Chính trường Úc rối ren

Không có thủ tướng nào hoàn thành nhiệm kỳ 3 năm trong suốt một thập kỷ qua tại Úc

Một tương lai bất định đang chờ chính phủ Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull sau khi Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, cùng 4 chính khách khác, bị tước tư cách nghị sĩ vì mang 2 quốc tịch.

Bất ổn chính trị

Tòa án Tối cao Úc hôm 27-10 phán quyết ông Joyce, Chủ tịch Đảng Dân tộc, không thể trở thành nghị sĩ vì vào thời điểm đắc cử, ông này cũng là công dân New Zealand. Cả ông Joyce và Thủ tướng Turnbull cho biết tôn trọng phán quyết của tòa án dù đây không phải là kết quả mong đợi.

Khi ông Joyce không còn là nghị sĩ, liên minh cầm quyền trung hữu của ông Turnbull mất thế đa số mong manh tại hạ viện (chỉ còn nắm 75/150 ghế), đe dọa mở ra một giai đoạn bất ổn chính trị mới tại đất nước không có thủ tướng nào hoàn thành nhiệm kỳ 3 năm trong suốt một thập kỷ qua.

Ông Turnbull, thủ lĩnh Đảng Tự do, vẫn có thể đảo ngược tình thế nếu ông Joyce chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 2-12 sắp tới. Theo Reuters, sau khi từ bỏ quốc tịch New Zealand hồi tháng 8, ông Joyce khẳng định sẽ tái tranh cử vào hạ viện. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Joyce có cơ hội giành chiến thắng cao.

Từ giờ đến đó, chiếc ghế ông Turnbull xem ra vẫn còn khá chắc chắn. Ít nhất 3 nghị sĩ độc lập nói sẽ ủng hộ thủ tướng Úc nếu phe đối lập tìm kiếm cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong nỗ lực trấn an dư luận, ông Turnbull nhấn mạnh hoạt động của chính phủ ông vẫn diễn ra bình thường.

Dù vậy, tình trạng rối ren nói trên có thể đe dọa nỗ lực thúc đẩy thông qua các dự luật quan trọng tại quốc hội của chính quyền ông Turnbull. Bà Jill Sheppard, chuyên gia phân tích chính trị tại Trường ĐHQG Úc ở thủ đô Canberra, cho rằng vụ việc khó có thể khiến chính phủ hiện nay sụp đổ nhưng cũng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Barnaby Joyce (ngồi sau) và Thủ tướng Malcolm Turnbull tại một cuộc họp ở Hạ viện hôm 24-10 Ảnh: REUTERS

Luật lệ lỗi thời?

Bất ổn chính trị có thể kéo dài trong trường hợp ông Joyce thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới. Khi đó, Thủ tướng Turnbull sẽ phải xoay xở với một chính phủ thiểu số và cần sự hậu thuẫn của một số nghị sĩ độc lập hoặc thuộc đảng nhỏ để bảo đảm nguồn cung ngân sách và lòng tin trong chính phủ.

Từ nay cho đến khi bầu cử diễn ra, chính phủ ông Turnbull khó có thể tránh được làn sóng công kích liên tục từ Công đảng đối lập đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận. Không có thành viên Công đảng nào dính đến vụ bê bối "song tịch" nói trên.

Thủ lĩnh đảng này, ông Bill Shorten, khẳng định đảng của ông đã kiểm tra kỹ tất cả ứng viên để bảo đảm họ từ bỏ quốc tịch nước khác trước khi đề cử họ. Ở chiều ngược lại, sức ép lên ông Turnbull gia tăng kể từ khi ông từ chối buộc ông Joyce từ chức trong lúc vụ việc được Tòa án Tối cao xem xét.

Ngoài ông Joyce, 4 chính khách mang 2 quốc tịch khác - gồm Fiona Nash, Malcolm Roberts, Larissa Waters và Scott Ludlam - cũng bị tước tư cách thượng nghị sĩ bất chấp họ khẳng định bản thân không hề biết mình mang 2 quốc tịch vào thời điểm nhậm chức. Số chính khách này bị cho là vi hiến bởi điều 44 của Hiến pháp Úc cấm công dân mang hai quốc tịch tham gia quốc hội nước này. Hai thượng nghị sĩ khác là Matt Canavan và Nick Xenophon cũng bị vướng vào cuộc khủng hoảng song tịch nhưng cuối cùng được kết luận là đủ tư cách.

Cuộc khủng hoảng song tịch nổ ra từ tháng 7, buộc hàng chục chính trị gia Úc công khai quốc tịch của mình, gây rúng động nước Úc và làm dấy lên thắc mắc rằng liệu đạo luật 117 năm này có còn phù hợp. Theo trang Bloomberg, gần 1/2 người Úc được sinh tại quốc gia khác hoặc có cha/mẹ là người nước ngoài.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-truong-uc-roi-ren-20171027211428376.htm