Chính thức Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Đúng 9h sáng 21/5/2018, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 15/6/2018.

Trong đó, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật là 12 ngày, chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 03 ngày; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác là 3,5 ngày; khai mạc mạc là 1,5 ngày.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tiếp tục được cải thiện. Quý I năm 2018, theo báo cáo, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế ở mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu, tốc độ tăng GDP ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất của Quý I trong 10 năm trở lại đây, lạm phát duy trì trong giới hạn cho phép; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên tình hình kinh tế khu vực còn tiềm ẩn không ít bất ổn, Việt Nam phải chủ động ứng phó để thích ứng với những biến đổi tiêu cực của thế giới, tăng cường quốc phòng an ninh, đối ngoại, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống lãng phí… tạo đà thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ 2016 - 2020.

“Các đại biểu quốc hội tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm, làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu của cử tri cả nước", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Về hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 08 dự án Luật, 01 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án Luật khác.Với Luật Tố cáo (sửa đổi), dự thảo đang được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại.

Để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng hình thức tố cáo, dự thảo luật đã được bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối với Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này gồm 6 chương, 85 điều. Dự án Luật đã đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH.

Hiện nay dự án Luật này đã được chỉnh lý trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm có những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế; có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhân dân.tập trung vào những nội dung: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tên gọi, kết cấu của Luật và những nguyên tắc áp dụng Luật; Quy hoạch đặc khu ); Cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh; Một số cơ chế, chính sách đặc biệt liên quan tới đất đai; Ngân sách và ưu đãi đầu tư; Cơ chế, chính sách đặc biệt về lao động, tiền lương, an sinh xã hội và cơ chế, chính sách đặc biệt khác; Tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu; Việc quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; Vấn đề chuyển tiếp và triển khai thi hành Luật.

Ngoài ra, trong kỳ họp lần này, dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp). Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 và phiên thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/chinh-thuc-khai-mac-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-xiv-d81931.html