Chính trường Malaysia biến động, ai sẽ thay thế ông Mahathir?

Chính trường Malaysia có nhiều biến động sau khi Thủ tướng Mahathir đệ đơn từ chức giữa lúc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới đang diễn ra.

Ông Mahathir cũng từ chức Chủ tịch đảng Bersatu - đảng do ông Mahathir sáng lập và lãnh đạo. Động thái này của ông Mahathir đã phá vỡ liên minh cầm quyền với người từng được coi là đối thủ của ông, Anwar Ibrahim, 72 tuổi. Reuters đưa tin, Đảng Bersatu của Thủ tướng Mahathir Mohamad hiện đang thảo luận với một số đảng khác về việc thành lập chính phủ mới và loại trừ cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim thuộc đảng Công lý Nhân dân (PKR). Bersatu và PKR đều thuộc Liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan, PH) cầm quyền.

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã gửi đơn xin từ chức cho quốc vương. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Mahathir Mohamad đã gửi đơn xin từ chức cho quốc vương. Ảnh: Reuters.

Trước đó hôm qua (24/2), các thành viên của đảng Besatu tuyên bố sẽ từ bỏ liên minh Hy vọng, trong một động thái ủng hộ Thủ tướng. “Tất cả các thành viên của đảng này tại Hạ viện cũng ra khỏi liên minh Hy vọng. Họ đã ký vào lời thề tiếp tục tin tưởng và ủng hộ ông Mahathir tiếp tục làm Thủ tướng của Malaysia”, tuyên bố từ Chủ tịch đảng Bersatu, ông Muhyiddin Yassin cho biết. Cùng ngày, phát biểu tại trụ sở đảng PKR, ông Anwar Ibrahim cáo buộc các đối tác trong liên minh của ông “phản bội” mình.

Quan hệ phức tạp chi phối nền chính trị Malaysia

Mối quan hệ phức tạp giữa ông Anwar và Mahathir, từ bạn đến đối thủ rồi đồng minh, đã chi phối diện mạo chính trị Malaysia trong hơn 3 thập niên qua. Ông Mahathir, nhà lãnh đạo cao tuổi nhất trên thế giới đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 5/2018, chấm dứt 6 thập kỷ nắm quyền của liên minh Barisan Nasional do cựu Thủ tướng Najib Razak dẫn đầu.

Lần thứ 2 làm Thủ tướng (trước đây ông Mahathir từng giữ chức vụ này từ năm 1981 đến 2003), ông Mahathir được ghi nhận đã giúp Malaysia trở thành một quốc gia phát triển về thương mại và kinh tế ở Đông Nam Á. Sau khi đánh bại Thủ tướng Najib – người mà ông cáo buộc là “độc tài và tham nhũng”, ông Mahathir từng hứa sẽ trao quyền cho ông Anwar.

Ông Anwar Ibrahim, nhà lãnh đạo được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: Reuters.

Khi ông Mahathir làm Thủ tướng vào thập niên 1990, ông Anwar giữ vị trí Phó Thủ tướng và được xem là người kế nhiệm ông Mahathir. Tuy nhiên đến năm 1998, ông Anwar bị cáo buộc tham nhũng và bị sa thải. Ông đã phải ngồi tù 6 năm sau khi bị kết tội tham nhũng vào năm 1999 và tội quan hệ tình dục bất chính vào năm 2000.

Sau đó, tòa án cao nhất của Malaysia đã lật lại bản án về tội danh quan hệ tình dục bất chính và quyết định thả ông vào năm 2004. Tuy nhiên, bản án tham nhũng vẫn không được gỡ bỏ, điều này đã ngăn cản ông chạy đua vào các chức vụ chính trị. Đến năm 2008, khi lệnh cấm tham gia chính trị của ông được dỡ bỏ, Anwar lại bị cáo buộc tội quan hệ tình dục bất chính, bị kết án và ngồi tù vào năm 2015. Ông và những người ủng hộ xem cáo buộc này là ý đồ mang động cơ chính trị. Tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Najib đã bác bỏ cáo buộc này.

Năm 2018, Mahathir và Anwar đã gác lại sự cạnh tranh lâu dài của họ để cùng nhau đánh bại Thủ tướng Najib và đảng UMNO của ông – chính đảng lớn trong liên minh cầm quyền Barisan Nasional.

Sau khi ông Mahathir thắng cử, ông Anwar đã nhận được sự ân xá của Hoàng gia Malaysia và điều này cho phép ông tham gia hoạt động chính trị một lần nữa. Trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN năm 2018, vợ của ông Anwar, bà Wan Azizah Wan Ismail cho biết: “Chúng tôi đã từng là những người bạn tốt, sau đó chúng tôi là đối thủ và bây giờ chúng tôi lại tiếp tục cùng nhau xây dựng đất nước Malaysia. Đó là điều quan trọng. Không còn sự thù địch. Chúng tôi muốn hướng tới tương lai”.

Ai sẽ là Thủ tướng tiếp theo?

Ông Amrita Malhi, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia nhận định, việc từ chức của Thủ tướng Mahathir "có thể là một động thái chiến thuật" với "không có kết quả chắc chắn”. “Những gì diễn ra hôm nay là kết quả của cuộc đấu trí căng thẳng suốt thời gian qua, sự đối đầu đã nảy sinh và phát triển trong liên minh Pakatan Harapan kể từ khi nó được thành lập. Cả hai đảng cùng các liên minh – nền tảng chính trị đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, giờ đang bị rạn nứt, và mỗi đảng phái sẽ phải chuẩn bị cho bất cứ kịch bản hay tình huống nào phát sinh trong các cuộc đàm phán đang diễn ra”.

Trong bối cảnh chính trường Malaysia đang có nhiều biến động khi các đảng phái cạnh tranh quyền lực sau quyết định từ chức của ông Mahathir, giới phân tích cho rằng, ông Anwar Ibrahim, vợ của ông này là bà Wan Azizah Wan Ismail – hiện giữ chức Phó Thủ tướng và ngay cả ông Mahathir vẫn được xem là những ứng cử viên tiềm năng nhất.

Tuy nhiên, điều này vẫn rất khó nói bởi chưa có ai nhận được đa số phiếu ủng hộ tại Hạ viện, ông Mahathir vẫn chưa tiết lộ bất cứ điều gì về Thủ tướng kế nhiệm và cũng không loại trừ khả năng ông có thể rút lại đơn từ chức.

Quốc vương Malaysia đã chỉ định ông Mahathir là Thủ tướng lâm thời cho đến khi nội các mới được thành lập. Cho đến nay, ông vẫn là người có ảnh hưởng đáng kể đối với đảng cầm quyền và các đảng phái đối lập.

Ứng viên hàng đầu có thể thay thế ông là Anwar Ibrahim – người mà ông Mahathir hứa sẽ trao quyền sau khi tổ chức xong Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2020. Tuy nhiên sự sắp đặt này đã gây ra biến động về chính trị, vì phần lớn thành viên trong hạ viện được cho là đều ủng hộ ông Mahathir thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 5 năm.

Ông Anwar là một nhà cải cách nổi tiếng trong và ngoài Malaysia. Ông lãnh đạo đảng Công lý Nhân dân, vốn chiếm 39 trên tổng số 222 ghế tại Hạ viện. Dù có nhiều rạn nứt trong quan hệ với Mahathir nhưng trước khi nhà lãnh đạo này từ chức ông Anwar đã nói với báo chí rằng, ông đã gặp Thủ tướng Mahathir, khẳng định quan hệ tố đẹp giữa hai người và coi trọng quan hệ này hơn mong muốn kế nhiệm của ông.

Phó Thủ tướng Wan Azizah Wan Ismail, vợ của ông Anwar cũng là một ứng viên đầy tiềm năng. Nếu thắng cử, bà sẽ là nữ Thủ tướng đầu tiên của Malaysia.

Ngoài việc giành được sự tin tưởng của ông Mahathir, bà Wan Azizah còn được cho là người có tính cách nồng hậu và có rất ít đối thủ chính trị. Điều này sẽ giúp bà trở thành một lựa chọn hàng đầu cho việc xây dựng một liên minh cầm quyền mới nếu việc này trở nên cần thiết.

Vì ông Mahathir từ chức Chủ tịch đảng Bersatu nên lãnh đạo hiện tại của đảng này là ông Muhyiddin Yassin cũng có thể trở thành Thủ tướng tiếp theo nếu thành công trong việc thành lập liên minh mới.

Hiện tại, không ai trong số các ứng cử viên nói trên nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Bằng việc từ chức mà không chỉ định người kế vị, ông Mahathir được cho là đang gia tăng ảnh hưởng đối với nền chính trị Malaysia./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN, Asia Nikkei Review

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chinh-truong-malaysia-bien-dong-ai-se-thay-the-ong-mahathir-1014447.vov