Chính thức công bố hướng dẫn áp dụng tội dâm ô

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng các tội xâm hại tình dục, trong đó có tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Nghị quyết quan trọng vừa được chính thức công bố ngày 14-10 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định cụ thể, chi tiết về các hành vi giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác, dâm ô, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn hoặc chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm…

Nghị quyết nhằm hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục (XHTD) người dưới 18 tuổi, có hiệu lực từ ngày 5-11-2019.

Sửa đổi, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng

Việc công bố nghị quyết cũng nhằm thông tin sâu rộng các nội dung hướng dẫn đến các thẩm phán, cán bộ, công chức tòa án để nghiêm túc thực hiện, đồng thời giới thiệu nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân để theo dõi, giám sát.

TAND Tối cao nhận định thời gian qua, tình trạng tội phạm XHTD, đặc biệt là XHTD đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cạnh đó, việc triển khai các quy định của BLHS, BLTTHS, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các tội XHTD như làm rõ về chủ thể phạm tội; cụ thể hóa hành vi phạm tội; mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu”, bổ sung trường hợp “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.

Một số tình tiết định khung tăng nặng đối với nhóm tội này được sửa đổi, bổ sung. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) cũng được bổ sung nhằm hình sự hóa hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức…

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết này sau một thời gian dài dự thảo, lấy ý kiến.

Nguyễn Khắc Thủy từng bị kết án về tội dâm ô. Ảnh: PLO

Nguyễn Khắc Thủy từng bị kết án về tội dâm ô. Ảnh: PLO

Hôn hít, cưng nựng trẻ là dâm ô

Một trong các nội dung quan trọng mà nghị quyết hướng dẫn là tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Theo đó, dâm ô là hành vi của những người cùng hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.

Trả lời trên VTV1, ông Nguyễn Trí Tuệ (Phó Chánh án TAND Tối cao) nói: “Có những hành vi mà trước đây chúng ta không để ý đến như hành vi hôn hít vào những vùng nhạy cảm của trẻ em như miệng, tai, gáy… đều có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Nếu những người thực hiện hành vi đó không phải là những người thân thuộc trong gia đình khiến trẻ sợ hãi, hoảng loạn tinh thần, ảnh hưởng đến đời sống thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự”.

Các hành vi sau đây đều bị coi là dâm ô:

a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;

b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (tay, miệng, lưỡi, chân...) tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;

d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;

đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (hôn vào miệng, cổ, tai, gáy của người dưới 16 tuổi...).

Nghị quyết ra đời rất kịp thời

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra đời rất kịp thời, giúp cho công tác xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em, người dưới 18 tuổi đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, nghị quyết lần này đã giải thích rõ ràng, cụ thể, chi tiết các khái niệm gây vướng mắc trong quá trình xét xử trước đây như hành vi tình dục khác, dâm ô…

Nghị quyết rất tốt cho chúng tôi, giúp chúng tôi có điều kiện thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao trong Luật Trẻ em. Luật quy định chúng tôi có trách nhiệm phát biểu chính kiến về các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Bởi vậy, với những hướng dẫn cụ thể được nêu trong nghị quyết, khi nhận được đơn thư phản ánh, chúng tôi có thể ra các văn bản cụ thể để gửi đến các cơ quan chức năng. Cạnh đó, khi thấy các bản án chưa phù hợp với các tội danh, chúng tôi cũng sẽ có các khuyến nghị đối với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, nghị quyết cũng có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục để các em hiểu được thế nào là hành vi XHTD đối với trẻ em. Nghị quyết này cũng giúp các bậc cha mẹ, phụ huynh giáo dục con em mình có kỹ năng bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại.

Với những quy định cụ thể, chi tiết, nghị quyết sẽ giúp các cơ quan tố tụng, xét xử định tội phù hợp, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai. Chỉ có như vậy việc xét xử mới đảm bảo sự nghiêm minh, mang tính răn đe trong công tác phòng ngừa.

Đặc biệt, nghị quyết có một số quy định mới, cụ thể về các thủ tục tố tụng như quy định tòa phải làm gì, những việc gì cần làm và cả những việc không được làm. Ví dụ không hỏi người bị XHTD dưới 18 tuổi những câu hỏi quá phức tạp, không được hỏi liên tục quá một giờ, không cho người bị hại đối chất với người phạm tội... Những quy định này giúp quá trình xét xử sẽ đảm bảo được sự thân thiện, bảo vệ tối đa người bị hại dưới 18 tuổi.

NGUYỄN THỊ THANH HÒA,
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chinh-thuc-cong-bo-huong-dan-ap-dung-toi-dam-o-863989.html