Chính sách vẫn 'cản chân' doanh nghiệp

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cách đây không lâu, đa số khách hàng chính của DN tư nhân Việt Nam trong vòng 3 năm gần đây là các cá nhân Việt Nam (66%), công ty tư nhân trong nước (64%) và DN nhà nước khác (24%).

Con số này quá chênh lệch so với số DN Việt Nam hiện đang làm ăn với đối tác nước ngoài, những thành phần có nhiều khả năng hội nhập vào các chuỗi cung toàn cầu. Cụ thể, chỉ 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ có 8,4% DN XK sản phẩm trực tiếp và 7,4% DN XK gián tiếp thông qua việc bán hàng cho các DN mua hàng bên thứ ba.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu ra vấn đề rất đáng chú ý là: Dù Luật Trọng tài thương mại đã được thông qua năm 2010 và có hiệu lực năm 2011, nhưng chỉ có 36,1% DN nghe nói đến luật này. Bởi vậy, không mấy DN tận dụng được các điều khoản về trọng tài mà luật cho phép. Tương tự, mặc dù Hiệp định Đối tác Toàn điện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được nhắc tới nhiều trong suốt thời gian qua, song chỉ có 36,7% DN biết đến các điều khoản giải quyết tranh chấp của hiệp định.

Do không biết về các điều luật bảo vệ đã có sẵn nên DN không thể tận dụng mà phải dùng đến các phương thức phi chính thức để đảm bảo thực thi hợp đồng. Những phương thức này không có gì chắc chắn, dần khiến DN trở nên e dè, không dám mở rộng kinh doanh, dẫn đến làm giảm đầu tư và tăng trưởng. Tất cả các yếu tố trên dẫn đến hạn chế sự tham gia của DN nội địa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới. Bởi vậy, những con số được VCCI công bố thực sự gợi lên không ít lo ngại. Đâu là nguyên nhân “cản chân” các DN nội trên con đường tham gia sâu hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế? Sòng phằng mà nói, khả năng quản trị, trình độ công nghệ của DN Việt vẫn còn kém; chất lượng nguồn nhân lực tồn tại nhiều bất cập… Tuy nhiên, không ít DN Việt từng chia sẻ, với DN, rào cản về mặt chính sách được xem là yếu tố quyết định. Đó là bởi, chính sách nhiều khi thiếu ổn định, tình trạng tham nhũng phổ biến và cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại còn hạn chế…

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã đồng loạt triển khai không ít giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, hội nhập. Điển hình có thể kể đến như những nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm bớt rào cản hành chính trong thủ tục hải quan và lưu hàng tại cảng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh kinh doanh gay gắt hiện nay, mọi giải pháp có lẽ cần được thúc đẩy triển khai quyết liệt, thực chất hơn nữa mới mong đem lại kết quả như kỳ vọng. Đặc biệt, trong câu chuyện hội nhập, song hành cùng cơ hội, các thách thức, tranh chấp thương mại cũng sẽ thường xuyên diễn ra. Bởi vậy, để tự nâng cao tính cạnh tranh cho DN, bên cạnh sự tự vận động của chính DN, các cơ quan chức năng cũng cần thông tin rộng rãi, hướng dẫn các DN sát sao hơn về các quy định pháp luật nội địa cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan tới phương thức trọng tài. Nhấn mạnh vào điểm này, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng đồng hành với DN, tin rằng các DN Việt sẽ củng cố thêm niềm tin, động lực để phát triển mạnh mẽ, vươn xa hơn.

Đức Phong

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chinh-sach-van-can-chan-doanh-nghiep-106541.html