Chính trường Anh 'nổi sóng' vì 'bão' Huawei

Chính trường Anh xáo trộn khi Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson bỗng nhiên được triệu tập đến trụ sở số 10 phố Downing và bị yêu cầu từ chức. Sự ngạc nhiên càng gia tăng khi ông Williamson từ chối yêu cầu này và bà May đã ra quyết định sa thải ông, mặc dù ông là nhân vật rất ủng hộ bà May về mặt chính trị tại Hạ viện.

"Tuyệt mật của những điều tuyệt mật”

Vấn đề gây chia rẽ giữa bà May và ông Williamson cũng như trong chính trường Anh hiện tại ngoài Brexit còn là yếu tố Trung Quốc. Bà May đã rất tức giận khi có một thông tin bị rò rỉ trên báo chí Anh rằng, chính phủ sẽ chọn công ty Huawei của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông và phát triển mạng lưới 5G của Anh.

Vấn đề Huawei gần đây đã được nêu ra tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia do chính Thủ tướng May chủ trì. Cơ quan này thu thập bằng chứng trực tiếp từ các cơ quan an ninh của Anh và được coi là “tuyệt mật của những điều tuyệt mật”. Vì vậy, sự rò rỉ là một vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể cấu thành tội phạm.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh bị bà May sa thải nghi do để làm rò rỉ thông tin của Chính phủ liên quan tới Huawei. (Nguồn: AP)

Thủ tướng May đã ra lệnh cho các quan chức cấp cao điều tra xem tại sao thông tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia lại bị rò rỉ và đăng tải trên tờ Daily Telegraph. Ông Williamson cho biết, không phải ông, cũng không phải bộ của ông phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Tuy nhiên, Thủ tướng May đã không tin ông. Trong bức thư xác nhận việc cách chức ông Williamson, bà May nói rằng, “không thể tin được” (những lời của Williamson).

Tuy nhiên, một số người ủng hộ đảng Bảo thủ cho rằng, việc một chính trị gia cảnh báo công chúng rằng, nước Anh sắp ký kết một thỏa thuận quan trọng với Huawei là điều hoàn toàn hợp lý. Trong một bài xã luận, tờ The Sun, vốn ủng hộ đảng Bảo thủ cho rằng, thông tin bị rò rỉ là vì lợi ích công chúng. Báo này viết: “Bà Theresa May sẵn sàng làm 'mất mặt' những đồng minh an ninh thuộc nhóm Five Eyes và có khả năng sẽ cho các gián điệp của Trung Quốc tiếp cận mạng lưới 5G mới của chúng ta”.

Những nước đồng minh trong nhóm Five Eyes của Anh gồm Australia, quốc gia gần đây đã cấm công ty Huawei hoạt động trong lĩnh vực 5G ở nước này và Mỹ. Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Chris Wary đã cảnh báo rằng, chính phủ Mỹ đang “quan ngại sâu sắc về khả năng của Trung Quốc bóp méo hoặc đánh cắp thông tin với ý đồ xấu hoặc tiến hành các hoạt động gián điệp mà không bị phát giác”.

Chiến dịch quảng cáo rầm rộ

Cho đến gần đây, Huawei vẫn là cái tên tương đối mới ở Anh. Người dân nước này còn đang tập phát âm tên của công ty Trung Quốc này. Chính vì thế, Huawei đã chi hàng trăm triệu bảng Anh với mục đích xây dựng thương hiệu.

Những tấm bảng quảng cáo lớn được dựng lên tại những nhà ga xe lửa lớn của London. Huawei cũng quảng cáo rầm rộ trên nhiều tờ báo lớn, trong đó có Daily Telegraph - tờ báo đã đăng tải thông tin bị rò rỉ nói trên, dẫn đến việc Bộ trưởng Quốc phòng William bị sa thải.

Tờ Telegraph gần đây cũng tâng bốc công ty này trong một bài viết có tiêu đề “Chỉ trích Huawei là sự bất công”, bài báo do chính Giám đốc điều hành của công ty này tại Anh là Jerry Wang viết. Telegraph cũng đăng tải bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming với tiêu đề “ Anh có thể và cần hợp tác với Huawei trong lĩnh vực 5G”. Những bài báo này đã được dịch ra tiếng Trung Quốc và đăng tải trên trang các trang web của Chính phủ Trung Quốc.

Anh liệu có đang bật đèn xanh cho Huawei? (Nguồn: Reuters)

Có một vài ý kiến hoài nghi trong đảng Bảo thủ Anh. Nghị sỹ Julian Lewis, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Quốc phòng, một cơ quan rất có có thế lực tại Quốc hội, nói: “Tôi nghĩ rằng, việc bí mật bị rò rỉ không phải là vấn đề. Cái chính là thông tin bị rò rỉ cho thấy, nhiều bộ trưởng Anh đã ủng hộ việc công ty viễn thông do Trung Quốc kiểm soát được phép thâm nhập cơ sở viễn thông quốc gia của chúng ta”. Theo nghị sỹ Lewis, không ai có thể đảm bảo rằng, các chính phủ nước ngoài sẽ không phá hủy hoặc làm gián điệp thông qua mạng lưới viễn thông của Anh.

Nghị sỹ Lewis cũng được biết đến là người có quan điểm thẳng thắn về Brexit. Ông là ủng hộ nhóm hoài nghi châu Âu có tên "Leave Means Leave" và thường chỉ trích Thủ tướng May vì đã không rời khỏi EU sớm hơn.

Brexit là một trong những vấn đề gây chia rẽ Chính phủ, đảng Bảo thủ và Hạ viện. Nó phơi bày một thực tế là nước Anh đang thiếu người cầm lái thực sự và việc bà May sa thải ông William càng khiến cho người dân có thêm cảm giác bất an. Thực chất bầu không khí rối ren hiện nay của Anh bắt nguồn từ cuộc tranh cãi xem liệu Huawei có đáng được tin tưởng để đảm nhận trách nhiệm trong một lĩnh vực lớn của đời sống Anh hay không.

Thu Hiền

(theo Eurasia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-truong-anh-noi-song-vi-bao-huawei-93624.html