Chính trường Philippines nổi sóng vì Biển Đông

Phe đối lập và cánh tả ở Philippines đang chỉ trích chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte vì sự nhân nhượng với Trung Quốc trên Biển Đông.

Quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã thay đổi sau khi ông Duterte lên thay người tiền nhiệm Benigno Aquino.

Tăng cường quân sự hóa trái phép

Trái với quan điểm cứng rắn của ông Benigno Aquino, Tổng thống Rodrigo Duterte nghiêng về chiến lược duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh. Ông Duterte từng nhiều lần lên tiếng ca ngợi Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình, như lần gần đây vào đầu tháng 4/2018 trước khi lên đường dự Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, ông Duterte cần Trung Quốc “hơn bất cứ ai”, đồng thời khẳng định tình cảm yêu mến đối với ông Tập.

Tổng thống Rodrigo Duterte (trái) luôn khẳng định tình cảm yêu mến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Rodrigo Duterte đã công du Bắc Kinh, nơi ông có cuộc làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình và nhận được những cam kết hỗ trợ từ Trung Quốc, đặc biệt về mặt tài chính. Trong khi cả thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Duterte đã hạ thấp mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt ở giai đoạn cựu Tổng thống Barack Obama còn cầm quyền. Cộng đồng quốc tế từng “sốc”, 71 tuổi khi nhậm chức, đã sử dụng từ “con hoang” để gọi ông Obama.

Trong khi quan hệ với Manila thay đổi, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động bao chiếm bất hợp pháp trên Biển Đông. Theo Philstar từ năm 2014 đến nay, Bắc Kinh đã tiến hành cải tạo, bồi đắp các đảo nhân tạo tại đây, trong đó gồm việc thiết lập các căn cứ có thể đặt tên lửa, chứa tiêm kích và máy bay cỡ lớn. Một số đảo nhân tạo của Trung Quốc hiện có đường băng đủ khả năng để máy bay ném bom H-6 đỗ, cất cánh. Mới nhất vào trung tuần tháng 5, không quân Trung Quốc đã cử máy bay H-6K diễn tập cất cánh và hạ cánh ở Biển Đông, với mục đích được Bắc Kinh tuyên bố là “cải thiện khả năng vươn ra mọi vùng lãnh thổ, thực hiện các cuộc tấn công vào bất kỳ lúc nào, và nhắm tới bất cứ hướng nào”.

Theo Reuters, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Hải quân Mỹ vừa qua đã cử hai tàu chiến vào khu vực Biển Đông để tuần tra, với thông báo “thực thi quyền tự do hàng hải” trong khu vực. Đây là cách Washington bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Chia rẽ trong nội bộ

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm qua đưa tin, hồi đầu tuần này Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã tuyên bố, Manila đã thông báo với Trung Quốc về “lằn ranh đỏ”, hay các hành động Philippines không chấp nhận ở Biển Đông, bao gồm hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough. Theo ông Cayetano, trong các vấn đề đôi bên trao đổi với nhau có khai thác dầu và khí đốt ở vùng tranh chấp, trong đó Manila coi việc Trung Quốc đơn phương khai thác khí tự nhiên ở Biển Đông là không thể chấp nhận.

“Tổng thống đã tuyên bố rằng bất kỳ ai lấy các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển Tây Philippines, ông ấy sẽ tuyên bố chiến tranh”-Ngoại trưởng Cayetano cho biết.

Giới quan sát dù vậy cho rằng, đây chỉ là động thái trấn an phe đối lập của chính quyền ông Duterte, trước những chỉ trích cho rằng Philippines đang để mất chủ quyền lãnh thổ vào tay Trung Quốc. Thêm vào đấy, phe cánh tả cũng cáo buộc chính quyền không yêu cầu Trung Quốc thực hiện các phán quyết do Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra hồi năm 2016. Philstar cho biết, ông Cayetano thậm chí đã “thách” bất kỳ ai chứng minh được Philippines mất lãnh thổ ở Biển Đông. “Tôi thách bất kỳ ai. Dù là giáo sư, quan tòa, chính trị gia hay nhà báo. Nếu chúng ta mất một đảo nào dưới thời ngài Duterte, tôi sẽ đóng gói đồ, về nhà và không đảm nhiệm bất kỳ vị trí nào trong chính quyền, dù được bầu hay bổ nhiệm”-ông Cayetano cho biết.

Thực tế, có rất ít khả năng Philippines có những động thái cứng rắn với Trung Quốc. Hồi giữa tháng 10/2016, Trung Quốc đã cam kết viện trợ và đầu tư 24 tỉ USD vào Philippines. Chỉ riêng góc độ kinh tế, Philippines đang trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

AN QUỐC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chinh-truong-philippines-noi-song-vi-bien-dong-post219481.html