Chính sách tiền tệ của FED - Diều hâu hay bồ câu?

Vào cuối ngày hôm nay (26/9), tức 1 giờ sáng mai theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ công bố quyết định điều chỉnh lãi suất. Hầu hết các dự báo đều tin rằng ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này sẽ tăng thêm 0,25% lãi suất cơ bản lên vùng 2 – 2,25%, với đa số ý kiến ủng hộ.

Phe “diều hâu” đang thắng thế

Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan trực thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng về lãi suất và tăng trưởng cung tiền của Mỹ, hiện có 16 thành viên thì trong đó chỉ có 3 thành viên là vẫn giữ nguyên quan điểm “bồ câu”, 5 thành viên có chính sách “diều hâu” cứng rắn và 8 thành viên còn lại có quan điểm từ trung lập đến nghiêng về chính sách “diều hâu”.

Cụ thể, các thành viên Evans, Bullard và Kashkari hiện nay vẫn kiên định lập trường “bồ câu” của mình, tức giữ nguyên lãi suất. Trong đó, Chủ tịch FED tại St. Louis Fed là James Bullard cho rằng FED nên ngừng tăng lãi suất, vì dù tỷ lệ thất nghiệp thấp và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cũng không có nghĩa là lạm phát sẽ cao hơn, giống như cách thức mà nền kinh tế thay đổi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông Bullard cũng tin rằng chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump có thể sẽ chứng minh được là một nước cờ có lợi về lâu dài cho tăng trưởng năng suất sản xuất của Mỹ, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững nhanh hơn.

Ngược lại, 5 thành viên hoàn toàn ủng hộ chính sách diều hâu là Rosengren, George, Mester, Williams và Barkin. Trong đó, John Williams – Chủ tịch ngân hàng dự trữ New York cho rằng các điều kiện kinh tế hiện tại là “không thể tốt hơn”, điều này sẽ cho phép Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất hơn nữa. Ông phát biểu: “Tôi không cho rằng việc đường cong lợi suất đảo ngược là một yếu tố quyết định đến chính sách tiền tệ của chúng ta nên đi theo hướng nào”. Đường cong lợi suất đảo ngược là hiện tượng lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn ngắn lại cao hơn kỳ hạn dài.

Eric Rosengren – Chủ tịch ngân hàng dự trữ Boston thì phát biểu: “Nếu mọi thứ đều tiếp tục diễn tiến tốt đẹp trong nền kinh tế, và đó là những gì mà tôi mong đợi và hy vọng, thì rõ ràng là chúng ta đang ở trong một tình trạng mà chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn nữa”.

Lael Brainard – thành viên Hội đồng thống đốc FED, người nghiêng về chính sách diều hâu thì nói: “Những sự phát triển mạnh mẽ đã làm gia tăng triển vọng trong nền kinh tế, và trong một số thời điểm lãi suất trong ngắn hạn có thể vượt hơn so với lãi suất trong dài hạn là điều không có gì quá ngạc nhiên. FED có đủ khả năng tăng lãi suất trong vài năm tới mà không khiến cho tăng trưởng kinh tế chậm lại”.

Ý kiến phe trung lập cũng nghiêng về phương án tăng

Với những người thuộc quan điểm trung lập có Chủ tịch FED hiện tại là Jerome Powel lại có những phát biểu thận trọng hơn: “Nền kinh tế đang mạnh mẽ. Lạm phát đã đạt mục tiêu 2% và hầu hết những người muốn có một việc làm thì đều đã tìm thấy. Tôi và các đồng sự đang xem xét cẩn thận các dữ liệu kinh tế đầu vào, và chúng tôi đang xách định chính sách tiền tệ cần phải được điều chỉnh phù hợp như thế nào để có thể tiếp tục duy trì hỗ trợ sự tăng trưởng, thị trường lao động mạnh mẽ mà vẫn giữ lạm phát ở 2%”.

Raphael Bostic – Chủ tịch ngân hàng dự trữ Atlanta thì tỏ vẻ nhát gừng: “Tôi sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ phương án nào mà có thể làm đường cong lợi suất bị đảo ngược thêm và tôi cũng hy vọng rằng chúng ta có thể tiếp tục tiến về phía trước mà không đối mặt với điều này”.

Rõ ràng với số lượng thành viên FOMC đang nghiêng về chính sách diều hâu thì một đợt tăng lãi suất vào tối nay cũng như những lần tiếp theo trong thời gian tới là chắc chắn, bất chấp tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tiếp chỉ trích chính sách của FED ra sao. Với lịch sử là một ngân hàng trung ương độc lập với các nguyên tắc chính trị, FED sẽ quyết tâm kiên định với chính sách của mình.

Biểu đồ thể hiện xu hướng quan điểm của 16 thành viên FOMC

Quan trọng là tăng bao nhiêu?

Theo công cụ FedWatch Tool của CME sử dụng để dự báo khả năng tăng lãi suất của FED, thì hiện tại xác suất tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% là đến 95%, trong khi xác suất tăng thêm 0,5% đã tăng lên mức 5% từ mức 0% cách đây 1 tháng. Theo đó, kịch bảng tăng mạnh đến 0,5% đã được nhiều người dự báo hơn so với trước đây.

Nếu quyết định tăng lãi suất vào tối nay thành hiện thực, thì đây sẽ là lần tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay của FED (theo lộ trình là có 4 lần tăng) và cũng là lần tăng thứ 8 của cơ quan này tính từ cuối năm 2015 đến nay, thời điểm mà FED bắt đầu việc bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất trở lại từ mức gần 0%.

Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát vượt mục tiêu và hầu hết các thành viên đều ủng hộ phương án thắt chặt thêm chính sách, thì khả năng tăng lãi suất vào cuộc họp kết thúc đêm nay gần như là chắc chắn, quan trọng là mức tăng bao nhiêu và định hướng chính sách cho giai đoạn tới sẽ cụ thể đến đâu.

ĐỒNG AN

Diều hâu (hawkish) hoặc bồ câu (dovish) tùy thuộc vào cách các thành viên tiếp cận những tình huống kinh tế nhất định. Quan điểm “diều hâu” là khi họ ủng hộ việc nâng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi nó gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và việc làm. Ngược lại, theo hướng "bồ câu" thì thường thích tăng trưởng kinh tế và việc làm hơn là siết chặt lãi suất. Họ thường có quan điểm ít mạnh mẽ hơn đối với các sự kiện hay hoạt động kinh tế nhất định.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-ti%C3%A8n-t%E1%BA%B9-c%E1%BB%A7a-fed-di%C3%A8u-hau-hay-b%C3%B2-cau-13488.html