Chính trường nước Anh rối bời vì Brexit

Ngày 9/9, Chính phủ Anh đã chính thức tạm ngừng hoạt động của Quốc hội nước này trong 5 tuần. Các nghị sĩ sẽ quay trở lại Quốc hội vào ngày 14/10 tới, tức là chỉ 2 tuần trước hạn chót (ngày 31/10) Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU)- Brexit. Điều này đồng nghĩa với việc áp lực ngày một gia tăng lên Thủ tướng Boris Johnson.

Thủ tướng Boris Johnson “chịu trận” tại phiên họp của Nghị viện Anh, ngày 4/9. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Boris Johnson “chịu trận” tại phiên họp của Nghị viện Anh, ngày 4/9. Ảnh: Reuters.

“Ông Boris Johnson đã bị trói tay”

Cũng trong ngày 9/9, các nghị sĩ trong Quốc hội Anh đã bỏ phiếu chống lại lời kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 tới của Thủ tướng Boris Johnson. Vị Thủ tướng đương nhiệm chỉ nhận được 293/650 phiếu ủng hộ, chưa đạt mức 2/3 số phiếu cần thiết để đề xuất của ông được Quốc hội thông qua. Đây là lần thứ hai Quốc hội nước này bác bỏ đề xuất bầu cử sớm của ông Johnson, lần đầu vào 4/9. Theo đúng kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Anh sẽ diễn ra vào năm 2022.

Trong một diễn biến khác được cho là “khó hiểu” trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố sẽ từ chức sau một thập kỷ đảm nhiệm vị trí này. Ông Bercow nói trước Quốc hội rằng, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ tiến hành tổng tuyển cử sớm thì ông sẽ từ chức trước khi diễn ra chiến dịch vận động tranh cử. Ngược lại, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu phản đối thì ông vẫn sẽ từ chức vào ngày 31/10. Hành động của Chủ tịch Hạ viện được cho là “một đòn đánh bồi nhắm vào Thủ tướng”.

Ý chí của đa số nghị sĩ chống lại kế hoạch Brexit của ông Johnson đã được thể hiện qua lá phiếu, cho dù trước đó ít phút trong phát biểu của mình tại Quốc hội, ông Johnson vẫn cố gắng thuyết phục rằng tổ chức bầu cử trước thời hạn là cách duy nhất để giải quyết thế bế tắc trong tiến trình Brexit của Anh hiện nay. Đại diện các đảng đối lập tuyên bố, họ sẽ không ủng hộ tiến hành bầu cử sớm cho đến khi Thủ tướng Anh trì hoãn hạn chót Brexit để bảo đảm rằng nước này sẽ không rời EU (ngày 31/10) mà không có thỏa thuận đi kèm. Sau kết quả bỏ phiếu, Quốc hội đã lập tức yêu cầu Chính phủ phải kéo dài thời hạn Brexit nếu London và Brussels (nơi đặt trụ sở EU) không đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới.

Chưa hết, cũng trong ngày 9/9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Johnson thực hiện kế hoạch “Brexit cứng” vào ngày 31/10. Luật này sẽ buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại khối trong 3 tháng (tức là đến ngày 31/1/2020), trong trường hợp nếu vào ngày 19/10 tới, Quốc hội Anh không thông qua được một thỏa thuận Brexit, hoặc không đồng ý rời EU mà không có thỏa thuận. “Ông Boris Johnson đã bị trói tay”- một bình luận ngắn của AP.

Nếu như trước kia, đường phố chính là nơi cho thấy sự rối bời của người Anh trước việc đi hay ở lại EU, thì nay sự rối bời đó chuyển vào nghị trường.

Kịch bản nào cho Brexit?

Câu hỏi treo lơ lửng trong thế bế tắc giữa Chính phủ và Quốc hội. Mấu chốt của vấn đề là nước Anh rời khỏi EU với những thỏa thuận gì, hay là “tôi thà chết còn hơn phải đề nghị EU hoãn Brexit bất cần thỏa thuận”- theo cách nói của ông Johnson. Nhưng Quốc hội Anh đã không nhượng bộ. “Vấn đề là Brexit không phải chỉ riêng của người Anh mà còn liên quan đến ít nhất là 28 nước trong EU và phần còn lại của thế giới”- nói như ông Ian Blackford, một quan chức cấp cao đảng Độc lập Scotland.

Ông Johnson được cho là đã “đặt cược số phận” với những bước đi quá mạo hiểm ít nhất là trong 2 vấn đề. Thứ nhất: Kiên quyết thực hiện “Brexits cứng” vào ngày 31/10, kể cả không đạt được thỏa thuận gì với EU. Thứ hai: Bầu cử Quốc hội sớm để tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội mới, thay vì “sự chống trả quyết liệt” của Quốc hội hiện thời. Đáng tiếc là “cả hai con bài chốt chặn” của ông Johnson đều đã bị vô hiệu hóa - từ phía Quốc hội lẫn Nữ hoàng.

Chính trường nước Anh đang trải qua thời điểm biến động lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nghị viện Anh trong hơn 3 năm qua đã bỏ phiếu chống lại tất cả: Chống lại thỏa thuận Brexit của bà Theresa May (cựu Thủ tướng); đồng thời chống lại Brexit không thỏa thuận, chống lại mọi kịch bản thay thế, và chống lại cả việc bầu cử sớm của ông Boris Johnson (Thủ tướng đương nhiệm).

Thế Tuấn (theo AP Reuters)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/chinh-truong-nuoc-anh-roi-boi-vi-brexit-tintuc446989