Chính trường Israel: Ngai vàng của Netanyahu

Bất chấp những cáo buộc về tham nhũng và lạm quyền trong suốt hai năm qua, có vẻ như một lần nữa Thủ tướng Netanyahu lại vượt qua được sóng gió. Ngai vàng của 'Vua Bibi' vẫn khó có thể bị xâm phạm.

Ông Netanyahu bị truy tố, chính trường Israel hỗn loạn

Triều đại của “Vua Bibi”

Cho đến ngày 20-7 vừa qua, Benjamin "Bibi" Netanyahu đã chính thức trở thành vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất của Israel, giành lấy danh hiệu từ cha đẻ và là nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước này - David Ben Gurion - với 4.867 ngày, tức hơn 13 năm tại vị.

Năm 1996, trong cuộc bầu cử thủ tướng trực tiếp đầu tiên của đất nước Israel, một cái tên đã bất ngờ vượt qua chính khách lừng danh vào thời điểm đó là Shimon Peres để giành chiến thắng, đó là Benjamin Netanyahu, mới 47 tuổi và trở thành vị thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử đất nước Israel.

Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Netanyahu gây ra khá nhiều tranh cãi. Ông tỏ ra cứng rắn với người Palestine và thậm chí còn phá vỡ thỏa thuận hòa bình Oslo lịch sử trước đó mà người tiền nhiệm Shimon Peres đạt được. 3 năm sau, với những cáo buộc tham nhũng và những chuyện rắc rối xung quanh cuộc sống cá nhân của ông, Netanyahu đã bị đánh bại trong một cuộc bầu cử khác, cựu đại úy của lực lượng đặc nhiệm Israel đã quyết định rút lui khỏi vũ đài chính trị. Nhưng chính trường Israel lập tức cảm thấy nhớ ông.

Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit - người đang quyết tâm buộc tội ông Netanyahu.

Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit - người đang quyết tâm buộc tội ông Netanyahu.

Năm 2002, Thủ tướng Israel khi đó là Ariel Sharon đã mời ông Netanyahu trở lại vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, rồi sau đó là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của mình. Một nước cờ như để làm bước đệm cho Netanyahu kế nhiệm vị trí lãnh đạo đảng Likud của mình sau đó vào năm 2005. Sự cứng rắn của ông Netanyahu càng được thể hiện mạnh mẽ khi ông từ chối tham gia liên minh với chính phủ của đảng Kadima vì phản đối "Thỏa thuận ngừng bắn Israel–Hamas" năm 2008.

Một cách rõ ràng, ông Netanyahu đã nói: "Đây không phải là một sự dịu bớt căng thẳng, đó là một thỏa thuận nhằm tái vũ trang cho Hamas... Chúng ta có được gì từ điều này?".

Những xung đột leo thang sau đó đã đưa Likud trở lại nắm chính quyền vào tháng 2-2009. Và triều đại của “Vua Bibi” bắt đầu

Ngọn cờ cánh hữu

Benjamin Netanyahu là chính trị gia nổi bật nhất của Israel trong thế hệ thứ hai, những người sinh ra sau khi đất nước này thành lập. Những người ủng hộ gọi ông là Pháp sư, Người chiến thắng, thậm chí là “Vua của Israel”.

Là người đứng đầu phe cánh hữu trong chính trường Israel gần 20 năm qua, ông Netanyahu nổi tiếng vì thái độ cứng rắn với người Palestine và các lực lượng chống đối từ Lebanon hay Syria. Với việc sử dụng khéo léo tác động ngoại giao cùng sức ép quân sự, ông đã đảm bảo an ninh cho Israel mà không bị cuốn vào những cuộc chiến thảm khốc.

Nhờ có cùng sự thù địch chung đối với Iran, quan hệ của Israel với nhiều lãnh đạo Arab đã trở nên tốt hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử. Trong khi đó, quan hệ cá nhân của ông với hai lãnh đạo hàng đầu thế giới là Donald Trump và Putin luôn đem đến cho ông nhiều lợi thế. Ông cũng cho thấy mình xứng đáng được tôn trọng với năng lực điều hành chính phủ trong thời gian dài. Bằng cách thu gọn bộ máy nhà nước cồng kềnh, ông đã giúp nền kinh tế Israel phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Sự ủng hộ của người dân Israel đối với các chính sách cứng rắn của ông Netanyahu.

Dĩ nhiên, việc gây sức ép và bóp nghẹt người Palestine trong vòng kiềm tỏa của mình khiến ông nhận nhiều chỉ trích. Ông cũng luôn tỏ ra nghi ngờ sự ủng hộ của các chính phủ phương Tây, đặc biệt là trong vấn đề Iran. Theo quan điểm bi quan của ông Netanyahu, Israel “bị bao quanh bởi những con sói”. Điều đó khiến cho thái độ thù địch của các nước láng giềng với Israel như Syria, Lebanon và đặc biệt là Iran luôn tăng cao. Nhưng sức ép lớn nhất đến với ông Netanyahu vẫn là từ trong nước.

Với nhiều người, ông Netanyahu đã giữ quyền lực của mình quá lâu, bằng cách làm xói mòn các quy tắc dân chủ của Israel. Khi tuyên bố rằng hòa bình với người Palestine là không thể (hoặc không đáng mong muốn), ông khơi dậy tinh thần dân tộc của người Do Thái. Chính ông đã thúc đẩy một liên minh bầu cử với nhóm Quyền lực Do Thái (Jewish Power) cực hữu - những người muốn sáp nhập tất cả các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng, đồng thời khuyến khích những người Arab, kể cả những người đã có quốc tịch Israel, rời khỏi đất nước ấy.

Một hành động đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ của quốc gia. Bằng cách tự cho mình là người duy nhất có khả năng bảo vệ Israel chống lại kẻ thù, ông thường coi những người nói khác với mình là “những kẻ phản bội” và tạo ra rất nhiều kẻ thù. Việc trao cho quân đội nhiều quyền hạn khiến ông bị coi là vi phạm các giá trị dân chủ. Đồng thời, những cáo buộc về tham nhũng vẫn đeo đẳng ông trong suốt hơn 20 năm tham gia chính trường.

Hỗn loạn và phản công

Việc cầm quyền quá lâu và quá cực đoan đã khiến các thế lực đối lập tìm cách liên minh với nhau để đánh bại ông. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, đảng Likud lần đầu tiên không giành được số ghế lớn nhất ở Quốc hội Israel sau một thập niên và mở ra một giai đoạn hỗn loạn trên chính trường nước này.

Tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ trong cuộc bầu cử lại hồi tháng 9, khối đảng cánh hữu và tôn giáo ủng hộ Thủ tướng Netanyahu chỉ giành được 55 ghế, trong khi khối trung tả của lãnh đạo đối lập Benny Gantz giành được 57 ghế và được quyền ưu tiên thành lập chính phủ mới.

Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi ngày 21-11, Tổng chưởng lý Avichai Mandelblit đã chính thức đưa ra quyết định truy tố ông Netanyahu với các cáo buộc nhận hối lộ, gian dối và phá vỡ lòng tin. Viễn cảnh tệ hại là khi ông Netanyahu không giữ được ghế thủ tướng thì phía trước ông có thể chính là vành móng ngựa. Khi chính những người thuộc đảng Likud cũng cảm thấy cần phải thay thế ông Netanyahu, “Vua Bibi” không thể không cảm thấy lo lắng.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm khó khăn nhất, những kinh nghiệm sau 13 năm lăn lộn trên chính trường đã mở ra lối thoát. Lợi dụng những lo lắng trong vấn đề hạt nhân Iran nóng trở lại cùng với việc Mỹ bất ngờ rút quân ra khỏi Syria, ông Netanyahu lập tức tuyên bố sẵn sàng tấn công phủ đầu để bảo vệ đất nước mình. Một hành động mạnh mẽ ngay lập tức ghi điểm trong mắt các cử tri đang dao động. Với nhiều người, bối cảnh ấy có thể xem là một món quà mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới người bạn của mình.

Ngược lại, suốt 2 tháng qua, phe đối lập vẫn chưa thể thành lập được một chính phủ mới dựa trên đa số trong quốc hội và đẩy ngược cơ hội trở lại vào tay Netanyahu. Nhưng, thay vì vội vã tìm kiếm một thỏa thuận, Netanyahu lại tỏ ra rất từ tốn. Ông biết rõ mình khó có thể tạo ra được một liên minh đủ lớn để thành lập chính phủ ngay lúc này. Những cuộc bầu cử vừa qua đã làm số ghế trong Quốc hội Israel trở nên phân tán quá mức.

“Người khổng lồ” hiểu rõ: Tình trạng hỗn loạn này càng kéo dài thì người dân càng chán ngán phe đối lập và quay lại ủng hộ ông. Do đó, chính Netanyahu đã bác bỏ hoàn toàn đề xuất thành lập một đại liên minh giữa đảng Likud của mình với đảng liên minh Xanh Trắng của lãnh đạo Benny Gantz đối lập để chia sẻ quyền lực.

Ông cũng không hề đáp lại đề xuất của Tổng thống Reuven Rivlin về việc miễn tội, đổi lại là chuyện từ giã chính trường. Netanyahu chấp nhận một thử thách nữa với mình - cuộc bầu cử có thể diễn ra ngay trong tháng 1 tới, cuộc bầu cử thứ ba của đất nước này trong vòng chưa đầy 10 tháng.

Ở cuộc bầu cử đó, Netanyahu sẽ có thời cơ lật ngược thế cờ. Và nếu mọi chuyện diễn ra như vậy, triều đại của “Vua Bibi” sẽ vẫn tiếp tục.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chinh-truong-israel-ngai-vang-cua-netanyahu-574247/