Chính thức bỏ đề xuất giấy phép lái xe hạng A0 với xe dưới 50 cm3

Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã bỏ quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có giấy phép lái xe hạng A0 khỏi dự thảo lần 2.

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người dân và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ban soạn thảo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bỏ quy định cấp bằng lái xe hạng A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) dưới 50 phân khối hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW khỏi dự thảo lần 2.

Thay vào đó, ban soạn thảo nghiên cứu quy định cấp bằng lái xe hạng A1 cho người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi.

Theo dự thảo mới nhất, dự kiến sẽ có 16 hạng giấy phép lái xe, tăng 3 hạng so với quy định trước đây.

Theo dự thảo mới nhất, dự kiến sẽ có 16 hạng giấy phép lái xe, tăng 3 hạng so với quy định trước đây.

Tuy nhiên, ông Thống cho biết, những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi này chỉ được điều khiển xe máy điện không vượt quá 4kw, xe gắn máy có dung tích xy lanh dưới 50cm3. Đây là điểm thay đổi so với dự thảo trước đây là những người này được cấp riêng giấy phép lái xe riêng hạng A0.

Từ 18 tuổi trở lên, những người đã được cấp GPLX hạng bằng lái A1 cũng sẽ được điều khiển loại xe khác theo quy định cho GPLX hạng bằng lái A1 (xe máy có dung tích xy lanh đến 125cc).

"Nội dung sửa đổi này vừa đảm bảo mục tiêu nâng cao an toàn giao thông cho học sinh phổ thông chưa đủ 18 tuổi, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân trong việc cắt giảm điều kiện, thủ tục hành chính", ông Thống nói.

Như vậy, theo dự thảo mới nhất, dự kiến sẽ có 16 hạng giấy phép lái xe, tăng 3 hạng so với quy định trước đây.

Ông Lương Duyên Thống cho biết thêm, việc điều chỉnh phân lại hạng giấy phép lái xe (bằng lái xe) là yêu cầu bắt buộc để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam khi tham gia Công ước Viên về giao thông đường bộ năm 2015.

Việc phân hạng cũng phù hợp với chuẩn quốc tế, tạo điều kiện sử dụng bằng lái xe của Việt Nam ở nước ngoài.

Cụ thể, Công ước Viên và thông tư cấp bằng lái xe quốc tế được thực hiện từ năm 2015 của Bộ GTVT hiện nay quy định có 13 hạng bằng lái xe là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D, BE, C1E, CE, D1E, DE.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mới nhất giảm 2 hạng bằng lái (hạng C1 và C1E), tăng 4 hạng bằng lái.

Cụ thể, hạng A2 dùng để cấp mới và cấp đổi cho người có bằng lái xe hạng A1 (hiện nay) bị hỏng hoặc mất; hạng B2 dùng để cấp mới và đổi cho người có bằng lái hạng B1 số tự động (hiện nay); hạng D2 dùng để cấp mới và đổi cho người có bằng lái xe hạng D (hiện nay). Hạng D2E dùng để cấp mới và đổi cho người có bằng lái xe hạng FD (hiện nay).

Cũng theo ông Thống, sau khi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có hiệu lực, những người đã có bằng lái xe thì vẫn giữ nguyên giá trị theo thời hạn ghi trên bằng lái xe, không cần thiết đi đổi sang bằng lái xe mới nếu không có nhu cầu.

Việc cấp bằng lái xe theo các hạng mới sẽ áp dụng với những người có bằng lái xe ôtô khi hết hạn cần đi đổi hoặc cấp mới.

H.A (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/chinh-thuc-bo-de-xuat-giay-phep-lai-xe-hang-a0-voi-xe-duoi-50-cm3-52225.html