Chính sách tiền tệ: Nặng gánh hai vai

Nhiệm vụ đặt ra đối với chính sách tiền tệ năm 2020 vô cùng khó khăn khi vừa phải kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; đồng thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực

Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực

Vẫn còn những điểm mờ

Điều hành chính sách tiền tệ là một trong những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2019 khi đã góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, trong khi vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%.

Đặc biệt, thành công lớn nhất trong năm 2019 chính là chính sách tỷ giá khi mà bất chấp những biến động của thị trường tài chính toàn cầu, thị trường ngoại hối, nhưng tỷ giá trong nước vẫn bình lặng. Không những vậy, năm qua NHNN còn mua thêm tới hơn 20 tỷ USD để nâng quỹ dự trữ ngoại tệ lên mức cao kỷ lục 79,9 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với năm 2015.

“Điều này có ý nghĩa lớn cho an ninh tài chính quốc gia, bởi dự trữ ngoại tệ lớn là một bộ đệm giúp nền kinh tế chống đỡ lại những tác động bất lợi từ bên ngoài. Không những vậy, nó còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước và nâng cao năng lực can thiệp thị trường của NHNN”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.

Thế nhưng, bên cạnh những điểm sáng đó, bức tranh tiền tệ vẫn còn những khoảng tối. Điều đầu tiên phải nói tới đó là mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực, mà một trong những nguyên nhân chính là mức độ rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng vẫn còn lớn, nợ xấu còn cao.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 1,89%, tương đương với thời điểm cuối năm 2018. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn thì con số nợ xấu thực tế còn cao hơn nhiều. Nợ xấu cao chẳng những làm tăng chi phí hoạt động, mà còn ngăn cản các nhà băng vươn tới những chuẩn mực quốc tế và cản trở dòng chảy tín dụng. Hiện có tới hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào vốn tín dụng như hiện nay, đây quả là một vấn đề nan giải, đòi hỏi NHNN cần sớm có giải pháp hóa giải.

Dù tăng trưởng tín dụng chững lại, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được tốc độ khá cao trong năm qua một phần nhờ các nguồn vốn khác như FDI, phát hành cổ phiếu và trái phiếu… Quả vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm qua vẫn tăng 10,2% so với năm 2018 và chiếm khoảng 33,9% GDP, cao hơn so với mức 33,5% GDP của năm 2018.

Ngoài ra, kỷ nguyên số bùng nổ đã và đang làm thay đổi hoạt động của các ngân hàng từng ngày, từng giờ, thế nhưng hành lang pháp lý đối với ngân hàng số hiện vẫn chưa hoàn thiện cũng là một thách thức không nhỏ cho hệ thống ngân hàng.

Khó khăn, thách thức lớn hơn

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Ngân hàng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đó quả là một nhiệm vụ không hề đơn giản, thậm chí có thể nói là lưỡng nan khi mà mục tiêu tăng trưởng đôi khi lại mâu thuẫn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi về mặt lý thuyết, muốn kiềm chế lạm phát, phải thắt chặt tiền tệ; có nghĩa cung tiền, tín dụng sẽ được thặt chặt hơn, đẩy mặt bằng lãi suất tăng cao. Lẽ đương nhiên điều đó sẽ không có lợi cho tăng trưởng kinh tế.

Bài toán đặt ra cho năm 2020 còn khó hơn nhiều khi mà áp lực lạm phát năm nay là rất lớn. Hiện giá thịt lợn vẫn đang neo ở mức rất cao, kéo theo đó là giá của nhiều mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng theo. Trong khi giá xăng, dầu cũng có thể bật tăng mạnh trong năm nay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dịu bớt, xung đột địa chính trị được dự báo sẽ tiếp tục bùng phát ở Trung Đông.

Chưa kể lạm phát cơ bản cũng cao hơn so với năm trước sau khi chính sách tiền tệ đã được nới lỏng hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu như năm 2018, lạm phát cơ bản chỉ tăng bình quân 1,47% so với năm 2017, thì năm 2019, mức tăng này đã vọt lên tới 2,01%.

Trong khi tỷ giá năm nay cũng được dự báo sẽ không có được sự thuận lợi như năm trước do cán cân thương mại có thể đảo chiều sang thâm hụt. Đặc biệt, việc vẫn nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ cũng khiến cho NHNN khó có thể can thiệp mạnh vào thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, nội tại hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập khi mà nợ xấu còn cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng 0 đồng vẫn còn rất chậm chạp. Thông tư 41/2016/TT-NHNN với các quy định về an toàn vốn theo chuẩn Basel II đã có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng hiện mới chỉ có 18 ngân hàng đáp ứng chuẩn này; trong khi hệ thống có tới 4 NHTM Nhà nước, 31 NHTMCP, 9 ngân hàng nước ngoài, chưa kể các ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Rồi còn mục tiêu 1- 2 ngân hàng lọt top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực vẫn còn khá xa khi mà đến nay ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam là BIDV vẫn chỉ đang đứng ở thứ hạng 138…

Xem ra, năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN.

Hà Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/chinh-sach-tien-te-nang-ganh-hai-vai-165494.html