Chính sách ưu việt cho lao động nữ trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Hai doanh nghiệp dệt may là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và Công ty Maxport Limited Việt Nam vừa được Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) trao chứng nhận thành viên. Đây là những đơn vị hướng đến bình đẳng giới tại môi trường làm việc với các chính sách ưu việt cho lao động nữ.

Chính sách nhân sự TNG hướng đến bình đẳng giới

Tại tọa đàm “Tầm nhìn lãnh đạo: Giá trị bình đẳng - Chìa khóa Phát triển bền vững của Doanh nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, năm 2018, TNG đã đạt mức tăng trưởng với doanh thu đạt 3.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng 45% và 57% so với năm trước. Năm 2019, Hội đồng Quản trị TNG đề xuất kế hoạch doanh thu 4.154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng và ông Thời tự tin sẽ thực hiện được kế hoạch ấy. Hiện TNG đã ký kết các hợp đồng đủ đơn hàng cho đến tháng 9/2019. Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay, năm 2019, TNG có thể cán đích doanh thu 4.500 tỷ đồng.

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tặng hoa cho ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tặng hoa cho ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

Để không ngừng phát triển, TNG luôn thực hiện các chính sách nhân sự hướng đến sự bình đẳng cho cả nam và nữ. Tổng số cán bộ công nhân viên của TNG hơn 15,000 người, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ hơn 80%, tập trung chủ yếu tại các dây chuyền may với tỷ lệ 86%. Đây cũng chính là lực lượng đông đảo nhất trong công ty, trực tiếp làm ra sản phẩm. Chính vì vậy, TNG xác định chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị, giúp người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Tất cả các cấp quản lý ở TNG đều có sự tham gia của nữ giới: Cấp tổ trưởng 91% (195/215 người), cấp giám đốc 47% (7/15 người), cấp hội đồng quản trị công ty 33% (3/9 người) và đa số họ đều trưởng thành từ lao động sản xuất và được đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ quản lý. Trong tuyển dụng, TNG đã ban hành chính sách chống phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới trong tuyển dụng để đảm bảo không xảy ra bất cứ sự phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Nghiêm cấm từ chối tuyển dụng lao động nữ vì lý do mang thai hoặc yêu cầu thử thai trước khi tuyển dụng; nghiêm cấm việc sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ với lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

TNG thực hiện quy chế lương thưởng thống nhất, dựa trên đánh giá năng lực của nhóm chức danh công việc, không có sự khác biệt về thang lương, bảng lương giữa nam giới và nữ giới. TNG cam kết về một chính sách thu nhập bình đẳng về điều kiện làm việc và mức độ đóng góp. Cán bộ công nhân viên nam và nữ đều được chi trả như nhau cho những công việc có cùng giá trị, cùng mức độ đánh giá về chất lượng công việc của họ.

Công nhân may mặc ở Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG

Người lao động tại TNG đều được tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề do công ty tổ chức. Sau các khóa đào tạo, tùy thuộc vào năng lực mà người lao động được bố trí vào các vị trí cao hơn như tổ trưởng, quản lý. Cùng với đó, mức lương, phụ cấp của người lao động cũng tăng theo. TNG trao cho toàn thể cán bộ công nhân viên cơ hội bình đẳng trong giáo dục, đào tạo. Mọi chương trình đào tạo khi thiết kế và triển khai đều có những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia và công bố rộng rãi. Ngoài ra, chương trình đào tạo của TNG rất đa dạng về nội dung phù hợp với tất cả các vị trí công việc, giới tính, độ tuổi và trình độ học vấn.

Đặc biệt, TNG xây dựng chính sách nhằm nhận diện các hành vi quấy rối và lạm dụng. Đảm bảo bình đẳng giới thông qua việc nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử với người lao động nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người lao động nữ bao gồm cả ngôn ngữ, cử chỉ, hành động xúc phạm thể chất, có tính chất cưỡng bức tình dục, đe dọa, lăng mạ hay lợi dụng. Định kì ít nhất 1 năm/lần, người lao động tại TNG được huấn luyện lại về chính sách chống quấy rối và lạm dụng. Người lao động, đặc biệt là lao động nữ, đều được đối xử trong sự tôn trọng và có phẩm cách. Tại các chi nhánh của công ty đều đặt các thùng thư góp ý có khóa nhằm tạo điều kiện cho người lao động khai báo và tố giác dễ dàng. Từ đó, ngăn chặn kịp thời để không ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả lao động, xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện.

Chế độ thai sản hợp lý

Ngoài việc thực hiện đầy đủ các quy định của nhà nước về chế độ chính sách thai sản, TNG còn có những chính sách ưu việt khác: Phụ nữ mang thai từ tuần thứ 25 trở đi đến khi con 1 tuổi được nghỉ sớm 1 giờ/ ngày vẫn hưởng tiền lương đầy đủ; hỗ trợ lao động nữ sau sinh với số tiền 300.000 đồng/người/con. Tổng số tiền chi về chế độ chính sách thai sản năm 2018 là 261 triệu đồng. Mặt khác, công ty giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ và một phần chi phí gửi trẻ mẫu giáo cho lao động nữ. Ngoài ra, TNG đã phối hợp mở 5 lớp nhà trẻ trong khu vực người lao động sinh sống với tổng số 150 cháu. Công ty cũng dành sự quan tâm cho con em nhân viên thông qua việc tổ chức các chương trình 1/6, tết Trung thu; tặng quà các cháu đạt thành tích học tập cao và tổ chức thăm quan du lịch cho con em CBCNV.

Ở TNG, lao động nam khi có vợ sinh con được nghỉ hưởng lương từ 5 đến 7 ngày. Chính sách này được công ty áp dụng trước khi bộ luật Lao động có hiệu lực 1 năm, tạo điều kiện cho lao động nam thực hiện trách nhiệm chăm sóc gia đình tốt hơn. Tổng số công nhân viên được hưởng chế độ thai sản nam là 482 người với tổng số tiền là 565 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thời đưa lãnh đạo Báo Thái Nguyên thăm dây chuyền may của Công ty TNG

TNG có chính sách tạo điều kiện cho lao động nữ tăng thời gian nghỉ thai sản thêm 6 tháng khi người lao động gặp khó khăn trong vấn đề trông con, vấn đề sức khỏe hay bất cứ vấn đề gì mà người lao động chưa thể quay trở lại làm việc. Tổng số lao động nữ được hưởng chế độ này là hơn 100 lao động nữ sau sinh. Bên cạnh đó, công ty xây dựng các phòng y tế đạt tiêu chuẩn nhằm kịp thời khám chữa bệnh, sơ cấp cứu và chăm sóc người lao động tại nơi làm việc. Ngoài ra, tại các phòng y tế, công ty có bố trí phòng vắt sữa để người lao động nữ đang nuôi con nhỏ sử dụng trong thời gian làm việc, giúp người lao động yên tâm làm việc và không ảnh hưởng đến thiên chức nuôi con của phụ nữ.

Mặc dù là ngành sản xuất được phép tăng ca thêm giờ và bị sức ép rất nhiều về tiến độ công việc nhưng TNG vẫn đảm bảo lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 trở lên và lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi luôn được về sớm lúc 15h30 hàng ngày để bảo vệ sức khỏe thai nhi và chăm sóc con nhỏ.

Maxport hướng đến giá trị nhân văn, bền vững trong sản xuất

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc cho những thương hiệu hàng đầu thế giới, công ty Maxport Limited Việt Nam đã có hơn 5.000 nhân sự đang làm việc tại 3 tỉnh thành Hà Nội, Nam Định và Thái Bình cùng hệ thống văn phòng, nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại. Ông Nicholas Stokes - Tổng Giám đốc Maxport Limited Vietnam đặc biệt chú trọng đến nguồn lực con người với 4 giá trị cốt lõi: Bền vững - Nhân văn - Sáng tạo - Năng suất. Đầu tư cho con người cũng chính là tiêu chí, định hướng mà Maxport luôn chú trọng trong quá trình phát triển, đặc biệt trong thời kỳ phát triển công nghệ 4.0 hiện nay. Ông Nicholas Stokes cho biết, Maxport có gần 7.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm tới 80-85%. Đây cũng chính là lực lượng đông đảo nhất trong công ty, trực tiếp làm ra sản phẩm. Chính vì vậy, Maxport Limited Việt Nam xác định chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị, giúp người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Ông Nicholas Stokes - Tổng Giám đốc Maxport Limited Vietnam (giữa) chia sẻ chế độ phúc lợi dành cho lao động nữ trong công ty

Theo Tổng Giám đốc Maxport, công ty thực hiện quy chế lương thưởng thống nhất, dựa trên đánh giá năng lực của từng nhóm chức danh công việc, không có sự khác biệt về thang lương, bảng lương giữa nam giới và nữ giới. Cán bộ công nhân viên nam và nữ đều được chi trả như nhau cho những công việc có cùng giá trị, cùng mức độ đánh giá về chất lượng công việc của họ. “Theo tôi, giá trị bình đẳng thể hiện rất rõ ở đây: Từ người đứng trưởng sản xuất tới người lao động trực tiếp hay những người làm bộ phận quản lý thì hầu hết trong số họ đều là phụ nữ. Vì vậy, giá trị bình đẳng được xem là điều hết sức bình thường và ngẫu nhiên trong công ty của chúng tôi”, ông Nicholas Stokes khẳng định.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chinh-sach-uu-viet-cho-lao-dong-nu-trong-cac-doanh-nghiep-det-may-viet-nam-post59693.html