Chính sách thuế mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Năm 2016, cùng với Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP tạo thêm động lực đổi mới, thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chính sách trong lĩnh vực tài chính tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Những sửa đổi căn bản trong Luật, Nghị định hướng tới mục tiêu đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ pháp luật thuế

Những sửa đổi căn bản trong Luật, Nghị định hướng tới mục tiêu đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ pháp luật thuế

Trong đó điểm nhấn nổi bật là việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế (Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016); Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế (Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016).

Mở rộng đối tượng không thuộc diện chịu thuế

Luật Thuế GTGT tiếp tục được bổ sung, sửa đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, một số nội dung trong Luật số 106/2016/QH13 đã được bổ sung như đối tượng hoàn thuế trước kiểm tra sau; mở rộng đối tượng không thuộc diện chịu thuế; quy định về hoàn thuế và thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng.

Đối với đối tượng hoàn thuế trước kiểm tra sau, Luật số 106/2016/QH13 đã bổ sung 2 đối tượng thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, đó là: (i) Người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật thuế trong 2 năm liên tục; (ii) Người nộp thuế không thuộc diện rủi ro cao theo quy định của Luật Quản lý thuế. Các sửa đổi, bổ sung một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ tốt pháp luật thuế được nhanh chóng giải quyết hoàn thuế và đơn giản hóa thủ tục giải quyết hoàn thuế, mặt khác, thúc đẩy người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế để được hưởng những thuận lợi về thủ tục thuế.

Quy định này cũng quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro trong Luật Quản lý thuế, đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển, vừa quản lý thuế chặt chẽ, chống gian lận qua hoàn thuế GTGT.

Đối với quy định cụ thể về hoàn thuế, trong đó quy định không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản xuất kinh doanh khâu nội địa nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường biện pháp quản lý, giảm bớt tồn kho, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa. Đồng thời rút ngắn thời gian được hoàn thuế từ doanh nghiệp có số thuế GTGT đầu vào lũy kế 12 tháng chưa được khấu trừ hết xuống quy định đối với số thuế GTGT đầu vào trong tháng/quý chưa được khấu trừ hết thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Luật quy định chi tiết các trường hợp được khấu trừ thuế đối với cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư mới có số thuế GTGT còn lại từ 300 triệu đồng và số thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ, trong khi (i) dự án đầu tư không đảm bảo các điều kiện kinh doanh (vốn góp; quy định của Luật đầu tư; không duy trì được các điều kiện trong quá trình hoạt động); (ii) các dự án đầu tư khai thác tài nguyên khoáng sản mới được cấp phép từ 1/7/2016 hoặc các dự án đầu tư sản xuất có giá trị tài nguyên khoáng sản và chi phí năng lượng chiếm phần lớn (từ 51%) trong giá thành sản phẩm. Đối với doanh nghiệp có dịch vụ xuất khẩu sẽ được hoàn thuế theo tháng, quý nếu số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên.

Luật Thuế GTGT cũng mở rộng các đối tượng không thuộc diện chịu thuế đối với các hoạt động dịch vụ mang tính bảo trợ, an sinh xã hội, như: Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; đồng thời bổ sung thêm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật để họ có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão với mức giá hợp lý.

Thực hiện nguyên tắc công bằng giữa các doanh nghiệp

Về thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng giữa hàng nông sản nhập khẩu và hàng nông sản được sản xuất trong nước, nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, Luật Thuế GTGT đã quy định cụ thể từng đối tượng, từng khâu sản xuất trong việc xác định đối tượng chịu thuế GTGT.

Theo đó, các mặt hàng nông sản, thủy sản thô hoặc sơ chế của các tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu sẽ không thuộc đối tượng chịu thuế. Tại khâu kinh doanh tiếp theo, các doanh nghiệp, hợp tác xã (nộp thuế theo phương pháp khấu trừ) có mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến hoặc mới sơ chế thông thường sẽ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Với quy định này, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh hàng nông sản trong thị trường nội địa sẽ vừa tiết kiệm được chi phí tài chính do không phải bỏ tiền nộp thuế trước đối với hàng nông sản khi mua vào hoặc nhập khẩu; đồng thời bảo đảm được quyền khấu trừ thuế đầu vào đối với các chi phí trong khâu lưu thông có đóng góp làm tăng giá trị của hàng hóa nông sản (như chi phí đóng gói, xử lý, bảo quản, vận tải, quản lý,…)

Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với một số trường hợp

Nhằm chia sẻ khó khăn với những người nộp thuế có ý thức, thái độ tuân thủ pháp luật thuế nhưng hiện tại đang gặp khó khăn về tài chính, cần có thời gian để thu xếp nguồn tiền để nộp dần số thuế nợ, Luật Quản lý thuế quy định chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp được cho phép nộp dần tiền nợ thuế nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế nếu có bảo lãnh của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, mức phạt chậm nộp thuế đã giảm từ 0,05%/ngày xuống mức thấp hơn là 0,03%/ngày để phù hợp với mặt bằng lãi suất ngân hàng (mức phạt chậm nộp đã giảm nhiều so với trước đây) nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định xử phạt, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với người nộp thuế . Việc áp dụng mức tính tiền chậm nộp 0,03%/ ngày cũng được áp dụng đối với cả các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 1/7/2016 mà người nộp thuế chưa nộp vào NSNN, khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn NSNN nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ. Số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ không vượt quá số tiền NSNN chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian NSNN chưa thanh toán.

Bảo vệ hàng hóa chịu thuế được sản xuất trong nước

Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ hàng hóa chịu thuế TTĐB được sản xuất trong nước

Điểm nổi bật trong Luật Thuế TTĐB sửa đổi là việc quy định cụ thể về giá tính thuế nhằm bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hóa sản xuất ở Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu trước đây tính thuế TTĐB trên giá CIF (giá nhập khẩu + thuế nhập khẩu) nhưng theo quy định mới tính thuế TTĐB trên mức giá do cơ sở nhập khẩu bán ra như đang áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Giá bán làm căn cứ xác định giá tính thuế TTĐB không thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra.

Như vậy, sản phẩm chịu thuế TTĐB của các doanh nghiệp trong nước đã được Chính phủ bảo đảm công bằng, bình đẳng với sản phẩm nhập khẩu cùng loại hoặc tương đương từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời, để ngăn ngừa việc tránh thuế TTĐB của các doanh nghiệp sử dụng mô hình công ty mẹ/con, mô hình liên kết, đầu tư sở hữu chéo… thông qua việc chuyển giá nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế, Luật số 106/2016/QH13 cũng quy định trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho các doanh nghiệp có mối quan hệ với nhau (quan hệ mẹ - con; quan hệ hợp đồng cung cấp – sản xuất; quan hệ đồng cấp giữa các công ty con; ….) đều phải áp dụng giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quần của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ.

Có thể nói, những sửa đổi căn bản trong Luật, Nghị định đã góp phần truyền tải thông điệp chính sách của Chính phủ, hướng tới mục tiêu đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ pháp luật thuế, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, tạo thuận lợi cho người nộp thuế một cách hợp pháp trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đây là những hành động thiết thực của Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

TS. Nguyễn Viết Lợi - Viện trưởng Viện CL&CSTC/Chinhphu.vn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/chinh-sach-thue-moi-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-post11943.html