Chính trị và Hollywood

Mặt trái của trào lưu Poliwood là giúp chính khách làm sao nhãng sự chú ý đối với những chính sách mất lòng dân

Poliwood (Politics + Hollywood) là sự kết hợp giữa chính trị và những người nổi tiếng trong làng giải trí ở Mỹ. Đây có thể là sự kết hợp mạnh mẽ, tạo ra những cuộc tranh luận về chính sách và truyền cảm hứng cho nhiều người nhưng cũng có nguy cơ phản tác dụng.

Quyền lực và trách nhiệm

Gần đây, nước Mỹ đã chứng kiến 2 nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí bước vào vũ đài chính trị ở 2 đảng đối nghịch nhau, với những kết quả rất khác nhau. Ngày 7-10, nữ ca sĩ Taylor Swift kêu gọi hàng triệu người theo dõi tài khoản mình trên mạng xã hội Instagram đăng ký bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ, ông Phil Bredesen - cựu Thống đốc bang Tennessee - trong cuộc đua tranh ghế thượng viện liên bang. Kết quả, theo giám đốc truyền thông trang Vote.org, ước tính 65.000 người đã đăng ký bầu cử trong vòng 24 giờ sau đó.

Đến ngày 11-10, ca sĩ nhạc rap Kanye West gặp gỡ Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, với đông đảo phóng viên vây quanh. Kanye nói rất nhiều chuyện, như kêu gọi cải tổ nhà tù, hủy bỏ điều sửa đổi 13 (chấm dứt chế độ nô lệ), đề xuất thay thế chiếc Không lực Một bằng một máy bay chạy bằng khí hydro... Thêm vào đó, giọng ca này còn tính đến chuyện tự tranh cử tổng thống sau khi ông Trump rời Nhà Trắng. Đáng nói là tổng thống Mỹ đã lắng nghe mọi điều kỳ quặc đó.

Đài CNN nhận định trái với tác dụng từ lời kêu gọi trên Instagram của nữ ca sĩ Taylor Swift, cuộc gặp gỡ Kanye - Trump chỉ là một dịp gây sự chú ý cho hai cái tôi vô hạn chứ không phải là nỗ lực nghiêm túc nhằm nâng cao nhận thức về chuyện cải tổ nhà tù.

Ở mặt nào đó, ông Trump là điển hình cho đỉnh cao Poliwood. Sau một số vụ phá sản, ông trùm bất động sản thích là tâm điểm chú ý này đã tái tạo bản thân thành một ngôi sao truyền hình thực tế với chương trình "Người học việc". Khi đó, ông củng cố vị trí của mình trong tâm trí người Mỹ là một giám đốc điều hành quyết đoán, háo hức chờ nói câu "Anh/chị bị sa thải" cuối mỗi sô diễn. Nhờ vậy, ông cũng được vinh danh bằng một ngôi sao trên đại lộ Danh Vọng Hollywood.

Ca sĩ nhạc rap Kanye West nói chuyện với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 11-10 Ảnh: REUTERS

Ca sĩ Taylor Swift kêu gọi người hâm mộ bỏ phiếu trên mạng xã hội Instagram Ảnh: CNN

Lịch sử 100 năm

Cách đây 100 năm, các nhân vật nổi tiếng đầu tiên ở Mỹ trong kỷ nguyên phim câm - Charlie Chaplin, Mary Pickford và Douglas Fairbanks - đã được phái đi khắp cả nước để bán trái phiếu chiến tranh thay mặt chính quyền Tổng thống Thomas Woodrow Wilson trong Thế chiến I.

Sau đó, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (giai đoạn 1933-1945) cũng khai thác triệt để sức mạnh của người nổi tiếng. Ông mời 2 trong số những ngôi sao lớn nhất thời đó - danh ca Frank Sinatra và diễn viên Orson Welles - biểu diễn tại các sự kiện chính trị. Thậm chí người đa tài Welles còn dành thời gian viết bài khen ngợi ông Roosevelt trên báo và viết diễn văn tranh cử cho ông.

Ít năm sau, thượng nghị sĩ trẻ tuổi John F. Kennedy đã nhờ cậy đến văn hóa nhạc pop để thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử của mình. Ông mời ca sĩ Sinatra hát ca khúc "High Hopes" trong cuộc bầu cử năm 1960. Trong khi đó, sự nghiệp chính trị của cựu Tổng thống Jimmy Carter được hỗ trợ bởi sự ngưỡng mộ đáng kinh ngạc của ông dành cho nghệ sĩ Bob Dylan và nhóm nhạc Allman Brothers.

Thế nhưng, cái tên lớn là Ronald Reagan. Ông chính là diễn viên Hollywood duy nhất trở thành ông chủ Nhà Trắng - nơi đã thu hút bạn bè nổi tiếng cũ của ông, từ ca sĩ Sinatra đến tài tử Jimmy Stewart. Sau thành công của ông Reagan, một loạt nhân vật nổi tiếng thuộc phe Cộng hòa chạy đua vào chính trường, như nam diễn viên Arnold Schwarzenegger (làm Thống đốc bang California từ năm 2003 đến 2011), diễn viên Fred Thompson (Thượng nghị sĩ bang Tennessee giai đoạn 1994-2003), nhạc sĩ Sonny Bono (Hạ nghị sĩ bang California giai đoạn 1995-1998)...

Gần đây hơn, Tổng thống George W. Bush đã phát triển tình bạn lâu dài với Bono, người đứng đầu nhóm nhạc U2 và là nhân vật đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động quốc hội ủng hộ chương trình thuốc điều trị AIDS quốc tế tên gọi Pep-Far. Chương trình này thường xuyên được nêu tên là một trong những di sản đáng tự hào nhất của chính quyền ông George W. Bush khi cứu được hàng triệu sinh mạng.

Nếu được tận dụng tốt, Poliwood có thể thúc đẩy người nổi tiếng huy động sự ủng hộ dành cho điều gì đó quan trọng hơn danh vọng. "Người nổi tiếng có thể giúp tập trung sự chú ý của các cơ quan truyền thông vào những vấn đề chưa được quan tâm đúng mực. Chúng tôi không thể hoạch định chính sách nhưng chúng tôi có thể "khích lệ" giới chính khách nhiều hơn bao giờ hết" - tài tử George Clooney từng nhận xét. Ngôi sao Hollywood này đã nỗ lực hướng sự chú ý của quốc tế vào nạn diệt chủng ở Darfur và sự cần thiết phải kết thúc cuộc nội chiến ở Nam Sudan.

Dù vậy, mặt trái của Poliwood là giúp chính khách có thể làm sao nhãng sự chú ý đối với những chính sách không được lòng dân, từ đó "bịt miệng" cử tri bằng chiêu trò này.

NGÔ SINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chinh-tri-va-hollywood-20181025204517615.htm