Chính thức cấp thị thực điện tử sẽ tiết kiệm chi phí

Ngày 14-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng đề án cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho NNN vào Việt Nam du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư…

Theo dự thảo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, việc chính thức cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài (NNN) nhập cảnh vào Việt Nam sẽ tiết kiệm được chi phí tuân thủ và thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đối với nhà nước là 5.344.974.880.000 đồng/năm; tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là 2.944.511.350.000.000.000 đồng/năm.

Chính thức cấp thị thực điện tử sẽ tiết kiệm chi phí lớn, đồng bộ hóa thủ tục hành chính.

Chính thức cấp thị thực điện tử sẽ tiết kiệm chi phí lớn, đồng bộ hóa thủ tục hành chính.

Ngày 14-10-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu xây dựng đề án cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho NNN vào Việt Nam du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư…

Qua gần 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước, góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Để tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính thức việc cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam, tại dự thảo, Bộ Công an đã đưa ra 3 giải pháp. Theo đó, giải pháp thứ nhất là không thực hiện việc cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam.

Giải pháp thứ 2 là tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Giải pháp này sẽ góp phần phòng, chống lãng phí thông qua việc tiếp tục sử dụng các nguồn lực đã đầu tư, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế.

Quy trình, phương pháp cấp thị thực bằng phương thức điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ; phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước ta; bảo đảm tính công khai, minh bạch; phòng, chống tiêu cực trong quá trình cấp thị thực. Đồng thời, không làm thay đổi cơ cấu, tổ chức, không làm tăng/giảm đội ngũ cán bộ…

So với việc không áp dụng cấp thị thực điện tử, giải pháp này sẽ tiết kiệm được chi phí tuân thủ (chi phí tuân thủ là chi phí mà cơ quan Nhà nước phải bỏ ra để giải quyết 1 TTHC) và thực hiện TTHC đối với nhà nước là 5.344.974.880.000 đồng/năm; tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân là 2.944.511.350.000.000.000 đồng/năm.

Trên phương diện bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, Bộ Công an vẫn thực hiện kiểm tra, xét duyệt nhân sự khi cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam. Việc cấp thị thực điện tử sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng xấu, chủ động trong công tác đảm bảo an ninh; tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc đề nghị cấp thị thực cho NNN nhập cảnh Việt Nam.

Qua đó, gián tiếp bảo đảm các cơ hội tiếp cận với vấn đề việc làm của NNN tại thị trường lao động Việt Nam, tiết kiệm chi phí để thực hiện việc đề nghị cấp thị thực thông qua phương thức điện tử, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho NNN đi lại, du lịch, đầu tư tại Việt Nam, hạn chế khả năng bị sách nhiễu từ phía các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục.

Ở giải pháp tiếp theo, Bộ Công an đưa ra thực hiện chính thức việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện của Luật và giao Chính phủ quyết định danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử.

Cùng với những tác dụng tích cực và tiết kiệm chi phí như giải pháp thứ 2, giải pháp này còn thể hiện sự ổn định về mặt chính sách của Nhà nước trong việc cấp thị thực điện tử cho NNN nhập cảnh Việt Nam. Thay vì thí điểm thực hiện trong một thời gian nhất định thì Nhà nước ta luật hóa và thực hiện chính thức việc cấp thị thực điện tử sẽ tạo tâm lý yên tâm, thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để du lịch, đầu tư…

Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển, nâng cao uy tín của Nhà nước trên trường quốc tế. Việc cấp thị thực điện tử không phải áp dụng cho tất cả các quốc gia mà sẽ giao cho Chính phủ xác định tiêu chí và quy định danh sách các nước mà Việt Nam sẽ tiến hành cấp thị thực điện tử, góp phần kiểm soát về vấn đề an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Do được thực hiện chính thức và sẽ sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài hiện hành nên TTHC sẽ bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, qua việc thực hiện lâu dài TTHC này thì dự báo chi phí tuân thủ TTHC tiết kiệm được cho cơ quan nhà nước cũng như các cá nhân, tổ chức sẽ rất lớn theo thời gian thực hiện.

Bộ Công an vẫn thực hiện kiểm tra, xét duyệt nhân sự khi cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chinh-thuc-cap-thi-thuc-dien-tu-se-tiet-kiem-chi-phi-532617/