Chính sách tốt thúc đẩy khởi nghiệp thương mại điện tử

Cần chính sách tốt để thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử - lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng lớn ở Việt Nam

Doanh nghiệp chịu lỗ

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới, với tốc độ bình quân lên đến 35%/năm - gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Vậy nhưng đến nay, doanh thu từ thương mại điện tử của Việt Nam mới chiếm hơn 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên cả nước.

Tính đến năm 2019, Việt Nam có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ; Việt Nam đã ký kết 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã đạt trên 400 tỷ USD và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới… Nhưng thực tế, đại đa số các sàn giao dịch xuất khẩu lớn tại Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel - nhấn mạnh: Shopee, Lazada, Tiki… đều đang tích cực đốt tiền để có được người dùng, lượt truy cập và người bán hàng bằng các hình thức trợ giá sản phẩm, miễn phí vận chuyển. Riêng trong năm 2019, các công ty này hiện đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.

Khảo sát của Sách trắng thương mại điện tử năm 2019 chỉ rõ, vấn đề lớn nhất hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam là thiếu sự tin tưởng giữa người bán và người mua, 89% người dùng thương mại điện tử hiện nay vẫn ưu tiên sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD); 33% người chưa tham gia mua sắm trực tuyến vì không tin tưởng người bán… Tuy nhiên, với xu hướng thương mại điện tử ngày càng phát triển (dự báo sẽ đạt 13 tỷ USD vào năm 2020) việc chịu lỗ để đón cơ hội cũng là chiến lược được nhiều doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi.

Khởi nghiệp thương mại điện tử đang có tiềm năng lớn tại Việt Nam

Khởi nghiệp thương mại điện tử đang có tiềm năng lớn tại Việt Nam

Thay đổi để thúc đẩy

Thực tế, thương mại điện tử phát triển đang thúc đẩy nhiều phương thức kinh doanh mới, kéo theo nhiều lĩnh vực phát triển, điển hình như logistics, ngân hàng điện tử… Đây cũng là yếu tố quan trọng để khuyến khích sự sáng tạo, đột phá của các startup. Kết quả nghiên cứu của VCCI cho thấy: Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Từ vị trí thứ 5/6 quốc gia Đông Nam Á (năm 2017), Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore, về tổng giá trị thương vụ đầu tư khởi nghiệp (năm 2018). Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào startup Việt Nam đạt 264 triệu USD, ước tính cả năm 2019 đạt 800 triệu USD – gần gấp 2 so với năm 2018.

Để thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp thương mại điện tử, tư duy công nghệ của các startup được xem là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên một yếu tố cũng đặc biệt quan trọng đối với hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đó chính là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó vai trò của các nhà đầu tư là đặc biệt quan trọng. Nhất là trong lĩnh vực logistics – một lĩnh vực có tác động mạnh mẽ tới sức cạnh tranh về chi phí của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, có khá nhiều Quỹ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước lại không hề dễ dàng bởi những rào cản pháp lý kèm theo. Ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho hay, ở Việt Nam, tư duy chính sách còn rất hạn chế. Quá trình hoạt động, các quỹ do các đơn vị của Nhà nước phải bảo toàn vốn, nếu để mất vốn sẽ bị hình sự hóa. Điều này đồng nghĩa với việc, không quỹ nào của Nhà nước dám đầu tư mạo hiểm. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu trông chờ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm hay đầu tư thiên thần. Đã đến lúc cần có những thay đổi mạnh mẽ hơn về tư duy chính sách. Nếu cứ giữ mãi những tư duy trì trệ và bảo thủ, rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng làm thui chột hoặc bóp méo các ý tưởng kinh doanh.

Ông Nguyễn Thế Quang – Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định thêm, cùng với việc hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển; một số hành lang pháp lý chưa phù hợp, thiếu tính thiết thực phải được xóa bỏ. Có như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp mới thực sự phát triển trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam.

Thu Hoài

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chinh-sach-tot-thuc-day-khoi-nghiep-thuong-mai-dien-tu-162805.html