Chính trường Thái Lan: Nguy cơ sắc lệnh khẩn cấp phản tác dụng

Hôm 17-10, hàng chục nghìn người dân vẫn tham gia các cuộc biểu tình liên tiếp trên đường phố, bất chấp các biện pháp trấn áp mạnh tay của chính phủ từ trước đó một ngày. Cảnh sát đã dùng vòi rồng và hóa chất gây kích ứng da để giải tán đám đông biểu tình kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha từ chức.

Các cuộc biểu tình phản đối thủ tướng đã diễn ra từ tháng 3 năm nay sau khi một chính đảng dân chủ được nhiều người ủng hộ bị giải tán, song trong tuần qua, mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn với số người tham gia lên tới hàng chục nghìn người.

Chính phủ đáp trả bằng việc ban bố sắc lệnh khẩn cấp hôm 15-10, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và cho phép cảnh sát dựng rào chắn ngăn người biểu tình tại một số khu vực của thủ đô Bangkok, cùng với các biện pháp mới như tăng cường bắt giữ, trong đó có việc một luật sư nhân quyền và một số nhà hoạt động sinh viên bị câu lưu.

Tư lệnh Quân đội Narongphan Jitkaewtae mới đây thậm chí đã phải lên tiếng phủ nhận thông tin lan truyền trên truyền thông rằng quân đội đã thâu tóm cơ quan lập pháp. Một nhóm chat có tên “Move Forward Party FC” (CLB Đảng Tiến lên) trên Line đưa tin rằng, khoảng 500 binh sỹ đã chiếm đóng tòa nhà Quốc hội và dự kiến áp dụng lệnh giới nghiêm vào buổi tối.

Những người biểu tình đã đưa ra 3 yêu sách từ tháng 7-2020, cụ thể là “giải tán cơ quan lập pháp, chấm dứt việc trấn áp những người chỉ trích chính phủ và sửa đổi bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo”, và gần đây là thêm những thay đổi liên quan tới hoàng gia, dù các mục tiêu ban đầu vẫn là ưu tiên chính.

Người biểu tình phản đối chính phủ tại Bankok hôm 17-10. Ảnh tư liệu

Người biểu tình phản đối chính phủ tại Bankok hôm 17-10. Ảnh tư liệu

Ngày 16-10, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố ông không có ý định từ chức và khuyến cáo người dân không nên tiếp tục phản kháng. Trao đổi với báo giới sau phiên họp khẩn của nội các Thái Lan, ông tuyên bố: “Luật khẩn cấp sẽ được sử dụng trong 30 ngày, hoặc ít hơn, nếu tình hình cải thiện.” Những người biểu tình đòi lật đổ Thủ tướng Prayuth, người đã lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, và cho rằng chính ông đã đạo diễn cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục duy trì quyền lực.

Theo nhà bình luận Richard Bernstein, người dân Thái Lan vốn tránh những bình luận dễ bị xem là chỉ trích gia đình hoàng gia, hiện do Vua Maha Vajiralongkorn đứng đầu, do điều luật cấm “giảm uy tín, xúc phạm hoặc đe dọa” bất kỳ thành viên hoàng gia nào.

Tuy nhiên, mọi chuyện đang thay đổi. Lấy ví dụ, hồi tháng 8 vừa qua, một thủ lĩnh của phong trào biểu tình sinh viên đã có bài phát biểu chỉ trích chính phủ “biến người dân thành kẻ ngốc bởi tuyên bố rằng, những người sinh ra trong gia đình hoàng gia là hiện thân của bề trên và thiên thần… Liệu có ai dám chắc những thiên thần hay bề trên lại có nhân phẩm như vậy hay không?”.

Tạp chí The Economist bình luận, Vua Maha Vajiralongkorn, người kế vị cách đây 4 năm, chủ yếu điều hành hoàng tộc từ châu Âu, nhưng lại đặc biệt ngông cuồng và “liên tục lợi dụng quyền lực.” Sự ủng hộ của nhà Vua với Thủ tướng Chan-o-cha đã khiến giới chỉ trích hết sức thất vọng, và việc ông sử dụng của cải hoàng gia cũng như quân đội đã khiến một số người biểu tình gọi đó là “những giới hạn mới của quyền lực quân chủ”.

Các vụ bắt giữ liên quan đến việc vi phạm luật về hoàng gia vẫn không ngừng tiếp diễn. Thực tế phần lớn các cuộc biểu tình trong tuần qua đều ôn hòa. Sự cố cụ thể duy nhất được chính quyền viện dẫn để áp đặt các biện pháp khẩn cấp là vụ người biểu tình la ó phản đối đoàn xe của Hoàng hậu Suthida chạy ngang qua.

Chính phủ Thái Lan sau đó cho rằng các cuộc biểu tình phương hại tới nền kinh tế và an ninh quốc gia và đó mới là lý do để ban hành sắc lệnh khẩn cấp. Ngày 16-10, cảnh sát Thái Lan cho biết 2 người đàn ông sẽ bị truy tố về tội âm mưu gây bạo động chống lại Hoàng hậu Suthida, một tội danh có thể đi kèm với án tù chung thân hoặc thậm chí là bản án tử hình.

Tiến sỹ Chaiyan Chaiyaporn, làm việc tại ĐH Chulalongkorn cho rằng, Quốc hội Thái Lan có thể đóng vai trò nhất định trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay và điều này hoàn toàn hợp hiến.

Theo ông, nếu chính phủ nhạy bén, việc cơ quan lập pháp nhanh chóng triệu tập phiên họp đột xuất để thảo luận về xung đột chính trị là hoàn toàn khả thi. Nhà nghiên cứu chính trị này cũng viện dẫn trường hợp chính phủ của nhà Shinawatra từng giải tán Hạ viện thay vì chỉ tổ chức một cuộc họp để tìm cách hóa giải xung đột chính trị.

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hối thúc nhà lãnh đạo Thái Lan từ chức và mở đường cho việc sửa đổi Hiến pháp như mong muốn của những người biểu tình chống chính phủ. Bà nói rằng, khi đối diện với làn sóng biểu tình đường phố, chính phủ của bà đã lựa chọn cách giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm để người dân tự quyết định.

Bà viết: “Cuộc biểu tình hiện nay khiến tôi nhớ lại những đòi hỏi mà chính lực lượng đang cầm quyền từng tuyên bố. Tôi hy vọng họ vẫn nhớ và nhanh chóng đưa ra quyết định để hòa bình và trật tự sớm được khôi phục, để đất nước tiếp tục tiến về phía trước.”

Theo ông Chaiyan, nếu không thể khôi phục trật tự và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, sắc lệnh khẩn cấp mà chính phủ của Thủ tướng Chan-o-cha ban hành để đối phó với người biểu tình sẽ phản tác dụng.

Ông cho rằng việc người biểu tình tụ tập tại nhiều địa điểm quan trọng như các trung tâm thương mại có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội, tương tự những gì từng diễn ra tại Hong Kong gần đây, trong khi áp lực đối với chính phủ ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Piti Srisangnam kêu gọi chính phủ trả tự do cho những thủ lĩnh biểu tình và cho rằng một cuộc biểu tình không có thủ lĩnh rất dễ mất kiểm soát và những hoạt động này cần người lãnh đạo, vì sự an toàn của tất cả.

Ông chỉ trích việc chính phủ quá vội vã trấn áp người biểu tình, dù các quy trình đều được thực hiện theo đúng luật. Nhà kinh tế này cũng cảnh báo người biểu tình hạn chế bạo lực và cần cảnh giác với những đối tượng có động cơ ngầm tìm cách lợi dụng người biểu tình vì mục đích cá nhân.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chinh-truong-thai-lan-nguy-co-sac-lenh-khan-cap-phan-tac-dung-214136.html