Chính sách thiếu linh hoạt, Việt Nam sẽ rơi vào suy giảm tăng trưởng

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại 'Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018'. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với độ mở kinh tế cao và là một mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và thế giới, những biến động về kinh tế trên thế giới sẽ có tác động lớn và ngay lập tức đối với tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Đây là thông tin được các diễn giả chia sẻ tại "Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018" diễn ra sáng 4/12, tại Hà Nội.

Kinh tế dễ tổn thương do biến động toàn cầu

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm. Trước tình hình đó, nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Ông cũng cho biết với cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này, những thách thức đối với duy trì cải cách sẽ lớn hơn. Thậm chí, việc xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng.

Phân tích thêm, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác.

Do vậy, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Đơn cử việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore thì nhìn nhận, mô hình kinh tế và động lực tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc rất sâu vào thương mại. Chính vì vậy, chủ nghĩa bảo hộ thương mại đem lại cả cơ hội nhưng cũng là thách thức cho Việt Nam.

Chuyên gia này cho hay, những lợi thế về giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ mà Trung Quốc phải chịu thuế, hơn nữa Việt Nam cũng có thể thu hút được sự quan tâm cả về chiến thuật và chiến lược từ các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy vậy, theo ông, việc mải mê với cơ hội ngắn hạn và tư duy bảo hộ có thể làm tổn hại đến tầm nhìn lâu dài và cách ứng đáp chiến lược với các thách thức và cơ hội mà tình thế đổi thay mang lại.

Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cần chấp nhận cạnh tranh, không né tránh

Đến thời điểm này, Việt Nam đang triển khai thực hiện 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA…

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đức Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Vinamilk, ngay cả khi FTA còn chưa có hiệu lực thì nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã từng bước xâm nhập thị trường Việt Nam và khi FTA có hiệu lực thì hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của nước ngoài đã tràn ngập, cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa Việt Nam. Do vậy, nếu không có sự chuẩn bị tốt từ trước, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

Với ngành sữa, đại diện Vinamilk cũng nhìn nhận các thách thức rất nghiêm trọng, bởi Việt Nam có thời tiết khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, không phù hợp cho chăn nuôi bò sữa. Giá thành sản phẩm cao cũng là khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại từ Australia, New Zealand...

"Đưa sữa của Việt Nam sang các nước ôn đới, đã phát triển không khác gì đưa củi về rừng. Cần phải năng động, sáng tạo ra những sản phẩm đặc thù, những con đường riêng thì mới tận dụng được cơ hội do FTA mang lại," ông Trịnh Đức Dũng cho hay.

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, theo đại diện Vinamilk, phải xem cạnh tranh quốc tế là động lực của sự phát triển và cần chấp nhận cạnh tranh, không né tránh. Theo đó, cạnh tranh ở tầm cao của thế giới để chiến thắng bằng cách sản xuất và dịch vụ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

"Doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng cho tiến trình hội nhập. Nhất là tổ chức hệ thống, bộ máy và nguồn nhân lực. Tiến quân ra nước ngoài thì nguồn nhân lực phải hết sức tinh nhuệ. Ngoại ngữ tiếng Anh là chìa khóa mở ra thị trường mới. Đây là yếu tố rất quan trọng làm nên thành công khi hội nhập kinh tế quốc tế," đại diện Vinamilk chia sẻ thêm.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý, một số quốc gia trước kia vốn đi đầu trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại nay lại trở thành yếu tố ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương nói riêng và của cả quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trên toàn thế giới nói chung.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những diễn biến trên đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có những phân tích, dự báo và động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phân tích, dự báo những xu thế diễn biến trong tình hình kinh tế thế giới khu vực. Đặc biệt là xu thế bảo hộ thương mại và diễn biến của quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, đặc biệt là những tác động đối với thế giới và Việt Nam...

"Phải đưa ra những giải pháp và hành động cụ thể để triển khai hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong nước theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trao đổi các vấn đề trọng tâm trong việc thực thi các chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý thêm./.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chinh-sach-thieu-linh-hoat-viet-nam-se-roi-vao-suy-giam-tang-truong/538322.vnp