Chính thức trình Quốc hội phương án tăng tuổi nghỉ hưu

Sáng nay 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Tờ Sáng nay 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), với 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh, xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh, xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Theo đó, Phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Theo tính toán, với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Trong khi đó, Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Trong 2 phương án nói trên, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì theo Ban soạn thảo, đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thẩm tra dự thảo Luật này, Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội (tăng thời gian đóng BHXH của người lao động thì mức hưởng lương hưu tăng thế nào); việc tính độ tuổi hưởng lương hưu trong mối quan hệ với thời gian tham gia BHXH đối với những người có thời gian tham gia bảo hiểm lâu (ví dụ 40 năm trở lên); các giải pháp pháp luật để khuyến khích người lao động tham gia BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, tránh việc chốt sổ khi đủ thời gian được hưởng lương hưu, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; các yếu tố ảnh hưởng khác đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu (già hóa dân số, mức sống dân cư, điều kiện lao động, các dịch vụ xã hội, tăng trưởng kinh tế và khả năng tạo ra việc làm mới);

Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với nguồn nhân lực và thị trường lao động khi ghi nhận người lao động “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu” và thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế; tác động đối với người lao động và cơ chế để bảo đảm quyền nghỉ hưu (gồm cả nhóm được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn); đồng thời đề nghị lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp ý kiến của các nhóm đối tượng chịu sự tác động, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để bảo đảm lựa chọn được phương án tối ưu.

Làm thêm giờ: Thỏa thuận trả lương theo lũy tiến

Về việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt, Chính phủ đề xuất cho phép tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Giải thích cho đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.

Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ), tờ trình dự án luật nêu rõ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định

chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ. Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ.

Đặc biệt, Luật cũng quy định trả lương cao hơn cho giờ làm thêm. Cụ thể, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Dự thảo còn bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.

Thẩm tra dự thảo Luật này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động tiêu cực đã được nêu trong Báo cáo thẩm định, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng quan điểm và các phương án đề xuất về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời đánh giá tác động đối với việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng và tác động đối với khu vực công khi mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ và nguồn lực ngân sách Nhà nước để chi trả, tránh làm tăng áp lực lên việc điều hành cân đối ngân sách hằng năm, nhất là trong điều kiện việc quản lý, kiểm soát làm thêm giờ trong khu vực công còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến lạm dụng, lãng phí.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201905/chinh-thuc-trinh-quoc-hoi-phuong-an-tang-tuoi-nghi-huu-634097/