Chính trường thế giới có 'mềm' hơn khi xuất hiện hàng loạt các bóng hồng quyền lực?

Nối gót 'bà đầm thép' Angela Merkel đang là thủ tướng của nước Đức, rất nhiều những bóng hồng khác vừa bước lên vũ đài chính trị tại nhiều quốc gia, và tới đây trong đợt bầu cử của Nga, thêm một bóng hồng nữa tuyên bố sẽ ra tranh cử.

Từ "bà đầm thép" của nước Đức làm thủ tướng 4 nhiệm kỳ...

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thắng nhiệm kỳ 4 trong cuộc tổng tuyển cử hồi giữa năm nay, nhưng chiến thắng bị phủ bóng đen khi đảng cực hữu lần đầu vào quốc hội.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được ví như "nữ hoàng khắc khổ" của châu Âu, được những người tị nạn ca ngợi là vị cứu tinh và được đánh giá là "nhà lãnh đạo mới của thế giới tự do". Thế nhưng, nhiều người Đức chỉ đơn thuần gọi bà là "Thủ tướng bất diệt"... Nữ lãnh đạo này, vốn xuất thân là con của một mục sư và được nuôi dậy trong thời kỳ "Bức màn sắt" (The Iron Curtain, biên giới mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến cuối Chiến tranh lạnh) đang tiến đến khả năng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Bà Merkel, với phong cách thực chất, khiêm tốn, và ôn tồn, đã hoàn thiện nghệ thuật duy trì quyền lực ở một đất nước giàu có với dân số già, vốn có xu hướng luôn thích sự thay đổi. Trong thời kỳ thế giới trải qua nhiều bất ổn với việc nước Mỹ do ông Donald Trump lãnh đạo, vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU), cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, nữ lãnh đạo 63 tuổi này đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho một đất nước dành nhiều quan tâm về vấn đề duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng tạo công ăn việc làm mong muốn cho người dân. Người dân Đức thường gọi bà với cái tên thân mật “Mutti”, có nghĩa là Mẹ.

Người Đức đã cảm ơn bà bằng cách để bà tại nhiệm kể từ khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên và trẻ nhất nước Đức hồi năm 2005, một lãnh đạo từng cùng thời với những lãnh đạo đã mãn nhiệm từ lâu như George W. Bush (Mỹ), Tony Blair (Anh) và Jacques Chirac (Pháp).

Với chiến thắng này, bà Merkel giành kỷ lục tương đương Helmut Kohl, là thủ tướng lâu năm nhất ở Đức trong lịch sử thời hậu chiến. Sau các kết quả bầu cử gây sốc hồi năm ngoái, từ việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit) tới việc Donald Trump được bầu làm tổng thống, nhiều người nhìn vào bà Merkel để khôi phục một trật tự phương Tây tự do đã bị sứt mẻ, giao cho bà nhiệm vụ lãnh đạo châu Âu hậu Brexit. Bà hiện sẽ phải lãnh đạo một chính phủ liên minh, một quá trình có thể kéo dài nhiều tháng, khi các đối tác tiềm năng không chắc liệu họ thực sự muốn chia sẻ quyền lực với bà hay không.

...đến hàng loạt các nguyên thủ nữ trên thế giới

Bà Jacinda Ardern đã chính thức nhậm chức Thủ tướng New Zealand và trở thành nữ nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới thời điểm hiện tại khi mới 37 tuổi. Ngày 26/10, bà Ardern đã chính thức tuyên thệ trở thành Thủ tướng New Zealand. Bà cam kết sẽ xây dựng một chính phủ “năng động, tập trung, mạnh mẽ, đồng cảm”. Ở tuổi 37, bà là thủ tướng trẻ nhất New Zealand trong 150 năm trở lại đây và cũng là nữ nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới, theo Telegraph.

Bà cũng là một trong số ít các chính trị gia trên thế giới công khai chia sẻ về tình trạng sức khỏe tinh thần, cuộc đấu tranh cá nhân của bà với chứng lo lắng. Bà cũng đồng thời là người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền và các vấn đề liên quan tới cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT). Hình ảnh trong mắt công chúng của bà Ardern là một nữ lãnh đạo đầy vẻ lôi cuốn, thoải mái. Bà thậm chí còn tạo nên một hiện tượng tại New Zealand gọi là “Jacindamania”, tạm gọi là “những người phát cuồng vì Jacinda”. Chính sự trẻ trung và cuốn hút đã giúp đảng bà lãnh đạo giành được nhiều sự ủng hộ từ người dân.

Bà được mô tả là một phụ nữ thích sự thử thách. Bắt đầu sự nghiệp với vị trí nhà nghiên cứu cho cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, sau đó bà chuyển sang làm trợ lý chính sách cho cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Vào năm 2008, bà bắt đầu tham gia vào chính trường với vị trí nghị sĩ quốc hội. Sau gần 10 năm, bà trở thành lãnh đạo đảng Lao động rồi đạt tới vị trí quyền lực nhất New Zealand.

Tại cộng hòa San Marino, người phụ nữ tên Vanessa D'Ambrosio mới 28 tuổi, là một trong những nguyên thủ quốc gia trẻ nhất trên thế giới. Cô đang giữ vai trò lãnh đạo cộng hòa San Marino (một tiểu quốc gia ở miền núi châu Âu, nằm trọn trong lãnh thổ Italy).

D'Ambrosio dẫn dắt quốc gia này trong nhiệm kỳ dài 6 tháng cùng người đồng thủ lĩnh là Mimma Zavoli cho đến tháng 10 tới. Theo Business Insider.

Nước Nga liệu sẽ có một nữ tổng thống?

Cuộc đua cho vị trí quyền lực nhất nước Nga năm 2018 đang nóng dần lên khi có thêm một phụ nữ tuyên bố ý định tham gia chiến dịch tranh cử trở thành tổng thống Nga. Nữ nhà báo kiêm nhà hoạt động vì nhân quyền Yekaterina Gordon hôm nay 30/10 tuyên bố bà dự định ra tranh cử vị trí tổng thống Nga.

Bà Yekaterina Gordon (Ảnh: Sputnik)

“Tôi đã quyết định thực hiện quyền hợp pháp của bản thân và sẽ chạy đua tranh cử tổng thống Nga nhiệm kỳ tới”, bà Gordon phát biểu trong một đoạn video được đăng tải trên trang web cá nhân.

Kế hoạch tranh cử của bà Gordon sẽ tập trung vào các chủ đề liên quan tới bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, những hoạt động mà bà đã và đang thực hiện trong một vài năm nay. “Tôi chưa bao giờ tranh cử và bây giờ tôi muốn sử dụng quyền lợi của mình và trở thành tiếng nói của những người phụ nữ chưa nhận được quyền lợi xứng đáng với họ”, bà chia sẻ.

Vào đầu tháng 10, nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình Ksenia Sobchak tuyên bố sẽ tham gia tranh cử Tổng thống. Bà tự gọi mình là ứng viên “chống tại tất cả”, vận động mọi người hãy bỏ phiếu cho bà thay vì tẩy chay cuộc bầu cử vì không ủng hộ cho bất cứ ứng viên nào. Cuộc bầu cử tổng thống Nga nhiệm kỳ tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 3/2018, trong khi các chiến dịch tranh cử sẽ bắt đầu được khởi động vào tháng 12.

Tiêu Dao (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/chinh-truong-the-gioi-co-mem-hon-khi-xuat-hien-hang-loat-cac-bong-hong-quyen-luc-248174/