Chính sử Trung Quốc viết về cái chết của Hoằng Tháo như thế nào?

Bằng tất cả chính sử của Việt Nam và Trung Quốc, đều chứng minh không có chuyện Dương Tam Kha bày mưu đóng cọc đầu bịt sắt xuống sông Bạch Đằng, giết Hoằng Tháo (còn những cách phiên âm khác là Hoàng Thao, Hồng Thao) như trong sách 'Lịch sử Việt Nam phổ thông', tập 3.

Cái chết của Hoằng Tháo trong chính sử Trung Quốc

Ông Châu Hải Đường, căn cứ vào 17 bộ sử của Trung Quốc (từ Sử ký của Tư Mã Thiên; Hán thư của Ban Cố; Hậu Hán thư của Phạm Việp; Tam Quốc chí của Trần Thọ; cho đến Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo) để dịch và biên soạn cuốn “An Nam truyện” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018), cho biết: "Trong bộ sách Tân ngũ đại sử do Âu Dương Tu biên soạn ghi chép lịch sử Trung Quốc từ năm 907 nhà Hậu Lương đến năm 960 nhà Hậu Chu, quyển 65 có tên gọi “Nam Hán thế gia” chép việc Lưu Nghiễm (sử Việt Nam thường gọi là Lưu Cung - PV) vua Nam Hán phong con trai là Hoằng Tháo (sử Trung Quốc ghi là Hồng Tháo - PV) làm Giao Vương, xuất binh đến Bạch Đằng để đánh. Ngô Quyền cho đóng cọc sắt dưới biển, quân của Ngô Quyền nhân nước triều mà tiến. “Hồng Tháo đuổi theo, nước triều rút, thuyền trở lại, đâm phải cọc đều lật chìm. Hồng Tháo chiến tử, Nghiễm thu thập tàn quân mà quay về” (trang 236)".

“Như thế, rõ ràng câu “Hồng Tháo đuổi theo, nước triều rút, thuyền trở lại, đâm phải cọc đều lật chìm. Hồng Tháo chiến tử”, dù không nêu rõ Hoằng Tháo chết vì lý do gì nhưng cũng không hề nói Hoằng Tháo bị chém chết”, dịch giả Châu Hải Đường bày tỏ.

Ngoài bộ sách Tân ngũ đại sử do Âu Dương Tu biên soạn ghi chép lịch sử Trung Quốc từ năm 907 nhà Hậu Lương đến năm 960 nhà Hậu Chu, quyển 65 có tên gọi “Nam Hán thế gia” chép về cái chết của Hoằng Tháo, thì ông Châu Hải Đường còn cho biết thêm: Trong bộ sách "Nam Hán thư" của Lương Đình Nam đời Thanh soạn có khảo nhiều tư liệu.

"Nam Hán thư" quyển 8 - Liệt truyện đệ nhị - Chư vương, công chúa truyện trong truyện chép về Hồng Tháo có ghi rõ: "Hồng Tháo chiến bại bị cầm, vi Quyền sở sát" (chữ Hán: 洪操戰敗被擒,為權所殺) nghĩa là: "Hồng Tháo chiến bại, bị bắt, bị Ngô Quyền giết chết".

Sách “Nam Hán Thư”, quyển 8, Lương Đình Nam viết về cái chết của Hoằng Tháo (Tư liệu Châu Hải Đường cung cấp)

Cũng sách “Nam Hán Thư”, quyển 8, trong phần khảo dị cuối quyển, tác giả Lương Đình Nam dẫn thêm khảo dị từ các bộ sách khác ra như sau:

“Sách “Thông giám" viết: Khoảnh khắc, nước triều rút, thuyền quân Hán đều vướng vào cọc bịt sắt không lui được. Quân Hán đại bại, sĩ tốt bị lật thuyền chết đuối quá nửa. Hồng Thao chết. Chúa Hán thu nhặt tàn quân than khóc trở về.

Sách "Thập quốc xuân thu" chép: Nước triều rút, thuyền lui vướng phải cọc đều bị lật chìm, Hồng Tháo bị chết đuối.

Xét, hai sách trên đều không nói đến chuyện Tháo bị bắt.

Như vậy, có thể thấy chuyện "Hồng Tháo chiến bại, bị bắt, bị Ngô Quyền giết chết" là Lương Đình Nam chép theo quan điểm của “Cửu quốc chí” đời Tống. Và tất cả các bộ sử thư từ Tống, đến Thanh chưa hề có bộ sử nào viết Hồng Tháo bị chém cả.

Đó là ghi chép và quan điểm trong các bộ chính sử quan phương của Trung Quốc: “Thông Giám”: tức “Tư trị Thông giám” bộ sử biên niên gồm 294 quyển do tư Mã Quang đời Bắc Tống chủ trì biên soạn. “Thập quốc xuân thu”: Bộ sử thư gồm 114 quyển, chép về 10 nước thời Ngũ đại Thập quốc là: Ngô, Nam Đường, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sở, Ngô Việt, Mân, Kinh Nam, Bắc Hán, do Ngô Nhậm Thần đời Thanh soạn. “Cửu quốc chí”: Bộ sử gồm 51 quyển, do Lộ Chấn đời Bắc Tống biên soạn, chép chuyện của chín nước ở phía nam thời Ngũ đại Thập quốc là: Ngô, Nam Đường, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sở, Ngô Việt, Mân, Bắc Hán.

Nghi vấn về bài thơ của Lê Tung

Trong sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3, để chứng minh Dương Tam Kha là người giết Hoằng Tháo, PGS.TS Nguyễn Minh Tường dẫn bài thơ “Quá Bình Vương cựu trạch từ” (Qua đền trên nền nhà cũ Bình Vương) của Tiến sĩ Lê Tung là một trong ba căn cứ để ông kết luận: “Lê Tung khẳng định Dương Tam Kha là người chém chết Hoằng Tháo” (trang 26).

Tuy nhiên sau khi báo NNVN đăng bài, bạn đọc đã đặt nghi vấn về 2 câu thơ: “Thực thung giang khẩu thiết kỳ mưu/ Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu” (Dịch nghĩa: Cắm cọc xuống sông, khéo bày mưu lạ/ Chém đầu Hoằng Tháo nhà Hán rửa hận cho cha). Theo ý kiến của bạn đọc thì các sử liệu chính thống của Việt Nam đều chép Ngô Quyền là người bày mưu cắm cọc xuống sông Bạch Đằng để giết quân Nam Hán. Còn cha của Dương Tam Kha là Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết, đâu có liên quan gì đến Hoằng Tháo mà “Chém đầu Hoằng Tháo nhà Hán rửa hận cho cha”?

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết trong “Đại Việt sử ký toàn thư” như sau: “Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát”.

Tương tự, trong “Đại Việt sử ký tiền biên”, sử gia Ngô Thì Sỹ cũng viết: “Lúc ấy Quyền đã giết được Công Tiễn, nghe tin Hoằng Thao sắp đến, liền nói với tướng tá ràng: "Hoằng Thao là một đứa nhãi con ngu dại, mang quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe tin Công Tiễn chết, không có nội gián, cũng đã mất vía trước rồi. Quân ta đang nhàn rỗi mà đánh kẻ mệt mỏi thì tất nhiên sẽ phá tan được. Nhưng lợi khí của chúng là có thuyền chiến, nếu không phòng bị trước thì tình hình thắng bại cũng không thể biết được. Nếu ta sai người đến đóng cọc ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn mũi và bọc sắt ở đầu, khi nước thủy triều lên, thuyền của chúng vào trong khu vực có cọc, sau đó ta sẽ dễ bề chế ngự. Không còn kế gì hơn kế này". Rồi bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa sông”.

KHẢI MÔNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/chinh-su-trung-quoc-viet-ve-cai-chet-cua-hoang-thao-nhu-the-nao-post227101.html