đặt trái phép và không được định vị.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đang đề xuất gắn chip điện tử vào thẻ căn cước công dân (CCCD) thay vì mã vạch như hiện nay.

Ngày 14/8/2020, lý giải về việc gắn chip trên thể căn cước công dân, Thiếu tướng Tô Văn Huệ - Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, đơn vị chủ trì xây dựng dự án cho biết, việc gắn chip trên thẻ căn cước công dân đã được tính tới từ năm 2014 khi luật Luật Căn cước công dân được sửa đổi.

Tuy nhiên, thời điểm đó, chi phí làm thẻ gắn chip cao, nguồn vốn ngân sách không đáp ứng được. "Chúng tôi cũng nghĩ rằng, thẻ căn cước gắn chip sẽ đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ" - ông Huệ nói.

Người dân làm thủ tục cấp đổi CCCD tại PC06, Công an TP.HCM.

Người dân làm thủ tục cấp đổi CCCD tại PC06, Công an TP.HCM.

Ông Huệ cho biết, chi phí cho dự án gắn chip lên thẻ ước tính khoảng 2.800 tỷ đồng. Thẻ căn cước gắn chip có thể đắt hơn thẻ vạch hiện nay từ 10.000 đến 20.000 đồng (Phí chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang thẻ căn cước công dân hiện nay là 15.000 đồng).

Nói về tính tiện ích của thẻ chip, ông Huệ cho biết: "Dự kiến trong tương lai, ngoài dữ liệu do ngành công an quản lý gồm khoảng 20 trường thông tin (họ tên, quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng), có thể bổ sung, tích hợp các dữ liệu của ngành thuế, hải quan, bảo hiểm, bằng lái vào thẻ gắn chip.

Đặc biệt loại thẻ này sẽ lưu trữ các đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt bằng hình ảnh, vân tay ảnh và sinh trắc học. Đó là những dữ liệu mà thẻ căn cước mã vạch không lưu được...

Đơn cử bạn cầm thẻ gắn chip đi bệnh viện, họ có thiết bị nhận biết thẻ của bạn đã tích hợp bảo hiểm y tế và bạn không cần phải xuất trình thêm giấy tờ nào khác. Tiến tới mỗi người chỉ cần một loại thẻ có thể thực hiện tất cả các giao dịch".

Ngoài ra, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội khẳng định, loại chip gắn trên căn cước công dân không định vị được. Quá trình sản xuất có đơn vị chức năng giám sát và sau này khi cấp rồi thì người dân cũng có quyền giám sát. Hơn nữa pháp luật quy định rất rõ việc này, ai làm sai sẽ bị xử lý, chế tài đã có.

"Chip điện tử được thiết kế chống làm giả và chống cài đặt trái phép. Ai đó đánh cắp căn cước công dân của bạn, tháo chip ra cũng không thể đọc được. Chỉ người sở hữu nó mới có thể sử dụng được, vì trên đó ngoài số định danh cá nhân còn lưu giữ các thông tin riêng về cá nhân như sinh trắc học, hình ảnh nhận dạng" - ông Huệ nói.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chip-gan-tren-the-can-cuoc-cong-dan-khong-duoc-dinh-vi-3416305/