Chính thức bỏ đề xuất bằng lái hạng A0: Người dân đồng tình

Liên quan tới việc Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chỉ đạo Ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bỏ quy định bắt buộc người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện phải có bằng lái hạng A0 khỏi dự thảo lần 2. Báo Đại Đoàn Kết hoan nghênh tinh thần tiếp thu của Bộ GTVT.

Giáo dục an toàn giao thông trong trường học được xem là giải pháp gốc rễ nhằm giảm thiểu TNGT.

Giáo dục an toàn giao thông trong trường học được xem là giải pháp gốc rễ nhằm giảm thiểu TNGT.

Theo đó, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đưa quy định, người từ 16 tuổi trở lên sẽ được cấp bằng lái xe hạng A0. Bằng để sử dụng cho đối tượng trẻ từ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối và xe đạp điện, xe máy điện. Ngay lập tức, đề xuất vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhất là các phụ huynh học sinh, vì cho rằng quy định này là bất hợp lý và khó khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tế.

Đáng chú ý, từ phía người dân, chị Phạm Thanh Huyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, nếu đề xuất trên được thông qua tức là lại “đẻ” thêm một quy định “trên trời” gây phiền hà cho người dân. Trong khi Chính phủ luôn mong muốn và cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đơn giản hóa mọi quy định, thủ tục, thì việc yêu cầu người đủ 16 tuổi phải thi bằng lái A0, rồi tới 18 tuổi lại phải thi một lần nữa để lấy bằng A1 là đi ngược lại chủ trương trên. Ai dám chắc việc buộc học sinh phải có bằng lái A0 sẽ nâng cao được ý thức tham gia giao thông của các em?

“Tôi cho rằng, tấm bằng lái A0 chỉ là hình thức, các cháu sẽ tìm cách đối phó để có được nó. Nếu vậy các cháu sẽ hoàn toàn chẳng hiểu gì về về luật, làm sao ý thức tham gia giao thông có thể tăng lên được...”,chị Huyền phân tích.

Đó là chưa kể, chưa được cấp bằng lái A0 đồng nghĩa với việc các em học sinh không được phép đi xe máy tới trường. Vậy là các bậc phụ huynh lại phải lo thu xếp công việc để đưa đón con đi học, đi thi, vừa mất thời gian và gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, vì không thể toàn tâm toàn ý vào công việc được giao.

Sự lãng phí còn thấy rõ, với tấm bằng lái A0 cho người đủ 16 tuổi, cũng có nghĩa với việc khi đủ 18 tuổi các em lại phải tiếp tục thi bằng lái A1 mới có thể điều khiển phương tiện trên 50cc. Điều này tạo ra sự lãng phí, tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức của người dân.

Trước sự mất an toàn giao thông khi học sinh tới trường bằng xe máy điện, xe máy 50cc, nhiều chuyên gia gợi ý nên chọn giải pháp cho các em học sinh đi xe buýt. Song, với năng lực phục vụ của vận tải công cộng hiện nay, điều này là bất khả thi.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát kiến nghị giải pháp triển khai xe buýt trường học để đưa đón học sinh đồng thời đặt câu hỏi: Tại sao tới thời điểm này mà hệ thống các trường học ở Việt Nam vẫn chưa triển khai cho học sinh tới trường bằng xe buýt? Các nước trên thế giới đã làm từ rất lâu rồi.

Đề xuất của PGS.TS Trần Minh Chất được cho là khá hay khi giải quyết được vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, giảm áp lực giao thông do ít phương tiện cá nhân lưu thông trên đường. Song, để có được dự án xe buýt đưa đón học sinh trên toàn quốc không phải là chuyện có thể làm trong một sớm một chiều. Do vậy, dù khá hay nhưng có thể nói giải pháp giả định của PGS.TS Trần Minh Chất là bất khả thi trong thực tế, ít nhất là ở bối cảnh hiện tại.

Đồng tình với quan điểm cho rằng năng lực vận tải hành khách công cộng của các tỉnh, thành phố hiện nay còn quá yếu, làm gia tăng các phương tiện cá nhân, tạo áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cũng cho rằng, cần nhanh chóng triển khai loại hình xe buýt chuyên đưa đón học sinh tại các trường học.

Song, như trên đã phân tích, hiện Việt Nam chưa phổ biến loại hình xe buýt trường học nên mong muốn của TS Minh và TS Chất khó có thể trở thành hiện thực trong nay mai được. Hy vọng với việc bỏ đề xuất trên, các Bộ ngành, chức năng lưu tâm hơn tới việc tổ chức xe buýt cho học sinh tới trường trong năm học tới.

Với việc chấp hành giao thông của học sinh, theo một số luật sư thì việc đưa kiến thức ATGT vào giảng dạy trong các nhà trường được xem là cách giải quyết tận gốc rễ của vấn đề áp lực giao thông, an toàn học sinh, giảm các chỉ số TNGT...

Thực tế cũng cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch bằng lái mô tô, xe máy thời gian qua đang quá lỏng lẻo, trong khi loại phương tiện này liên quan tới 70% số vụ TNGT. Về vấn đề này, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Minh Chất đánh giá: Hiện nay tất cả hệ thống cấp bằng, thi sát hạch đang quá tải và rất lộn xộn. Hiện trạng bằng giả, không học cũng cấp bằng không hề hiếm trong thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.

Từ thực tế trên cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch lái xe vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn. Tìm hiểu sâu về nguyên nhân những vụ TNGT xảy ra thời gian qua cho thấy, hầu hết các vụ đều ít nhiều liên quan đến chất lượng đào tạo. Điều này được thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống khi tham gia giao thông. Như vậy là Bộ GTVT cần quan tâm hơn nữa chất lượng của tấm bằng trong thời gian tới.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-thuc-bo-de-xuat-bang-lai-hang-a0-nguoi-dan-dong-tinh-490566.html